Thế giới trong cơn hoảng loạn

TTCK Trung Quốc rơi vào thị trường gấu kể từ cuối tháng 6 kéo dài đến nay, đặc biệt những phiên giảm giá sâu trong những ngày đầu tuần này càng làm thổi bùng nỗi sợ hãi đã âm ỉ bấy lâu nay trên các thị trường toàn cầu.

TTCK Trung Quốc rơi vào thị trường gấu kể từ cuối tháng 6 kéo dài đến nay, đặc biệt những phiên giảm giá sâu trong những ngày đầu tuần này càng làm thổi bùng nỗi sợ hãi đã âm ỉ bấy lâu nay trên các thị trường toàn cầu.

Ngày thứ 2 đen tối

 

Thứ 2 (24-8) được xem là “Ngày thứ 2 đen tối”, sau khi chỉ số Shanghai Composite Index của Sàn chứng khoán Thượng Hải mất 8,5% so với phiên trước. Đóng cửa phiên hôm đó, chỉ số này mất gần 40% so với tháng 6, sau khi tăng hơn 140% trong năm ngoái.

Người giàu nhất Trung Quốc, tỷ phú Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin) mất tới 3,6 tỷ USD tài sản chỉ trong 1 phiên giao dịch ngày thứ 2 vừa rồi. Trong phiên tiếp theo (25-8), thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm sâu. Chỉ số Shanghai Composite giảm 7,6%, thấp hơn 42% so với mức đỉnh hồi tháng 6; chỉ số Shenzhen Composite mất 7,2%.

Cuối tuần trước, Bắc Kinh lần đầu tiên tuyên bố sẽ cho phép các quỹ hưu trí mua cổ phiếu, nhưng động thái này đã thất bại trong việc hồi phục niềm tin của thị trường, do thị trường giảm 4,2%, đã khiến giới đầu tư hoang mang, đẩy các quỹ hưu trí vào thế phải “phòng thủ” hơn là đầu tư chứng khoán. Dù các quỹ hưu trí đang nắm giữ tài sản ròng khoảng 550 tỷ USD, nhưng không muốn mạo hiểm trong một thị trường giá xuống như hiện nay.

Trên thế giới, sau phiên hồi phục hôm 25-8, thị trường nhuốm đỏ trở lại vào hôm 26-8. Chỉ số Euro Stoxx 50 của châu Âu giảm 1,53% xuống 3.159,7 điểm; chỉ số FTSE 100 INDEX (Anh) giảm 1,53% xuống 5.988,39 điểm; chỉ số DAX (Đức) giảm gần 150 điểm, xuống 9.980,78 điểm; chỉ số CAC 40 (Pháp) giảm 1,71%, còn 4.486,69 điểm… Giới chuyên môn cho rằng 3 nhân tố gây lo ngại cho thị trường toàn cầu: Kinh tế Trung Quốc chậm lại nghiêm trọng hơn dự báo; không biết khi nào FED sẽ nâng lãi suất USD; giá dầu quá thấp sẽ tác động mạnh đến các nước xuất khẩu dầu thô.

Sự hoảng loạn đã lan nhanh từ Trung Quốc ra khắp thế giới, khiến các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu cũng có một ngày thứ 2 đen tối. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản mất 4,6% xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, là phiên giảm sâu nhất hơn 2 năm; trong khi chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm 5,1%, xuống mức thấp nhất 3 năm.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 (Anh) giảm hơn 4,5%, chỉ số DAX (Đức) mất gần 5%, chỉ số CAC 40 (Pháp) mất 5,6% và chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 5,3%. Phiên giao dịch hôm 24-8 đã bốc hơi hàng chục tỷ USD khỏi giá trị vốn hóa của các công ty châu Âu. Thảm hại nhất là thị trường Hoa Kỳ, chỉ số Dow Jones Industrial Average mất tới 1.089 điểm khi mở cửa phiên 24-8, là mức giảm trong ngày lớn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, sau đó thị trường đã hồi phục đôi chút và kết thúc phiên giảm 3,56% so với phiên trước, xuống 15.871 điểm. Chỉ số S&P 500 kết thúc phiên giảm 3,9% và Nasdaq mất 3,82%, cả 2 chỉ số đều đóng cửa ở mức thấp nhất 10 tháng qua.

