Linh thiêng Thành Cổ

Địa danh Thành cổ Quảng Trị từng vang lên trong các bản tin chiến sự của tất cả hãng thông tấn trên thế giới tròn 43 năm trước - mùa hè đỏ lửa 1972. Giờ đây, dưới lớp cỏ xanh non tơ Thành cổ năm xưa thấm đẫm máu xương hàng vạn chiến sĩ và đồng bào… đất đã hóa linh thiêng. Dưới bến sông Thạch Hãn mềm mại uốn lượn trước mặt Thành cổ, từng bè hoa tươi hòa vào dòng sông lững lờ trôi lúc tỏa ra, khi chụm vào dưới vằng vặc ánh trăng khuya.

Địa danh Thành cổ Quảng Trị từng vang lên trong các bản tin chiến sự của tất cả hãng thông tấn trên thế giới tròn 43 năm trước - mùa hè đỏ lửa 1972. Giờ đây, dưới lớp cỏ xanh non tơ Thành cổ năm xưa thấm đẫm máu xương hàng vạn chiến sĩ và đồng bào… đất đã hóa linh thiêng. Dưới bến sông Thạch Hãn mềm mại uốn lượn trước mặt Thành cổ, từng bè hoa tươi hòa vào dòng sông lững lờ trôi lúc tỏa ra, khi chụm vào dưới vằng vặc ánh trăng khuya.

Mỗi ngọn cỏ là một linh hồn chiến sĩ

Tháng 7 -  Muôn tấm lòng cả nước lại hướng về tri ân và tưởng nhớ công ơn, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ để gìn giữ sông cha, núi mẹ của Tổ quốc cho đất nước được độc lập và thanh bình. Đó là những cựu chiến binh trở về thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương cho đồng đội nằm lại đất này, rưng rưng sờ từng viên gạch, từng viên đá khắc tờ lịch đánh dấu 81 ngày đêm ác liệt quanh tượng đài mà không khỏi nghẹn lòng.

Thạch Hãn, dòng sông từng được nhà Nguyễn lưu dấu lên Cửu đỉnh trong sân Thái miếu (Đại nội Huế) cùng bao nhiêu vưu vật, địa linh của đất nước. Trong chiến dịch 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972, đoạn sông uốn lượn quanh thị xã Quảng Trị và Thành cổ rộng chưa đầy 3km2 đã hứng chịu 328.000 tấn bom, hơn 1,2 triệu quả đạn pháo các loại của quân thù. Hàng vạn chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.

Máu thịt các anh trộn lẫn với gạch đá hiện vẫn đang nằm dưới cỏ non Thành cổ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, lúc còn là Tổng Biên tập Tạp chí Cửa Việt đóng ngay trong Thành cổ, từng dặn dò anh em trong tạp chí: “Đừng giẫm lên cỏ, đừng xéo đất này, mỗi ngọn cỏ là một linh hồn chiến sĩ, mỗi hạt sương là một giọt máu hồng đã được đất trời thanh sạch”.

Trong cuốn sách “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị”, lần đầu tiên công bố danh sách hơn 4.000 dòng tên các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ có 1 người trên 40 tuổi và 1 người 14 tuổi; số liệt sĩ tuổi từ 21 đến 30 có trên 30%, các liệt sĩ tuổi từ 18 đến 20 chiếm 62%. Con số lạnh lùng mà ai nghe cũng trào nước mắt. Thế nhưng nhiều cựu binh vẫn khẳng định: “Chưa đủ đâu! Ghi làm sao đây khi tham gia giữ Thành cổ năm ấy không chỉ bộ đội chủ lực của các sư 320B, 325… mà còn có bộ đội địa phương, du kích các xã, thôn...”.

Những bức thư thiêng

Ngoài chứng tích về những đoạn tường thành đổ nát còn sót lại, tại Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị còn trưng bày hàng trăm di vật và nhiều ảnh tư liệu có giá trị lịch sử, gắn liền với chiến công và sự hy sinh cao cả của hàng ngàn chiến sĩ. Trong đó có mười trang thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (Thái Bình), sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng, khóa 13 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, viết trong những ngày cuối khốc liệt nhất của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.

