Dấu ấn lịch sử “Ngày Độc lập 2-9-1945”

Những thước phim vô giá có tên “Ngày Độc lập 2-9-1945” ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đã đi vào tâm khảm người Việt Nam. Nhưng ít ai biết đằng sau thước phim đó có những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Những thước phim vô giá có tên “Ngày Độc lập 2-9-1945” ghi lại hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập đã đi vào tâm khảm người Việt Nam. Nhưng ít ai biết đằng sau thước phim đó có những câu hỏi chưa có lời giải đáp.

Tạp chí Nghệ thuật Điện ảnh số 6 năm 1990 có đăng bài viết của nhà báo Trung Sơn với tựa đề “Ai là người ghi hình phim ngày Tết Độc lập 2-9-1945?”. Bài viết có chi tiết khá lý thú liên quan đến đoàn làm phim “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam vào năm 1975.

Đó là sau một thời gian quay ở Paris, trước khi đoàn trở về nước, đạo diễn Phạm Kỳ Nam bất ngờ được lễ tân khách sạn chuyển đến 1 hộp các tông được bọc kín, với lời nhắn đây là quà tặng của một người bạn của Việt Nam. Mở ra, đạo diễn Phạm Kỳ Nam hết sức ngạc nhiên khi nhận ra món quà đó là những hộp phim 16 ly với những hình ảnh đen trắng ghi trọn vẹn ngày lễ Tuyên bố Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Dấu ấn lịch sử “Ngày Độc lập 2-9-1945” ảnh 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Những thước phim về buổi lễ đó với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước đông đảo đồng bào trên Quảng trường Ba Đình ngày ấy đã được ráp nối lại để thành một bộ phim tài liệu dài 30 phút có tên “Ngày Độc lập 2-9-1945”. Bộ phim đã trở nên rất đỗi thân thuộc đối với mỗi người Việt Nam mà ngày nay chúng ta vẫn thường được xem trên màn ảnh nhỏ mỗi dịp Quốc khánh.

Khi về làm Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam (1989-2000) kiêm Tổng biên tập Tạp chí Nghệ thuật Điện ảnh, tôi rất quan tâm đến nội dung được thông tin trong bài báo của nhà báo Trung Sơn. Năm 1990, nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Quốc khánh, tôi bàn với anh Trung Sơn và anh em trong tòa soạn Tạp chí Nghệ thuật Điện ảnh phát động cuộc điều tra để tìm hiểu ai là tác giả của những thước phim kia. Chúng tôi tìm đến các nhân chứng lịch sử liên quan đến sự kiện ngày 2-9-1945 để mời viết bài.

Trong các nhân vật được mời viết có Tướng Trần Độ (Thứ trưởng Bộ Văn hóa khi đó); đạo diễn Phạm Văn Khoa (người được giao nhiệm vụ dựng lễ đài); nhiếp ảnh gia Vũ Năng An (người chụp bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ ở chiến dịch Đông Khê”)… và đặc biệt là ông Nguyễn Hữu Đang - người được Bác Hồ giao trách nhiệm làm Trưởng ban tổ chức Lễ Tuyên bố Độc lập ngày 2-9-1945.

Qua sự giúp đỡ của nhà văn Phùng Quán, chúng tôi tiếp cận được với ông Đang với lời đề nghị giải đáp giùm câu hỏi: Ai là người quay phim có mặt hôm đó tại vườn hoa Ba Đình. Không lâu sau, nhà văn Phùng Quán đem đến tòa soạn bài viết với tựa đề “Những điều còn bí ẩn quanh việc quay bộ phim Ngày Độc lập 2-9-1945”, ký tên Nguyễn Hữu Đang. Qua bài viết này, chúng tôi được tiếp cận với 2 nguồn giả thiết về chủ nhân bí ẩn của những thước phim kia.

Giả thiết đầu tiên là cuốn phim này được quay bởi ông Hương Ký (tên thật là Nguyễn Lan Hương), chủ hiệu ảnh nổi tiếng nhất tại Hà Nội khi đó. Ông Đang đã gặp ông Hương Ký, yêu cầu ghi hình buổi lễ quan trọng này. Tại vườn hoa Ba Đình hôm ấy, hai nhân viên chụp ảnh và quay phim của hiệu ảnh Hương Ký được ông Nguyễn Hữu Đang cấp giấy phép đi lại để tác nghiệp ở những khu vực cho phép. Nhưng cuối cùng ông Hương Ký thông báo không quay được vì sự cố máy móc.

Ông Nguyễn Hữu Đang viết về sự cố này với thái độ hết sức hoài nghi: “Một tuần sau Ngày Độc lập không thấy Hương Ký cho biết kết quả quay phim, tôi đến hỏi thì được trả lời không quay được vì máy trục trặc. Nhưng chỉ ít ngày sau quân Tàu Tưởng đưa bọn Vũ Hồng Khanh về và âm mưu lật đổ chính quyền, ông chủ hiệu Hương Ký đã theo Quốc Dân đảng chống lại Việt Minh. Lập tức tôi nghi ngờ ông ta không thật lòng, đổ lỗi cho cái máy bị hỏng”.

