Hành khúc mùa thu năm ấy

Trong những ngày mùa thu khởi nghĩa ở Hà Nội, quần chúng cách mạng đã hát vang nhiều hành khúc yêu nước, trong đó có 3 hành khúc được hát nhiều nhất với tất cả sức mạnh của một dân tộc đi từ đêm tối nô lệ đến bình minh tự do. Đó là “Tiến quân ca” của Văn Cao, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi và “19 tháng 8” của Xuân Oanh.

Trong những ngày mùa thu khởi nghĩa ở Hà Nội, quần chúng cách mạng đã hát vang nhiều hành khúc yêu nước, trong đó có 3 hành khúc được hát nhiều nhất với tất cả sức mạnh của một dân tộc đi từ đêm tối nô lệ đến bình minh tự do. Đó là “Tiến quân ca” của Văn Cao, “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi và “19 tháng 8” của Xuân Oanh.

 

“Tiến quân ca” được Văn Cao viết theo chỉ thị của tổ chức từ mùa Đông 1944 trên căn gác số 171 Mongrand (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền). Khi ấy, Văn Cao đã từ Hải Phòng lên Hà Nội kiếm sống. Nhận thấy ở chàng nghệ sĩ này bên cạnh những ca khúc trữ tình mê hồn, còn có một bầu nhiệt huyết yêu nước cháy bỏng trong những hành khúc viết cho phong trào Hướng Đạo như “Thăng Long hành khúc ca”, “Đống Đa”... tổ chức bí mật của Việt Minh đã cử anh Vũ Quý đến gặp Văn Cao và đưa ông vào con đường hoạt động cách mạng.

Cũng từ Vũ Quý, Văn Cao được giao nhiệm vụ viết một bản hành khúc  cho đội quân cách mạng - Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - vừa được thành lập trên núi rừng Việt Bắc. Sau nhiều suy ngẫm trăn trở, Văn Cao đã hoàn thành tác phẩm. Khi nghe Văn Cao trình bày, anh Vũ Quý rất phấn khởi. Cùng nghe có cả nhà văn Nguyễn Đình Thi lúc đó đã tham gia “Văn hóa cứu quốc”. Nguyễn Đình Thi cũng đầy hưng phấn và bắt tay Văn Cao hứa cùng nhau viết thêm những hành khúc mới cho cách mạng. Văn Cao viết thêm được “Chiến sĩ Việt Nam”. Còn với Nguyễn Đình Thi là “Diệt phát xít”.

Nếu “Tiến quân ca” được Văn Cao mở đầu bằng nét nhạc của “Lưu Thủy”, “Diệt phát xít” được Nguyễn Đình Thi mở đầu bằng nét nhạc mang âm hưởng mở đầu “Quốc tế ca”: “Việt Nam bao năm ròng rên xiết lầm than”. Nếu ở “Tiến quân ca” chỉ có khái niệm “quân ta” và “quân thù” chung chung, ở “Diệt phát xít” có lời ca về quân thù rõ ràng hơn: “Dưới ách quân tham tàn đế quốc sài lang - Loài phát xít cướp thóc lúa cướp đời sống dân  mình... Diệt phát xít giết bầy chó đê hèn của chúng...”.

Ngay từ khi ra đời, “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít” và “Chiến sĩ Việt Nam” đã lan nhanh trong các tổ chức Việt Minh từ Bắc vào Nam. Tại Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào, 3 hành khúc trên đã được đưa ra để chọn làm bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Qua phân tích sâu sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh, “Tiến quân ca” đã được lựa chọn.

Chỉ mấy ngày sau hội nghị quan trọng này, chiều 17-8-1945, tại Quảng trường Nhà hát lớn, trong cuộc mít tinh của Tổng hội công chức, khi lá cờ đỏ sao vàng khổ rộng của lực lượng Việt Minh tại Hà Nội thả từ trên nóc Nhà hát lớn xuống, cũng là lúc giai điệu “Tiến quân ca” vang lên qua tiếng đàn Ác-mô-ni-um của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu. Bản hành khúc như một trái bom nổ lớn vào dinh lũy thực dân. Sáng 19-8-1945, dàn đồng ca thiếu niên Hà Nội đã hát vang “Tiến quân ca” cũng tại Quảng trường Nhà hát lớn trong cuộc mít tinh của ngày khởi nghĩa.

