Con cá ngừ với các FTA

Cá ngừ được xem là mặt hàng nhạy cảm trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Sau nhiều nỗ lực với các FTA đã ký hoặc mới kết thúc đàm phán, cá ngừ của Việt Nam đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Nhưng làm thế nào để các DN có thể tận dụng được cơ hội này lại là câu chuyện khác.

Cá ngừ được xem là mặt hàng nhạy cảm trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Sau nhiều nỗ lực với các FTA đã ký hoặc mới kết thúc đàm phán, cá ngừ của Việt Nam đã nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Nhưng làm thế nào để các DN có thể tận dụng được cơ hội này lại là câu chuyện khác.

Nhiều thách thức

Dưới góc độ là một DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá ngừ trước khi có các FTA, chúng tôi rất mong muốn đoàn đàm phán Việt Nam sẽ thành công khi đàm phán các FTA. Nhưng khi nhận được thông tin Việt Nam kết thúc đàm phán FTA với các thị trường chính, sự trăn trở và nỗi lo cũng không kém. Các cơ quan chức năng đang bày ra một bữa đại tiệc với nhiều món ăn mới, trong khi DN lại chưa biết ăn các món ăn này như thế nào.

Cộng đồng DN chế biến và xuất khẩu cá ngừ đang đứng trước nhiều câu hỏi làm sao tận dụng hết các cơ hội các FTA mang lại, cũng như vượt qua các thách thức nội tại? Trước hết nhìn vào cơ hội. Theo đó, khi có các FTA được ký kết, DN sẽ dễ dàng và có lợi thế cạnh tranh để thâm nhập, mở rộng thị trường; có cơ hội đầu tư, liên doanh, liên kết giữa các bên; có cơ hội tiếp cận nhiều công nghệ và sản phẩm mới. Đồng thời các DN có thể xây dựng chiến lược phát triển bềng vững, lâu dài, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia.

Tất nhiên để tận dụng được những cơ hội này phụ thuộc vào năng lực nội tại của mỗi DN, các chính sách vĩ mô của Nhà nước nhằm hỗ trợ DN. Trước mắt cộng đồng DN chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đẩy mạnh việc tuyên truyền, tập huấn giúp chúng tôi nắm rõ các cam kết trong FTA đã và sắp được ký kết.

DN hiện nay khó tham khảo hết nội dung các FTA Việt Nam đã ký kết, hoặc nếu có cũng khó hiểu hết được, nghĩa là sẽ không thể tận dụng được các cơ hội. Đặc biệt, trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cá ngừ, thách thức dường như nhiều hơn cơ hội.

Bởi lẽ, xuất phát điểm của ngành khai thác cá ngừ Việt Nam ở trình độ thấp và lạc hậu. Thậm chí sau hơn 20 năm ngành khai thác cá ngừ nước ta vẫn không có gì thay đổi, hoặc có đột phá gì. Trong khi đây là khâu đầu tiên trong chuỗi chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm cá ngừ.

Phải nỗ lực chuyển mình

Ngành khai thác cá ngừ yếu và thiếu cả về nhân lực và tàu thuyền. Thuyền trưởng khan hiếm, thủy thủ cũng không có. Thế nên mới có chuyện chủ tàu không tìm được thủy thủ phải thuê người sống ở khu vực miền núi để đi biển. Trình độ tiếp thu và vận hành công nghệ mới nói chung còn rất hạn chế. Nhà nước đã có Nghị định 67 để hỗ trợ ngư dân, nhưng sự rắc rối, phức tạp của các văn bản pháp luật và trình độ hiểu biết pháp luật của DN, ngư dân trong lĩnh vực này yếu nên các chính sách chưa mang lại hiệu quả.

Lâu nay tàu thuyền Việt Nam vẫn khai thác và bảo quản nguyên liệu theo lối truyền thống. Sản lượng khai thác thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khiến chất lượng nguyên liệu kém. Đặc biệt năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá thấp hơn 60-80% so với Thái Lan.

Thực trạng trên khiến chi phí sản xuất của Việt Nam luôn ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, làm mất đi lợi thế cạnh tranh do các FTA mang lại. Ngoài ra, theo kinh nghiệm ở một số nước được hưởng chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hoặc đã được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào EU, nguyên liệu có xuất xứ thuần túy luôn được các DN cạnh tranh và đẩy giá mua lên cao hơn nhiều so với nguyên liệu không có xuất xứ thuần túy.

Do vậy hưởng lợi chính là người khai thác đánh bắt, DN chế biến không có chi phí sản xuất tốt, năng suất lao động tốt sẽ không được hưởng lợi gì từ các FTA, thậm chí sẽ lâm vào cảnh khó khăn hơn.

Lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cá ngừ gặp nhiều thách thức khi tham gia các hiệp định.

Lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cá ngừ gặp nhiều thách thức khi tham gia các hiệp định.

Ngay trong hoạt động xuất khẩu, các DN sẽ gặp nhiều rào cản thương mại hơn nữa khi tham gia các FTA. Đó là các quy định về xuất xứ hàng hóa, chứng thư xác nhận nguồn gốc khai thác hợp pháp, những rào cản khác của thị trường lớn đặt ra, như vấn đề khai thác bền vững; quy định về kích thước tàu cá; quy định giới hạn gia tăng số lượng tàu khai thác cá ngừ của các tổ chức quốc tế; quy định của EU về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tàu cá (tàu cá phải có EU code); quy định về vùng biển khai thác của các nước đang có FTA và GSP…

Theo tôi, ngoài sự nỗ lực của DN chế biến, xuất khẩu cá ngừ, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng là rất cần thiết. Theo đó, cần có chính sách hỗ trợ tài chính đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, phát triển nhân lực ngành khai thác, đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực với các nước có ngành khai thác mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines. Kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu có hạn chế số lượng tàu cũ của các quốc gia phát triển đã có tuổi thọ 10-15 năm nhưng vẫn còn tốt, công nghệ mới so với Việt Nam, có chi phí đầu tư phù hợp với ngư dân và DN Việt Nam.

VASEP cần tăng cường hỗ trợ, giúp DN nắm rõ các quy định quốc tế trong lĩnh vực khai thác, xuất khẩu cá ngừ. Tất cả cần bước chuyển kịp thời để cộng đồng DN xuất khẩu cá ngừ bước sang trang mới, phát triển mạnh, bền vững và hiệu quả.

Các tin khác