Tuy nhiên, cũng có những căn cứ để nhiều người tin vào giả thiết những thước phim này do hiệu Hương Ký quay. Cứ liệu rõ nhất về giả thiết này là dựa vào một tấm ảnh do ông David Marr, một nhà nghiên cứu sử học người Australia gốc Hoa Kỳ, cung cấp và theo ông bức ảnh đã được in trong cuốn sách “Why Vietnam?” bản gốc tiếng Anh. Đây là tấm ảnh với góc chụp từ dưới hướng lên lễ đài, chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Đứng bên phải Cụ có một người cầm ô và phía bên trái có một người đang cầm máy quay phim hướng ống kính về phía Cụ. Góc quay này được xem là ứng với đoạn phim quay cảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn nhìn nghiêng mà chúng ta đã được xem. Tuy nhiên, giả thiết này lại vấp phải câu hỏi: Vậy tại sao ông Hương Ký không giao lại cuốn phim ngay sau đó cho Ban tổ chức mà đem giấu nó đi?

Giả thiết thứ hai, tôi thấy ông Nguyễn Hữu Đang nghiêng về suy đoán này nhiều hơn. Và qua những lần cất công tìm hiểu một số đầu mối khác, tôi nhận ra đây có thể là hướng tìm hiểu có luận cứ rõ ràng hơn cả.

Ông Nguyễn Hữu Đang lập luận cho giả thiết này như sau: “Khả năng này chỉ mới xuất hiện gần đây trong đầu tôi khi đọc trên một tờ báo, đoạn hồi ký của Đại úy Archimedes L.A. Patti nguyên trưởng phái đoàn Hoa Kỳ đến Hà Nội dưới danh nghĩa Đồng minh ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa. Ông tường thuật cuộc mít tinh ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình với những chi tiết chính xác chứng tỏ ông đã chứng kiến buổi lễ, đã đi lại trong khu vực mít tinh để chụp ảnh và quay phim”.

Tìm hiểu sâu hơn về Đại úy Patti và phái bộ tiền trạm OSS của ông, tôi được biết đây là những nhân vật đã chứng kiến buổi lễ 2-9-1945 tại Hà Nội. Đơn vị đặc nhiệm này đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp đón và hợp tác chặt chẽ trong thời gian ở Việt Bắc. Một đại đội Việt Nam - Hoa Kỳ đã được thành lập, tham gia vây quân Nhật tại Thái Nguyên và về Hà Nội ngay sau khi giành chính quyền không bao lâu. Đây là số người nước ngoài hiếm hoi không cần giấy phép của ông Nguyễn Hữu Đang mà vẫn có quyền đi khắp Quảng trường Ba Đình ngày hôm đó.

“Những người Hoa Kỳ này có đeo bên cánh tay trái, chỗ gần bắp vai, một mảnh vải biểu trưng lá cờ Hoa Kỳ to bằng nửa bàn tay. Chính miếng biểu trưng ấy là cái “giấy thông hành” giúp họ có thể đi lại tự do, và một trong những hoạt động của họ khi đó là quay phim, chụp ảnh mà không ai để ý đến” - ông Đang viết.

Mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn ngày 19-8-1945.

Mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn ngày 19-8-1945.

Với con mắt nghề nghiệp, tôi thấy những thước phim trên được quay bởi tay máy rất chuyên nghiệp. Điều đặc biệt, những thước phim này được ghi hình từ nhiều góc độ, chứng tỏ người quay phim đã di chuyển liên tục trong khi quay để quan sát rồi ghi lại.

Những toàn cảnh lia biển người trên Quảng trường Ba Đình, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài, những chân dung nam nữ, những đặc tả bước chân người rầm rập đi trong hàng quân, những tà áo dài của các thiếu nữ Hà Nội bay phấp phới… rất xúc động và ấn tượng. Từ đây, giả thiết về việc những thước phim này được quay bởi người trong phái bộ cơ quan tình báo Hoa Kỳ có mặt hôm đó tại Quảng trường Ba Đình lại càng được củng cố.

Dẫu sao đây cũng chỉ là một trong nhiều giả thiết, nhưng cho đến thời điểm hiện tại với phỏng đoán của ông Nguyễn Hữu Đang, theo tôi vẫn là phỏng đoán có cơ sở nhất. Cho dù chưa khẳng định được ai là tác giả của những thước phim trên, vấn đề còn lại của chúng ta là trách nhiệm của lương tâm.

Sau một thời gian dài khai thác, sử dụng những thước phim này - những thước phim vô giá để lại cho nhiều thế hệ mai sau - chúng ta cũng cần có hình thức nào đó để biểu lộ lòng biết ơn đối với người đã ghi lại những hình ảnh có một không hai đó. Hy vọng điều bí ẩn này sẽ sớm có câu trả lời và đó là trách nhiệm của hậu thế trước lịch sử.

Các tin khác