Đổi mới lần 2, đón vận hội lớn

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới. Đây là vận hội lớn của đất nước sau 30 năm Đổi mới, là thời điểm để chúng ta đổi mới mạnh mẽ hơn trong tư duy; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nỗ lực cải cách hệ thống quản trị quốc gia một cách toàn diện và sâu sắc; chủ động hội nhập quốc tế để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước.

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XII của Đảng sẽ đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới. Đây là vận hội lớn của đất nước sau 30 năm Đổi mới, là thời điểm để chúng ta đổi mới mạnh mẽ hơn trong tư duy; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nỗ lực cải cách hệ thống quản trị quốc gia một cách toàn diện và sâu sắc; chủ động hội nhập quốc tế để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước.  

Cấp thiết Đổi mới lần 2

Việt Nam đã đi qua 30 năm Đổi mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, nước ta đã xây dựng được kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản cho thực hiện CNH-HĐH.

Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng hiện đại, vai trò của công nghiệp được nâng lên, khu vực thương mại, dịch vụ trở nên quan trọng và luôn tăng trưởng khá. Nền kinh tế đã thu hút được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bước đầu tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân được tôn vinh và ngày một phát triển; trở thành lực lượng quan trọng để thực hiện đường lối CNH-HĐH.

Đổi mới lần 2 vừa tiếp tục thu hẹp phạm vi, vừa đổi mới vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước nói chung và từng nhánh của bộ máy nhà nước nói riêng. Có thể nói, Đổi mới lần 2 khó khăn hơn bội phần so với Đổi mới lần 1 cách đây 30 năm. Tuy khó khăn và đầy thách thức, nhưng Đổi mới lần 2 đã trở thành mệnh lệnh, không thể không làm.

TS. Nguyễn Đình Cung

Tuy nhiên, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới, nhiều yếu kém nội tại, nhất là những bất cập về thể chế, quản trị đất nước, đã bộc lộ rõ hơn, làm cho tiến trình phát triển kinh tế nhanh và bền vững gặp khó khăn, làm tăng nguy cơ tụt hậu của nước ta với các nước công nghiệp và ngay cả với nhiều nước trong khu vực.

Chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp. Nhìn chung, nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào việc khai thác tài nguyên, lao động trình độ thấp và sử dụng nhiều vốn, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Chất lượng và tốc độ CNH-HĐH còn thấp so với tiềm năng và chênh lệch khá xa so với các nước trong khu vực...

Theo phân tích của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một trong những nguyên nhân của những tồn tại trên là vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước còn mờ nhạt. Ở các nền kinh tế thị trường khác, Nhà nước và thị trường được coi như 2 bàn tay của con người, vô hình và hữu hình, cùng hoạt động và bổ sung cho nhau, tạo thành sức mạnh.

Còn ở Việt Nam nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, Nhà nước không phải là bàn tay hữu hình của nền kinh tế, không song hành và bổ sung cho thị trường, mà đứng trên thị trường, điều khiển thị trường; nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, một cơ chế do bộ máy nhà nước thiết lập nên, không phải là thị trường như một thể chế khách quan.

Khác biệt cơ bản này là nguyên nhân tạo nên hàng loạt khác biệt khác, đồng thời cũng là nguyên nhân cơ bản tạo nên hàng loạt nút thắt thể chế ngăn cản hoặc làm chậm tiến trình cải cách kinh tế đang dang dở ở Việt Nam. Các nút thắt đó vừa hạn chế sự hình thành và phát triển các loại thị trường, vừa tạo thêm sự méo mó, sai lệch thị trường, nhất là thị trường yếu tố sản xuất. Thị trường về cơ bản chưa làm tốt chức năng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực; năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực suy giảm.

Đổi mới tư duy về kiến tạo phát triển

Trong vài năm gần đây, Đổi mới lần 2 đã được khởi động, minh chứng rõ nhất là Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua với tư tưởng đổi mới thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều đạo luật sau đó thể chế hóa tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp đã được thông qua như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... đã bắt đầu có hiệu lực. Đi liền với đó là việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh với 2 Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Tuy nhiên, để Đổi mới lần 2 thực sự thành công, điều quan trọng là phải đổi mới được tư duy về kiến tạo phát triển. Đây cũng là vấn đề từng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần nhắc tới. Theo Thủ tướng, để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt “chức năng kiến tạo phát triển”.

Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhóm kỹ sư bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Nhóm kỹ sư bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Điều đáng mừng, các nhà lãnh đạo đất nước đang có cùng chung nỗi trăn trở về Đổi mới. Trong bài viết mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh: Chúng ta cần một tư duy mới, sáng tạo về CNH-HĐH dựa trên các luận cứ khoa học phù hợp với một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Để hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chủ tịch nước cho rằng cần đổi mới, hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển và tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; xây dựng và phát triển đồng bộ các loại thị trường, xóa bỏ độc quyền, cơ chế “xin - cho”... để phát huy đầy đủ vai trò của cơ chế thị trường trong huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển cho CNH-HĐH, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp và đánh giá, sàng lọc, đào thải những doanh nghiệp yếu kém.

Vấn đề quan trọng, theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là Nhà nước tạo môi trường pháp lý, môi trường kinh tế thuận lợi, công khai, minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động, cạnh tranh bình đẳng; khắc phục những khiếm khuyết của thị trường; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sáng tạo, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; định hướng phát triển và tạo đột phá ở một số ngành và vùng lãnh thổ.

Một vấn đề lớn cũng được đặt ra khi tiến hành Đổi mới lần 2 là cải cách hệ thống quản trị quốc gia một cách toàn diện và sâu sắc. Cần tiếp tục đổi mới tư duy và cách thức tiến hành đổi mới bộ máy nhà nước để hướng tới một nền quản trị quốc gia hiện đại. Trong đó, đổi mới, hoàn thiện hệ thống thể chế luật pháp, cơ chế, chính sách, quy định theo những chuẩn mực quản trị hiện đại.

Đồng thời hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước các cấp theo hướng thật sự tinh gọn; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Có cơ chế giám sát chặt chẽ, có hiệu quả thật sự và chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn nữa nhằm phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, lợi ích nhóm; luật hóa sự tham gia của người dân trong phản biện chính sách, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước; tách dịch vụ công khỏi hệ thống hành chính nhà nước, loại bỏ tính ỷ lại và cơ chế “xin-cho”...

“Một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, khuyến khích và nuôi dưỡng sáng tạo là nền tảng thành công cho quá trình đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước ta trong điều kiện mới” - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh.

Các tin khác