Điều kỳ diệu là sự kích thích mạnh mẽ của ngày khởi nghĩa, lịch sử Tân nhạc Việt Nam lại đón nhận vào mình một sáng tạo độc nhất vô nhị. Đó là sự ra đời bản hành khúc “19 tháng 8” của nhạc sĩ Xuân Oanh. Là chiến sĩ trong lực lượng bí mật của Việt Minh ở Hải Phòng, Xuân Oanh lên Hà Nội hoạt động ở vùng Văn Điển. Sáng 19-8, ông cùng lực lượng quần chúng cách mạng từ Văn Điển tuần hành trên Quốc lộ 1, tiến thẳng về Nhà hát lớn, hòa vào khối quần chúng tham gia khởi nghĩa từ khắp các ngả kéo về.

Trong niềm hưng phấn thăng hoa, Xuân Oanh nghĩ ngay tới việc phải ghi lại ngày lịch sử này bằng một hành khúc hào hùng. Vừa đi, nét nhạc bản hành khúc vừa nhanh chóng hình thành trong đầu ông. Khi khối tuần hành tới Nhà hát lớn cũng là lúc bản hành khúc được hoàn thành. Ngay sau khi được tác giả ghi ra và lan truyền vào quần chúng, buổi chiều hôm đó, hành khúc “19 tháng 8” đã vang lên trên các nẻo đường, phố xá Hà Nội. Một bản tốc ký bằng âm thanh đã bước vào lịch sử và ngay lập tức trở thành cổ điển, bất tử như “Tiến quân ca”, “Diệt phát xít”.

“Diệt phát xít” ngày 7-9-1945 trở thành nhạc hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam trong buổi phát sóng đầu tiên lan ra toàn thế giới và là nhạc hiệu cho đến tận hôm nay. Điều lạ lùng là cả 3 ông Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Xuân Oanh đều tham gia đấu tranh ở Hải Phòng và viết 3 hành khúc này tại Hà Nội.

Chỉ 6 ngày sau Hà Nội khởi nghĩa, ngày 25-8-1945 Sài Gòn cũng khởi nghĩa thắng lợi. Trong ngày lịch sử này của Sài Gòn, 3 hành khúc của Lưu Hữu Phước là “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng” và “Khúc khải hoàn” (viết chung với Nguyễn Mỹ Ca) cũng hùng tráng vang lên khắp các nẻo đường.

“Tiếng gọi thanh niên” được Lưu Hữu Phước viết vào tháng 4-1941. Đầu tiên nó có tên “Bài hát kêu gọi khởi nghĩa”. Sau để dùng cho sinh viên, tác giả đã đổi là “Tiếng gọi sinh viên”. Hành khúc được viết bằng thang âm ngũ cung mang hơi thở dân tộc rõ rệt và được sinh viên Hà Nội hát vang. Khi Lưu Hữu Phước cùng anh em sinh viên miền Nam học ở Hà Nội xếp bút nghiên trở về Nam, ông tham gia phong trào Thanh niên tiền phong do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch khởi xướng.

Và “Tiếng gọi sinh viên” được đổi thành “Tiếng gọi thanh niên”. Để tiếp tục hoạt động phong trào thanh niên, Lưu Hữu Phước viết hành khúc “Lên đàng” như một bài “Tiếng gọi thanh niên” thu nhỏ ở thể một đoạn đơn. “Lên đàng” được hát vào ngày 19-8-1945 (ngày Hà Nội khởi nghĩa) trong cuộc tuyên thệ lần thứ 2 của Thanh niên tiền phong (cuộc tuyên thệ lần đầu vào cuối tháng 7) và ngay sau đó, hứng khởi đã khiến Lưu Hữu Phước cùng Nguyễn Mỹ Ca viết “Khúc khải hoàn”.

Sáng 25-8-1945, một sáng thu đầy nắng, trong cuộc tuần hành vũ trang vĩ đại của Sài Gòn, đội kèn đồng của Trường Mù lảnh lót, chói sáng và hiên ngang lôi cuốn dòng người. Họ hát vang “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng” và “Khúc khải hoàn” miên man, hùng dũng trên mọi nẻo đường với vóc dáng của những người chiến thắng.

“Tiếng gọi thanh niên” lôi cuốn đến nỗi trong khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng “Tiến quân ca” làm Quốc ca, các chính quyền thân Pháp lại sử dụng “Tiếng gọi thanh niên” làm quốc ca cho chính quyền của họ trong 9 năm kháng chiến. Rồi khi 2 miền Nam Bắc chia cắt theo Hiệp định Genève năm 1954, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng lấy “Tiếng gọi thanh niên” làm quốc ca. Còn “Khúc khải hoàn” được Đài Truyền hình Việt Nam sử dụng làm nhạc hiệu trong nhiều năm từ ngày phát sóng chính thức 7-9-1970.

Các tin khác