Muôn nẻo tình yêu

Trong họ hàng dây mơ rễ má xa lắc xa lơ nhà tôi có một ông bác. Hơn 10 năm trước, ông bác ấy chừng 70 tuổi. Chỉ gặp ông đâu một, hai lần, thấy đó là một người đàn ông tráng kiện, trẻ trung và tươi tắn, trẻ hơn tuổi rất nhiều. Ông đi xe phân khối lớn và nói cười rổn rảng chào mọi người, trông có phần còn trẻ hơn anh con trai cả kém ông 15 tuổi. Và tất nhiên, đứng bên cạnh người vợ kết nghĩa tào khang từ năm 14 tuổi (bà hơn ông một tuổi), người lịch sự sẽ nói trông như chị với em, còn người vô duyên thì bảo trông như…

Trong họ hàng dây mơ rễ má xa lắc xa lơ nhà tôi có một ông bác. Hơn 10 năm trước, ông bác ấy chừng 70 tuổi. Chỉ gặp ông đâu một, hai lần, thấy đó là một người đàn ông tráng kiện, trẻ trung và tươi tắn, trẻ hơn tuổi rất nhiều. Ông đi xe phân khối lớn và nói cười rổn rảng chào mọi người, trông có phần còn trẻ hơn anh con trai cả kém ông 15 tuổi. Và tất nhiên, đứng bên cạnh người vợ kết nghĩa tào khang từ năm 14 tuổi (bà hơn ông một tuổi), người lịch sự sẽ nói trông như chị với em, còn người vô duyên thì bảo trông như…

Một ngày như mọi ngày, tôi hay tin ông chết, chết vì tình. Chết thảm vì tình. Ông say đắm một cô hàng bún ngan kém ông nhiều tuổi. Vợ ngăn cản. Con ngăn cản, nhiều lần tìm đến chỗ người tình của ông dằn mặt. Ông van xin mà không được nổi cơn điên cuồng tức giận, bảo: Cả đời tôi đến giờ mới biết thế nào là tình yêu. Hai người bàn nhau cùng uống a xít để có thể tiếp tục yêu nhau dưới suối vàng. Ông uống xong ca a xít liền bất tỉnh.

Cô người tình sợ quá gọi xe cấp cứu thay vì uống ly a xít thứ hai vừa cụng. Ông sống nốt vài ngày cuối đời trong bệnh viện với hệ tiêu hóa bị tàn phá hoàn toàn từ thực quản cho tới dạ dày. Nghe chuyện này, người đời bàn tán ông ngu dại, già còn chơi trống bỏi, sống chưa trót đời… Ngày ấy tôi còn chưa lấy chồng, nghe xong chuyện cũng không bình luận, chỉ băn khoăn mỗi một câu: Cả đời tôi đến giờ mới biết thế nào là tình yêu.

Giờ thì tôi lại nghe thấy nhiều chuyện hơn: Một chính trị gia cao cấp sẵn sàng mất phần lớn của cải cho người tình, chấp nhận cắt đứt mối quan hệ với con cái để tiếp tục tình yêu nồng cháy; một đại gia hào kiệt chỉ cho vợ con phần nhỏ trong gia sản, phần lớn để người tình đứng tên và van xin vợ hãy buông tha để mình còn đi lấy vợ mới; một nữ triệu phú yêu chàng trai cỡ tuổi cháu mình và công khai những bức ảnh tình tứ rất xì tin… Họ bị báo chí lá cải giật những cái tít giật gân câu khách với những từ không mấy nhã nhặn “vợ hai”, “bồ già”, “phi công trẻ lái máy bay bà già”…, bị người trong thiên hạ bảo “Khôn 70 năm dại một giờ”.

Tôi lại băn khoăn. Ông bác tôi xuất thân quê mùa, quanh năm bón phân trồng lúa, danh tiếng không có gì để mất, sự khôn ngoan càng không có để mà thêm dại, còn những người tài năng kia, họ đi lên bằng chính đôi chân của mình, trên những con đường chông gai nhất là chính trường và thương trường. Ở đó sự tỉnh táo, khôn ngoan và lạnh lùng luôn được treo trước trán, sao lại lú lẫn vì tình cho được. “Lú vì tình” nên để dành cho các em tuổi teen, hoặc cho các nghệ sĩ (mà kỳ thực thì tôi lại chẳng mấy khi thấy nghệ sĩ lú vì tình bao giờ. Liệu có phải vì nghệ sĩ được yêu nhiều quá nên chẳng bao giờ phải thốt lên: Cả đời tôi đến giờ mới biết thế nào là tình yêu).

Nghe những chuyện “dại một giờ” này, tôi chỉ thấy họ có một cái dại duy nhất, ấy là để cho người khác biết được “chuyện quý” của mình. “Người khác” ở đây là cả một cộng đồng luôn có thói quen coi chuyện của người khác xấu hơn chuyện của mình. Phần còn lại, tôi thấy họ là những người khôn ngoan. Bởi phàm nếu cả đời chưa biết thế nào là tình yêu, mà vẫn sống nốt những năm cuối đời trong vô vị, ấy mới là dại. Tôi lại ước gì khi về già mà mình còn yêu được như thế, hoặc giả, còn được yêu như thế, chứ chả tội gì ước khi về già đi tập dưỡng sinh, ăn canh bát thập củ bổ dưỡng và lễ chùa.