Không hề có sự sợ hãi hay bi lụy, mà trào dâng mãnh liệt trong thư là niềm tin vào hòa bình, đất nước thống nhất cùng với nỗi nhớ nhà và thương yêu chưa kịp đền đáp ân tình người thân... Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, cho biết trước lúc hy sinh ngày 2-1-1973, Lê Văn Huỳnh được giao nhiệm vụ tiếp vận vào Thành cổ.

Trong mưa bom bão đạn, anh đã có những dự cảm kỳ lạ khi viết những dòng thư gửi cho Đặng Thị Xơ - người phụ nữ mới làm vợ anh được 6 ngày: “Em sẽ đọc bức thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe những người thân trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự, khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn. Thôi nhé, đấy là có điều kiện, còn không em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt rồi...”.

Không ai ngờ đó là manh mối để đồng đội tìm thấy nơi anh nằm sau gần 30 năm, khi phố phường đã mọc che khuất mảnh đất hoang tàn tại Thành cổ năm xưa.

Tại chương trình nghệ thuật “Hùng thiêng đất mẹ” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức tại quảng trường Giải Phóng, thị xã Quảng Trị dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, anh Lê Quảng An (Quảng Bình) được ban tổ chương trình trao tặng quà cùng các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và các hộ nghèo.

Thì ra anh An là “kết quả” của mối tình “huyền thoại” giữa liệt sĩ Lê Binh Chủng và cựu binh Phan Thị Biển Khơi. Vào dịp cuối năm 2000, trong lúc thi công hệ thống cống thoát nước ở khu vực cổng phía Tây Thành cổ, những người thợ đã phát hiện ra căn hầm bị vùi lấp với 5 bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn. Trong đó, có một bộ nằm riêng, sát vách hầm, kèm bên cạnh là chiếc xắc cốt. Mở ra, mọi người thấy một số lá thư và những tấm ảnh vẫn còn nguyên vẹn được đựng trong túi nilon. Đó là di vật của liệt sĩ Lê Binh Chủng, Trung úy, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3 thuộc Tỉnh đội Quảng Trị.

Đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo và báo chí TPHCM dâng hoa Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: LONG THANH

Đoàn cán bộ Ban Tuyên giáo và báo chí TPHCM dâng hoa Thành cổ Quảng Trị.
Ảnh: LONG THANH

Việc tìm được những lá thư bên cạnh hài cốt liệt sĩ không phải là hiếm. Song ngoài những lá thư anh Chủng viết nhưng chưa kịp gửi cho người vợ mới cưới, còn có một lá thư được gửi đi từ Quảng Bình và người viết là chị Phan Thị Biển Khơi, vợ anh. Năm 1968, trên đường hành quân vào Nam chiến đấu, anh Chủng gặp chị Khơi cùng là bộ đội, công tác ở Phòng hành chính, Bộ Tham mưu B5, đóng quân ở Tây Quảng Trị. Thời gian này, anh chị đã bắt đầu yêu thương nhau.

Hai bên đã báo cáo tổ chức và một đám cưới được tổ chức vội vã trước giờ Lê Binh Chủng vào chiến trường. Lá thư trên chị Khơi thông báo cho chồng biết họ đã có con và đặt tên là Lê Quảng An đúng như lời anh dặn (Quảng An với ý nghĩa là Quảng Bình quê mẹ và Nghệ An quê cha), mong ngày kết thúc chiến dịch để anh về thăm con. Nhưng Lê Binh Chủng đã mãi nằm lại mảnh đất Thành cổ.

Bà Biển Khơi chia sẻ: “Những lá thư anh Lê Binh Chủng không chỉ viết cho mình tôi mà viết cho thế hệ mai sau. Những người biết đến và đọc nó, sẽ hiểu hơn về tình yêu của những người sống dưới bom đạn vẫn hướng về phía trước với một niềm tin đất nước sẽ được độc lập, người dân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Trở lại Thành cổ hôm nay, trên hoang tàn xưa kia Đài Tưởng niệm uy nghi vươn cao. Phía Tây thành, song song con đường từ cửa hữu của thành ra thẳng bờ sông Thạch Hãn là công viên, quảng trường rộng lớn, nối liền quần thể di tích Thành cổ - sông Thạch Hãn, gồm các hạng mục chính như tháp chuông, nhà thả hoa đăng hai bên bờ sông. Thành cổ Quảng Trị đang là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước và ngày càng hấp dẫn thu hút khách tham quan.

Các tin khác