NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CÔNG NGHỆ BẢN ĐỊA

Chìa khóa hội nhập thành công

Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc tập trung vào các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng thấp như lắp ráp thành phẩm, nhưng tới đây đất nước sẽ cần phải phát triển các liên kết ngược với các nhà cung cấp chi tiết, và quan trọng nhất là cần xây dựng những kết cấu sáng tạo nội địa dựa trên dịch vụ nghiên cứu phát triển, thiết kế và kỹ thuật.

Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc tập trung vào các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng thấp như lắp ráp thành phẩm, nhưng tới đây đất nước sẽ cần phải phát triển các liên kết ngược với các nhà cung cấp chi tiết, và quan trọng nhất là cần xây dựng những kết cấu sáng tạo nội địa dựa trên dịch vụ nghiên cứu phát triển, thiết kế và kỹ thuật.

 

Việt Nam đã thành công trong việc tận dụng thương mại làm động lực cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cũng như duy trì những cải thiện về mức sống. Việt Nam đã gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu trong những ngành chủ chốt như thương mại nông nghiệp, quần áo và dệt may, thiết bị vận tải và công nghệ thông tin liên lạc.

Thách thức chính tiếp tới đây với các nhà hoạch định chính sách là việc tăng cường các hoạt động chuỗi giá trị, đồng thời xúc tiến nâng tầm tới những hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, nơi có những hiệu ứng lan tỏa quan trọng ở cấp độ ngành và toàn nền kinh tế.

Nâng cao năng suất là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, và xây dựng năng lực phát triển công nghệ bản địa chính là chìa khóa cho quá trình này. Cùng với những tiến triển của các hiệp định thương mại tự do thông dụng, đòi hỏi phải cải cách doanh nghiệp nhà nước hơn nữa, vì sự cải cách này ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất và hoạt động của doanh nghiệp, và là động lực chính để gia tăng đầu tư.

Cần phải thiết lập một thị trường hiện đại hơn cho các ngành dịch vụ. Việt Nam cũng cần phải xóa bỏ khoảng cách về cơ sở hạ tầng thông qua việc tận dụng các quỹ tư nhân, nhằm hỗ trợ phát triển các cơ sở hạ tầng chất lượng cao với số lượng phù hợp, tạo thuận lợi cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động logistics, hướng đến mục tiêu cuối cùng là khả năng kết nối với các thị trường quốc tế của đất nước.

Khuyến cáo những biện pháp, chính sách cụ thể có thể được cân nhắc trong ngắn hạn và trung hạn ở Việt Nam, nổi bật lên các vấn đề sau: Tận dụng nỗ lực hội nhập quốc tế, đặc biệt là TPP, để thúc đẩy khả năng cạnh tranh bền vững ở cấp doanh nghiệp tại các thị trường chính và ràng buộc những cải cách thể chế quan trọng trong nước có thể thúc đẩy đầu tư và hoạt động của ngành.

Phát triển vốn nhân lực địa phương thông qua tập trung sâu hơn vào đào tạo công nghệ và giáo dục sau đại học, nhằm cung cấp cơ sở để nâng cấp hoạt động trong chuỗi giá trị từ công việc lắp ráp tới những dịch vụ giá trị gia tăng cao như kỹ thuật, nghiên cứu phát triển và thiết kế. Cải thiện môi trường đầu tư bằng cách hợp lý hóa các quy trình cấp phép, và tự do hóa những hàng rào còn lại với FDI, thí dụ như giới hạn về quyền sở hữu của nước ngoài.

Để tăng khả năng cạnh tranh nền kinh tế, Việt Nam cần thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin liên lạc và dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí gia nhập và đặc biệt là tập trung vào việc tạo thuận lợi tiếp cận tài chính với những đối tượng mới tham gia.

Cần điều chỉnh sân chơi giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, thông qua quá trình cổ phẩn hóa bổ sung và chú trọng hơn vào các chính sách về cạnh tranh. Làm được điều này, các cơ chế thị trường có thể dịch chuyển nguồn lực tới các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trong những chuỗi giá trị chủ chốt như quần áo và dệt may, công nghệ thông tin liên lạc.

Cơ hội không dành cho tất cả

Hội nhập quốc tế là một lực đẩy chính trong tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo ở Việt Nam. Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu trong 2 thập niên qua. Hội nhập vẫn luôn là một ưu tiên chính sách chính của Chính phủ Việt Nam ở tất cả các cấp chính quyền. Hiện nay Hiệp định thương mại Việt Nam - EU đã cơ bản hoàn thành và đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi vào giai đoạn cuối, Việt Nam đã đặt mình vào một vị trí tốt để dẫn đầu quá trình hội nhập toàn cầu và trở thành một nền kinh tế toàn cầu hóa thực sự.

Quá trình chuyển đổi này được thể hiện qua nhiều con số ấn tượng. Thí dụ, thương mại hàng hóa của Việt Nam đã tăng 4 lần, từ 69,2 tỷ USD năm 2005 lên 298,2 tỷ USD năm 2014. Việt Nam là nước có độ mở lớn thứ năm trên thế giới trong năm 2014 với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa bằng 160% GDP. Việc Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 đem đến một lực đẩy quan trọng cho đầu tư và thương mại ở Việt Nam và dẫn đến tăng tốc tăng trưởng kinh tế. Theo một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu, lợi ích có ngay của việc tham gia WTO nhờ dỡ bỏ rào cản thuế quan là 1,76 tỷ USD hay 2,4% GDP năm 2007. Quan trọng hơn, lợi ích trong các năm tiếp theo ước lượng 2%/năm.

Đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có thành tựu tương tự tiếp theo những thành công về hội nhập của Việt Nam. Theo số liệu Ngân hàng Thế giới, FDI vào Việt Nam tăng từ dưới 2 tỷ USD năm 2005 lên mức 8,9 tỷ USD năm 2013. Các công ty FDI đem lại công nghệ sản xuất mới và giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam từ nông nghiệp sang chế tạo và dịch vụ. Quá trình này đã giúp nâng cao thu nhập của hàng trăm ngàn công nhân.

Với nhiều chính sách hội nhập mạnh mẽ đang được thực hiện, nhiều cơ hội to lớn đang mở ra với Việt Nam. Hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sẽ tiếp cận các thị trường lớn hơn nhiều và điều đó giúp đẩy mạnh kinh tế Việt Nam và nâng cao phúc lợi của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi cùng thách thức trong quá trình toàn cầu hóa. Các nhà sản xuất Việt Nam sẽ đối mặt với cạnh tranh mạnh hơn từ hàng nhập khẩu và một số có thể phải đóng cửa kinh doanh. Thay đổi cơ cấu sẽ diễn ra nhanh hơn và một số người lao động sẽ mất việc nếu họ không thể điều chỉnh kịp thời bằng cách nâng cao kỹ năng lao động của mình.

Điều không thể tránh khỏi là sẽ có người được và người mất trong quá trình cải cách. Để đối phó điều này, các chính phủ phải xem xét môi trường kinh doanh tổng thể và tạo dựng sự linh hoạt trong nền kinh tế sao cho các tác động tiêu cực đó chỉ là ngắn hạn và người lao động có thể tìm kiếm cơ hội mới. Một cách có thể làm là thực hiện các biện pháp cải cách để làm cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh hơn để giành thị phần ở nước ngoài và thu hút đầu tư để nâng cấp nền kinh tế nhằm đạt được tiềm năng tăng trưởng.

Hugh Borrowman,
Đại sứ Australia tại Việt Nam

Các tin khác