Ấy thế nhưng vẫn lại chưa hết băn khoăn rằng tại sao cái người đàn bà kia xấu xa nhường ấy, ai cũng biết cả, vậy mà ngài chính khách vẫn yêu say đắm mà bất chấp tất cả dư luận. Tại sao người phụ nữ kia già nua làm vậy mà anh người tình đẹp từng xen ti mét vẫn khen ngợi rằng anh may mắn yêu được nàng, một người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, ngoài anh ra dễ có ai yêu được.

Có người bảo anh là Đông Ki Sốt mắc chứng hoang tưởng. Tôi thì lại nhớ đến lời của triết gia người Đức - Immanuel Kant: “Vẻ đẹp không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình”. Đúng vậy chăng, vì yêu một người mà ta thấy người ấy đẹp nhất, tốt nhất trên đời. Cái đó gọi là tình yêu. Còn nếu điều gì hiển nhiên quá thì đâu còn là vĩ đại nữa.

Lại nhớ đến vài bộ phim đã xem, vài cuốn tiểu thuyết đã đọc: Một quan ngự y triều đình được bao phi tần của vua yêu dấu, cuối cùng chỉ yêu một người đàn bà độc ác, tham vọng và coi anh ta như bàn đạp. Cuối cùng, khi nàng đưa cho chàng ly rượu mà chàng biết rõ bên trong có thuốc độc, chàng vẫn cầm lên và điềm tĩnh uống hết sạch.

Lại một bộ phim đã đoạt giải Oscar, chàng là cảnh sát và phải điều tra những vụ án mạng liên quan đến một nữ nhà văn trinh thám bệnh hoạn luôn có sở thích giết chết người tình sau những cuộc mây mưa, và cảnh cuối, họ đã làm tình với con dao quen thuộc của nàng để dưới đệm. Xem xong phim, thẫn thờ bảo như thế mới là tình yêu, biết người yêu là ác quỷ, biết yêu xong sẽ chết mà vẫn cứ đâm đầu vào yêu. Rồi lại tự bảo, ấy là tiểu thuyết, là phim ảnh, tin làm gì, người thật đâu có nhẽ thế. Những bộ phim, những tiểu thuyết theo mô típ ấy thu hút không biết bao nhiêu khán giả, độc giả.

Người ta biết là bịa mà vẫn cứ muốn xem, biết là ảo mà vẫn cứ ao ước. Có mỗi một mô típ đơn điệu mà người Tàu, người Nhật, người Mỹ, người Anh… cứ xào đi xáo lại mãi vẫn cứ bán được vé kín rạp. Phim “lú vì tình” như thế thì thích xem, sao người thật “lú vì tình” thì lại đi ghét bỏ, đi bôi xấu họ. Nhìn người “lú tình” dù trẻ hay già lại cứ thấy kỳ khôi, ái ngại.

Trưa nay đẹp ngày tôi đi dự một đám cưới, gặp một chàng phóng viên quen biết đã lâu ngồi cùng bàn. Bằng tuổi tôi mà trông chàng hom hem như ông lão. Chàng thanh minh rằng tại làm báo ngày nên hôm nào cũng phải thức đêm rạc người. Chàng kể chuyện chú rể ngày xưa là bạn học cùng lớp, tính nết dại dột, yêu khổ yêu sở một cô gái, yêu khốn yêu đốn một bóng hồng, rồi kết luận “Yêu đương bây giờ ngại lắm, chả dại mà đâm đầu vào, lại cứ phải chăm bẵm chúng nó, hầu chúng nó, mất công mất việc”.

Tôi nghe câu này cũng quen, từ những người rất trẻ sợ yêu mất nhiều thời gian. Chẳng thế mà ở Anh Quốc, Singapore, Nhật Bản… chính phủ cứ phải mở những hội thảo giới tính ở trường đại học để khuyến khích giới trẻ yêu đương, kết hôn và sinh con. Giờ nhiều người trẻ ngại yêu quá, không thấy sự gì cám dỗ ở tình yêu, trong khi những chuyện tình sướt mướt ở phim Hàn và sách sến Mỹ, Tàu vẫn ăn khách.

Phải chăng người ta mặc định tình yêu chỉ có ở trên phim, đời thực chỉ có cạnh tranh, kiếm tiền, sinh con đẻ cái, giỗ chạp, thanh toán hóa đơn điện nước nên đâm ngại. Lúc ăn cỗ cưới, bất giác tôi cười một mình, dù chỉ thoáng trong khoảnh khắc. Tôi nghĩ biết đâu chàng phóng viên ngại yêu, ngại chăm bẵm người yêu, tỉnh táo như sáo sậu bỗng dưng 30 năm sau lại có lúc “dại một giờ” bởi tự nhiên một ngày đẹp trời ngộ ra rằng: Cả đời tôi đến giờ mới biết thế nào là tình yêu.

Các tin khác