Hàng hóa mất giá

Khủng hoảng ở TTCK Trung Quốc đã khiến giá hàng hóa thế giới lao dốc mạnh trong thời gian qua, do e ngại kinh tế Trung Quốc chậm lại sẽ giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Chỉ số hàng hóa Bloomberg Commodity Index về 22 loại hàng hóa từ dầu mỏ đến kim loại đã giảm 2,2% để đóng cửa ngày thứ 2 đen tối ở mức 85,8531 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 8-1999.

Cổ phiếu của các công ty hàng hóa, khai khoáng như Glencore Plc, BHP Billiton Ltd. và Exxon Mobil Corp. cũng bị giảm sâu sau khi giá dầu giảm xuống mức dưới 40USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2009.

“Niềm tin trên thị trường hàng hóa cực kỳ xấu. Thị trường lo ngại nguy cơ dư cung” - theo Mark Keenan, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại châu Á của Societe Generale SA ở Singapore.

Từ khi qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nơi tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, Trung Quốc đóng góp rất lớn vào việc gia tăng sản lượng dầu toàn cầu. Năm 2013, nước này chiếm 43% trong gia tăng tiêu thụ dầu toàn cầu; năm 2014 nhập ròng 6,1 triệu thùng dầu/ngày, cao hơn 1 triệu thùng so với Hoa Kỳ.

Cho tới tháng 5, Cơ quan Năng lượng Hoa Kỳ vẫn dự báo Trung Quốc chiếm 25% gia tăng nhu cầu toàn cầu trong năm nay. “Không thể đổ hết lỗi cho Trung Quốc. Nhu cầu yếu đi ở Trung Quốc chỉ là giọt nước tràn ly khiến thổi phồng quan ngại dư cung vốn đã được tạo ra từ trước, do Hoa Kỳ sản xuất dầu đá phiến và hoạt động khai thác ở Saudi Arabia và Iraq gia tăng” - theo Robert McNally, Chủ tịch Công ty Tư vấn Rapidan Group.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24-8, giá dầu thô giao tháng 10 tại New York giảm gần 6%, xuống mức 38,24USD/thùng, thấp nhất 6 năm rưỡi - ngang mức những ngày đen tối nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 2,1% để đóng cửa phiên ở mức 4.951USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 7-2009. Tiêu thụ kim loại được xem là một trong những phong vũ biểu phản ảnh hoạt động kinh tế toàn cầu.

Hãng tin Reuters ngày 25-8 cho biết các nhà đầu tư đã chuyển hướng, không trú ẩn vào vàng nữa do kim loại quý này cũng bắt đầu đi xuống sau 12 năm tăng liên tiếp. Thay vào đó, họ trú ẩn vào đồng USD và trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ, với kỳ vọng FED sẽ sớm nâng lãi suất.

Chưa thấy ánh sáng

Sau khi thị trường đóng cửa hôm 25-8, Bắc Kinh vội vàng tung ra những biện pháp kích thích mới hòng ngăn chặn đà lao dốc của thị trường. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất và hạ lượng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, một nỗ lực giúp các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn. PBOC cho biết sẽ hạ lãi suất cho vay thêm 25 điểm cơ bản, xuống 4,6%; đồng thời hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản cho tất cả ngân hàng. PBOC cũng bơm thêm 150 tỷ NDT (23,4 tỷ USD) vào hệ thống tài chính hôm 25-8.

Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực mới nhất dường như cũng không có tác dụng. Đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (26-8), chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đỏ sàn, kéo dài chuỗi rớt giá trong 5 ngày đen tối. Chỉ số Shanghai Composite Index giảm 1,3% xuống 2.927,29 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index (chuyên theo dõi giá các công ty Trung Quốc niêm yết ở Hồng Công) giảm 0,9%, giảm 9 ngày liên tiếp. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Công giảm 1,5% xuống mức thấp nhất 2 năm.

Các quan chức Trung Quốc đang tranh cãi việc liệu có nên tiếp tục cứu thị trường hay không. Theo họ, TTCK giảm sẽ có tác động giới hạn đến nền kinh tế chung, nhưng việc hỗ trợ thị trường lại tốn kém quá lớn. Theo Tom DeMark, người đã dự báo chính xác làn sóng bán tháo trên thị trường Trung Quốc vừa qua, nói chỉ số Shanghai Composite Index có thể tiếp tục giảm thêm 13% nữa. 

Các tin khác