Nạn nhân thí điểm chính sách

Sau 13 năm thực hiện thi đại học 3 chung, lần đầu tiên ngành giáo dục Việt Nam đổi mới cách xét tuyển đại học. Ngay từ đầu, Bộ GD-ĐT dự kiến đến năm 2016 mới bỏ thi đại học 3 chung. Nhưng bộ đã đốt cháy giai đoạn, quyết định đổi mới ngay trong năm nay. Rất nhiều người đã lo lắng cho sự vội vã này khi khâu chuẩn bị chưa kỹ càng. Thực tế 20 ngày xét tuyển rối loạn vừa qua chứng minh sự vội vã đã để lại hậu quả khủng khiếp.

Sau 13 năm thực hiện thi đại học 3 chung, lần đầu tiên ngành giáo dục Việt Nam đổi mới cách xét tuyển đại học. Ngay từ đầu, Bộ GD-ĐT dự kiến đến năm 2016 mới bỏ thi đại học 3 chung. Nhưng bộ đã đốt cháy giai đoạn, quyết định đổi mới ngay trong năm nay. Rất nhiều người đã lo lắng cho sự vội vã này khi khâu chuẩn bị chưa kỹ càng. Thực tế 20 ngày xét tuyển rối loạn vừa qua chứng minh sự vội vã đã để lại hậu quả khủng khiếp.

Tất tả chạy “chứng khoán” tuyển sinh

20 ngày vật lộn được nhiều người ví như “chơi chứng khoán”. Đặc biệt, ngày xét tuyển cuối cùng 20-8, tuy thời gian kết thúc vào 17 giờ nhưng đến tận lúc đó, nhiều thí sinh vẫn tất tả chạy nộp hồ sơ. Nhiều trường phải linh động kéo dài thời gian làm việc để thu nhận hồ sơ thí sinh.

Đã có không ít nước mắt rơi tại “sàn chứng khoán” đặc biệt đó. Phần lớn các thí sinh có điểm rất cao, trong đó có nhiều thí sinh 25,75 điểm vẫn “tháo chạy” khỏi các trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự. Như chị Ngọc Anh, sau 10 ngày “canh điểm” đã bay từ Đắk Lắk ra để nộp hồ sơ vào Đại học Bách khoa Hà Nội cho con.

Đặc biệt, anh Trần Văn Đại (người lái xe cấp cứu 115) ở Hà Tĩnh đã thực hiện cuộc chạy xe cấp cứu vô tiền khoáng hậu: 10 giờ 35 phút ngày 20-8, được chị T. và con trai (trú tại phường Đại Nài, Hà Tĩnh) thuê xe cấp cứu “đi Hà Nội”. Đi được nửa đường mới biết mẹ con chị T. ra Hà Nội để rút hồ sơ ở Học viện An ninh chứ không phải đón người cấp cứu. 2 mẹ con thí sinh này đã phải chi 4,8 triệu đồng cho chuyến xe cấp cứu hy hữu đó, để kịp rút hồ sơ. Đó phải chăng cũng là một dạng “cấp cứu” mùa xét tuyển năm nay.

Trong suốt quá trình xét tuyển đợt 1, nhất là ngày cuối cùng, đã có không biết bao nhiêu bức xúc, hoang mang và thậm chí cả nước mắt. Tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân ngày cuối cùng, bà Nguyễn Thị Hồng, 60 tuổi đến từ Hải Phòng, chia sẻ qua 2 hàng nước mắt: cả 1 tuần nay mẹ con tôi thuê trọ ở Hà Nội, mệt mỏi, cực nhọc mà không biết tương lai con tôi ra sao.

Con gái bà Hồng, thí sinh Vũ Thị Phương Hạnh, Trường chuyên Trần Phú-Hải Phòng, học sinh giỏi 12 năm liền, năm nay thi khối D được 24,25 điểm. Với số điểm này, ban đầu em tự tin nộp vào Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương, nhưng đến ngày 17-8 rút ra vì không thấy có cơ hội. Từ ngày 17-8 đến nay, 2 mẹ con thuê phòng trọ ở gần Đại học Kinh tế quốc dân để hàng ngày theo dõi tình hình nộp hồ sơ.

“Đến sáng 20-8, biết khó vào Trường Kinh tế quốc dân, em đã quay sang nộp hồ sơ vào Học viện Tài chính. Em mệt mỏi lắm rồi, không muốn tính toán nữa, chấp nhận nộp khoa tài chính ngân hàng - khoa thấp nhất của Học viện Tài chính. Giờ đỗ-trượt cũng mặc kệ” - em Hạnh chán nản. Trong khi đó, bà Hồng than thở: “Xét tuyển năm nay, cả gia đình cùng khổ. Vợ chồng tôi mấy tuần nay không làm ăn gì, chỉ biết phục vụ cho các con ngồi tính toán điểm. Tôi xem thấy Bộ trưởng nói đây là cơ hội để thí sinh biết lo lắng, trưởng thành. Nhưng tôi cho rằng tuổi các cháu chưa đến lúc phải chịu đựng cảnh này. Tôi và nhiều phụ huynh khác khi nói đến chuyện thi cử là rưng rưng chỉ chực khóc”.

