TTCK: Tâm lý đã được củng cố

Ngày 24-8, VN Index giảm hơn 29 điểm, từ 556 điểm xuống còn 527 điểm, tương đương 5,3%; HNX Index giảm còn kinh hoàng hơn khi từ 77,6 điểm lao thẳng xuống 73,1 điểm, mất 4,5 điểm, tương ứng 5,8%. Tính từ đầu tháng 8 cho đến hết ngày 26-8, thị trường chứng khoán (TTCK) đã trải qua 17 phiên giao dịch, số phiên giảm đã lên đến 11 phiên, gần gấp đôi so với số phiên tăng chỉ là 6 phiên.

Ngày 24-8, VN Index giảm hơn 29 điểm, từ 556 điểm xuống còn 527 điểm, tương đương 5,3%; HNX Index giảm còn kinh hoàng hơn khi từ 77,6 điểm lao thẳng xuống 73,1 điểm, mất 4,5 điểm, tương ứng 5,8%. Tính từ đầu tháng 8 cho đến hết ngày 26-8, thị trường chứng khoán (TTCK) đã trải qua 17 phiên giao dịch, số phiên giảm đã lên đến 11 phiên, gần gấp đôi so với số phiên tăng chỉ là 6 phiên.

Hoang mang tâm lý

Giữa tháng 7, khi VN Index tiến sát 640 điểm, thị trường đã manh nha xu hướng điều chỉnh, nhưng diễn biến lại khiến nhà đầu tư (NĐT) cho rằng những phiên giảm là tất yếu và có thể kiểm soát, dự báo được. Điều này càng được củng cố khi VN Index trụ được trên mốc 600 điểm gần cả tháng.

Mốc hỗ trợ quan trọng này chỉ mới bị thủng vào ngày 13-8. Hy vọng lại được đặt cược tiếp tại mốc 580 điểm của VN Index, nhưng cũng nhanh chóng đổ vỡ chỉ sau 1 phiên giao dịch và chỉ cần 4 phiên, từ 19 đến 24-8, đã mất hơn 50 điểm.

Thời gian gần đây, TTCK trong nước có diễn biến khá tương đồng với TTCK quốc tế. Dù vì lý do gì, có hợp lý hay không, đây cũng là một rủi ro đáng quan tâm khi các TTCK của Hoa Kỳ, Trung Quốc hay các thị trường cận biên đều tiềm ẩn những rủi ro. Động thái của các quỹ ETF có xu hướng lướt sóng ngắn hạn cũng có thể gây áp lực cho TTCK, do tâm lý của NĐT bị ảnh hưởng từ khối này tương đối lớn.

Chuyên gia Hoàng Thạch Lân

Ngày 24-8, chứng kiến VN Index có lúc giảm gần 34 điểm, một số NĐT tỏ ra bi quan và cho rằng chỉ số này hoàn toàn có thể giảm xuống 500 điểm trong ngày 25-8. Trong số các lý do được đưa ra, đáng chú ý là với những cổ phiếu (CP) tốt và có tính phòng thủ hàng đầu thị trường như VNM và DHG còn giảm sàn (trong tổng số hơn 200 mã CK có diễn biến tương tự), không biết điều gì sẽ xảy ra.

Tuy nhiên đến ngày 25 và 26-8, TTCK đã phục hồi mạnh mẽ trở lại và riêng trong phiên 26-8, VN Index tăng gần 16 điểm, tương đương 3%, để kết thúc phiên giao dịch đạt gần 546 điểm; HNX Index cũng tăng 2,44 điểm, tương đương 3,3% lên xấp xỉ 76,5 điểm. NĐT đã có thể tạm thời bình tâm trở lại và suy xét kỹ hơn về việc tại sao TTCK Việt Nam lại có những phiên giảm mạnh, bất ngờ, chỉ trong thời gian ngắn như vậy.

Về mặt thông tin, mới điểm qua có thể thấy dường như thị trường đã phải đón nhận các tin xấu xuất hiện cùng lúc, như Trung Quốc phá giá đồng NDT trong 3 ngày liên tục 11, 12 và 13-8, dẫn đến lo ngại các nước khác cũng có động thái tương tự có thể tạo ra chiến tranh tiền tệ.

Ngày 19-8, tỷ giá VNĐ/USD được NHNN tăng thêm 1% và nới biên độ ±3%. Giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh xuống vùng 40USD/thùng. TTCK thế giới giảm mạnh, đặc biệt trong ngày 24-8, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 8,5%, trong khi TTCK Hoa Kỳ đã có lúc chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm trong phiên và kết thúc phiên giảm 588 điểm, tương đương 3,57%.

