Chủ động, linh hoạt ứng phó

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý rằng những diễn biến còn hết sức khó lường của kinh tế khu vực và thế giới đều tác động đến Việt Nam, nếu không nắm chắc, ứng phó không tốt, không kịp thời, chủ động, chúng ta không những không khắc phục được khó khăn, thách thức, còn không tận dụng được những cơ hội mới. Do vậy, các bộ, ngành chức năng không được chủ quan, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, phân tích, dự báo, đưa ra các giải pháp, đối sách kịp thời, phù hợp.
 

“Chưa có dấu hiệu gì lớn làm đảo lộn kinh tế vĩ mô hay buộc chúng ta phải điều chỉnh mục tiêu” - đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp của Thường trực Chính phủ về kinh tế vĩ mô đầu tuần này.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý rằng những diễn biến còn hết sức khó lường của kinh tế khu vực và thế giới đều tác động đến Việt Nam, nếu không nắm chắc, ứng phó không tốt, không kịp thời, chủ động, chúng ta không những không khắc phục được khó khăn, thách thức, còn không tận dụng được những cơ hội mới. Do vậy, các bộ, ngành chức năng không được chủ quan, tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình, phân tích, dự báo, đưa ra các giải pháp, đối sách kịp thời, phù hợp.

Những diễn biến gần đây của kinh tế thế giới như Trung Quốc phá giá mạnh đồng nhân dân tệ, giá dầu sụt giảm hay chứng khoán toàn cầu lao dốc gây ra nỗi lo lắng không chỉ ở Việt Nam. Đã có nhiều dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu nếu bong bóng tài sản của Trung Quốc - nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới - bị vỡ.

Chính vì thế, đo lường sớm được tác động đối với kinh tế Việt Nam để có các giải pháp ứng phó là điều cần làm. Trong chưa đầy nửa tháng qua, Thường trực Chính phủ đã liên tiếp có 2 phiên họp về vấn đề này. Tất nhiên, tính đến nay những nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam vẫn chưa bị tác động nhiều.

Các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, thu ngân sách, kiểm soát bội chi, hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh vẫn bảo đảm mục tiêu đã đề ra. Giải pháp về điều hành tỷ giá vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đánh giá là bước đi linh hoạt, chủ động để ứng phó trong dài hạn.

Nhưng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, phải “luôn luôn tính toán các phương án khác nhau, kể cả phương án xấu nhất. Chỉ có như vậy chúng ta mới chủ động được”. Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới đang giảm giá khá mạnh, xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng, Bộ Tài chính vẫn khẳng định thu ngân sách sẽ đảm bảo theo kế hoạch, thậm chí còn quyết tâm thực hiện vượt thu 8%.

Chưa rõ kịch bản ứng phó ở đây là gì, nhưng nhìn thực tế điều hành thời gian qua, có thể thấy mục tiêu trên có vẻ quá lạc quan. Đã từng có tính toán rằng nếu giá dầu thô thế giới giảm 1USD, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, kể từ mức đỉnh hồi cuối tháng 6, giá dầu thô thế giới đến nay đã giảm gần 40%, trong đó riêng trong tháng 8 giảm khoảng 18%.

Để giảm thiểu tác động từ việc giá dầu thô giảm, nhiều chuyên gia từng đề nghị chính sách điều hành giá trong nước cần linh hoạt hơn. Nếu phát huy được mặt tích cực từ việc giảm giá năng lượng làm giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kinh tế trong nước sẽ phát triển mạnh hơn, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên bù đắp được phần hụt thu do giá dầu thô giảm. Tuy nhiên, từ khi giá dầu thô giảm đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã giảm 2 lần nhưng mức giảm không đáng kể, trong khi giá cước vận tải vẫn đứng nguyên tại chỗ.

Một vấn đề khác cũng cần được nhắc tới là sự căng thẳng của tỷ giá trên thị trường ngoại hối. NHNN đã có bước đi mạnh mẽ vào ngày 19-8 với việc tăng tỷ giá thêm 1%, đồng thời nới biên độ giao dịch lên ±3%, nhưng kỳ vọng về điều chỉnh tỷ giá vẫn còn.

Ngày 25-8, đích thân Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã họp với các NHTM, khẳng định rằng sẽ giữ yên tỷ giá từ nay đến hết năm 2015 để bình ổn thị trường, đồng thời cam kết bán USD can thiệp thị trường. Người đứng đầu NHNN cũng yêu cầu các đơn vị chấm dứt tình trạng găm giữ USD cũng như đáp ứng nhu cầu mua USD của doanh nghiệp.

Thế nhưng, đến ngày 26-8, các NHTM vẫn tiếp tục niêm yết tỷ giá ở mức kịch trần (22.547 đồng/USD) trong khi trên thị trường tự do USD đã áp sát mức 23.000 đồng/USD. Điều này cho thấy niềm tin trên thị trường khó có thể phục hồi được nếu chỉ dùng “cam kết” hay “chỉ đạo”. Để chủ động điều hành, có lẽ đã đến lúc cơ quan điều hành sử dụng công cụ tài chính của mình, nguồn dự trữ ngoại hối mà theo công bố hiện ở mức 37 tỷ USD cùng 10 tấn vàng, để can thiệp thị trường.

Trước những biến động khó lường của kinh tế thế giới, các nhà đầu tư có thể phần nào yên tâm khi Chính phủ khẳng định kinh tế Việt Nam vẫn đang ổn định. Nhưng niềm tin ấy có giữ được hoàn toàn phụ thuộc vào hành động chính sách không chủ quan, phải chủ động, linh hoạt của các cơ quan điều hành.

Các tin khác