Bên cạnh đó, trong nước rộ lên tin đồn lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) cả trên sàn lẫn dưới sàn bị bắt. Không dễ để xác định thông tin nào là tác nhân chủ chốt khiến TTCK Việt Nam giảm mạnh, nhưng có 2 điểm chung cần chú ý.

Đó là TTCK đã có hơn 2 tháng tăng điểm mạnh và các tin xấu xuất hiện ngay trong khi manh nha xu hướng điều chỉnh, khiến quá trình này xảy ra nhanh và gấp gáp hơn. Khi TTCK giảm, tâm lý NĐT bị ảnh hưởng và những thông tin tiêu cực hay tin đồn đều có thể tạo ra sự hoang mang, dẫn đến những suy nghĩ, hành động tiêu cực trong một khoảng thời gian nào đó.

Margin blue chip đốt cháy tài khoản

Cũng như mọi lần điều chỉnh của TTCK trong nhiều năm trở lại đây, dòng tiền margin là nguyên nhân không thể thiếu để tạo ra những đau thương cho NĐT. Khi VN Index giảm từ 640 điểm xuống 600 điểm và trụ khá vững trên mốc này từ nửa cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, tác nhân giảm chủ yếu đến từ các CP lớn như ngân hàng, dầu khí, bảo hiểm.

Đây cũng chính là các trụ đẩy giúp thị trường tăng đến 120 điểm trước đó. Dù điều chỉnh, nhưng phần lớn CP đều giảm khá chậm rãi, đủ để NĐT có thể thoát hàng, thay vì chịu áp lực giải chấp (bán CP để trả nợ vay margin). Hơn nữa, một số CP vẫn tăng trong giai đoạn này tạo ra cơ hội và sự tích cực trong tâm lý NĐT. Đơn cử trường hợp của VNM, trong nửa đầu tháng 8, CP này tăng khoảng 12%, trong đó có phiên tăng trần. VNM được thị trường kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ thông tin nới room, đồng thời kết quả kinh doanh thời gian gần đây cũng rất tích cực.

Trong năm nay, TTCK Việt Nam sẽ khác so với các thị trường mới nổi và so với các thị trường lân cận, nổi bật xu thế đi lên. Theo dự báo của tôi, VN Index sẽ có mức đỉnh và đáy tương tự như nửa đầu năm 2015.

Chuyên gia Yun Hang Jin,
CTCK KIS Hàn Quốc

Thông thường, ai cũng nghĩ rằng với những CP blue chip như VNM, tăng chậm sẽ ít ai sử dụng margin để mua bởi nắm giữ lâu, khiến chi phí lãi vay lớn. Nhưng thực tế các blue chip càng lúc càng thu hút NĐT cá nhân, đặc biệt khi có sóng mạnh. Vậy nên, nếu VNM có lúc tăng trần cũng có khả năng có người sẽ đua trần, sử dụng margin để tận dụng cơ hội.

Với một số công ty chứng khoán (CTCK), CP tốt như VNM là quá an toàn để cho vay margin. Tổng giám đốc một CTCK nói rằng cho vay margin, lỡ như có giải chấp không kịp, tự doanh có thể sẵn sàng ôm luôn CP.

Quy mô thị trường càng lớn, tính đại chúng của CP càng cao. Nghĩa là NĐT vào nhiều hơn, dòng tiền cũng trở nên đa dạng hơn và trong một khoảnh khắc nào đó, khi sự lo ngại bao trùm, việc CP giảm sàn hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng điều đáng bàn hơn ở đây là nguyên nhân cũng như việc giảm sàn của các blue chip. Giảm sàn không đồng nghĩa với CP xấu, mà đơn thuần do mối quan hệ giữa cung-cầu và margin.

Ngày 11-8, đã có lúc REE tăng lên hơn 2.9, nhưng đến 24-8, CP này giảm sàn trong phiên từ 2.7 xuống còn hơn 2.5. Nếu NĐT mua vào REE với giá tầm 2.9, đến khi giá về 2.5 sẽ lỗ hơn 13%. Nhưng nếu sử dụng margin với tỷ lệ 1:1 (1 đồng vốn vay thêm 1 đồng) mức lỗ tăng lên gấp đôi, thành 26%. Và thông thường với tỷ lệ này, NĐT bắt đầu chịu sức ép cắt lỗ.

Ngoài ra, tùy vào chính sách quản trị rủi ro, mỗi CTCK cũng bắt đầu nhắc nhở NĐT đóng thêm tiền, hoặc bán bớt CP để cân đối giữa vốn tự có/vốn vay. Và nếu NĐT không kịp thực hiện theo yêu cầu của CTCK, tất nhiên sẽ phải chịu để tài khoản bị giải chấp (CTCK sẽ bán ra thu hồi vốn vay), đương nhiên số vốn còn lại của NĐT chỉ còn rất ít. Một số NĐT và môi giới dày dạn kinh nghiệm chia sẻ, phiên 24-8 đã có hiện tượng tài khoản bị cháy, tức bị thua lỗ nặng, phải bán ra hoặc bị CTCK giải chấp.

Xu hướng đi lên trong dài hạn

Trong diễn biến margin blue chip đốt cháy tài khoản, rủi ro ở đây là nhiều NĐT thay vì bán cắt lỗ từ khi VN Index giảm xuống 600 điểm, rồi 580 điểm, lại cố gồng và giữ blue chip, cố chịu một phần thua lỗ, để rồi chỉ cần bồi thêm một phiên sàn, dù muốn hay không cũng phải bán ra bằng mọi giá. Nguyên nhân cơ bản nhất và có tính thị trường nhất của phiên 24-8, có lẽ đến từ margin.

Tất nhiên, trong một phiên hoảng loạn như vậy, bên mua cứ thong thả vào hàng, trong khi nếu các tay to có sẵn hàng, nếu muốn đè CP rẻ để mua vào lại càng dễ hơn, theo đó cứ giá sàn, rồi lệnh ATC mà “phang”. Phiên 25-8, sau khi tiến sát ngưỡng 510 điểm, cũng là đáy của thị trường trong nhiều đợt điều chỉnh gần đây, VN Index đã phục hồi. Nhưng đau nhất có lẽ là những tài khoản bị cháy tại thời điểm này, vừa lỗ nặng, vừa mất đi cơ hội để kiếm lợi nhuận bù đắp cho khoản thua lỗ.

2 phiên phục hồi vào ngày 25 và 26-8 đã có tác dụng rất lớn để củng cố tâm lý của NĐT trên toàn thị trường. Và trong một chừng mực nào đó, có thể khẳng định sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam, khi CP về mức giá rẻ và VN Index lùi về vùng 500-520 điểm.

Cần nhấn mạnh một chi tiết, dù đáy của VN Index lần này cũng tương đương các lần trước, nhưng giá của nhiều CP đã cao hơn khoảng 20%, cho thấy mặt bằng giá CP dù được nâng lên nhưng kỳ vọng của NĐT vẫn được duy trì, chứng tỏ TTCK Việt Nam trong dài hạn vẫn được NĐT đánh giá cao.

Theo chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân, dù rằng TTCK vẫn đang có mức giá hấp dẫn, tuy nhiên các NĐT nên thận trọng luôn duy trì một lượng tiền mặt hợp lý trong tài khoản, thay vì bắt đáy theo kiểu tất tay, bởi cơ hội nhiều nhưng cũng có những rủi ro đan xen. Một phiên giảm sàn trong ngày 24-8 về lý mà nói không thể khiến các tài khoản sử dụng margin với tỷ lệ 5:5 bị giải chấp, nhưng nếu tỷ lệ này là 3:7 (3 đồng vay 7 đồng) một phiên sàn đã là quá đủ.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia dự báo tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2015 sẽ đạt trên dưới 6,5%. Bức tranh lợi nhuận của các DN niêm yết khá sáng sủa trong nửa đầu năm 2015 sẽ tiếp tục được duy trì trong nửa cuối năm nhờ nguyên vật liệu giảm giá, lãi suất cho vay giảm. Đặc biệt, các nhóm ngành trụ cột sẽ có mức tăng trưởng doanh thu khả quan.

Tuy nhiên, thách thức với nền kinh tế Việt Nam là xuất khẩu sẽ chịu những thách thức từ bên ngoài có thể khiến tăng trưởng xuất khẩu bị giảm tốc, thâm hụt thương mại kéo dài và cán cân thanh toán suy yếu. Áp lực tỷ giá cũng có thể gây ảnh hưởng lên dòng tiền của NĐT nước ngoài.

Các tin khác