Ám ảnh tuyển sinh kỳ dị

Trong ngày cuối cùng, chúng tôi đã chứng kiến đủ cảm xúc buồn, vui của hàng ngàn thí sinh và phụ huynh, trong đó chủ yếu là âu lo, hoang mang tột bậc. Hình ảnh cả biển người chen chân trong hội trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cuối giờ chiều 20-8 chờ đợi bảng công bố tạm thời điểm chuẩn xét tuyển của trường với sự vỡ òa mọi cảm xúc thực sự ám ảnh mãi.

Tự bao giờ việc xét tuyển đại học lại như biến thành cuộc chơi đỏ đen? Tự bao giờ trên gương mặt thí sinh, phụ huynh lại lắm nỗi âu lo và cả những giọt nước mắt? Hình ảnh những thí sinh hớt hải chạy từ trường này sang trường khác để mong kịp rút-nộp sơ vào thời khắc cuối cùng, trên đôi chân nặng trĩu hoài bão mong manh.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, đến tận 16 giờ ngày 20-8, chị Hoàng Thị Hà (Ba Đình, Hà Nội) vẫn mệt mỏi đứng cùng con trai chưa về sau khi quyết định nộp hồ sơ vào khoa tiếng Anh. Chị Hà cho biết con trai chị rất thích khoa tiếng Anh của Trường Đại học Hà Nội.

“Nhưng Trường Đại học Hà Nội công bố danh sách điểm thí sinh mà chưa cộng điểm ưu tiên. Vì vậy, hàng ngày mẹ con tôi phải theo dõi danh sách, lần dò cộng điểm ưu tiên của từng thí sinh dưới điểm để xác định đang đứng ở vị trí nào. Đến ngày 18-8, trường công bố điểm chuẩn dự kiến. Lại thêm một lần nữa dò dò, cộng cộng… Đến phút cuối chúng tôi phải chấp nhận rút hồ sơ sang nộp trường Bách khoa” - chị Hà bức xúc.

Một hình ảnh khác cũng khiến tôi không quên, lúc 17 giờ kém 10, chỉ còn 10 phút nữa đến thời điểm “đóng cửa”, thí sinh Hoàng Đức Thuận đến từ Cao Bằng - thí sinh cuối cùng nộp hồ sơ vào Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - run rẩy không ghi nổi thông tin lên hồ sơ. Áp lực khiến đôi bàn tay em gần như không giữ được, các sinh viên tình nguyện phải giúp đỡ ghi hộ.

Em Thuận cho biết dù đã thay đổi nguyện vọng nhưng do hệ thống mạng ở quê chập chờn, không yên tâm nên phải xuống Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội rút hồ sơ để nộp vào Học viện. “Ngành công nghệ đa phương tiện không biết học làm gì, trái với ngành em yêu thích, nhưng như vậy mới có khả năng đỗ đại học” - thí sinh này cho biết.

Ông Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông, chỉ ra năm nay vì đề thi không có sự phân hóa tốt nên những thí sinh cao nhất xét tuyển dễ dàng, còn phần lớn thí sinh có điểm từ 19-21 điểm, thậm chí 23-24 điểm rất vất vả trong xét tuyển. “Trong khi đó, phần mềm tuyển sinh của Bộ GD-ĐT chưa hoàn chỉnh, chưa lường hết được quá trình xét tuyển. Còn các trường mỗi nơi làm một kiểu. Có trường công bố danh sách thí sinh xét tuyển như đánh đố thí sinh không khoa học” - ông Lập chỉ ra.

Đã có những giọt nước mắt, những lời ta thán về việc đổi mới tuyển sinh năm nay. Báo cáo với Chính phủ về đợt 1 xét tuyển đại học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã thừa nhận, do cách làm chưa tốt, đợt tuyển sinh vừa qua đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, việc cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 4 ngành, lại được thay đổi nguyện vọng trong thời gian dài 20 ngày.

Hội trường Đại học Kinh tế Quốc dân chật kín người cuối giờ chiều 20-8 chờ công bố điểm chuẩn. Ảnh: PHẠM MINH ĐỨC

Hội trường Đại học Kinh tế Quốc dân chật kín người 
cuối giờ chiều 20-8 chờ công bố điểm chuẩn. Ảnh: PHẠM MINH ĐỨC

Những quy định liên quan đến hồ sơ đăng ký xét tuyển chưa hợp lý tạo ra sự lo lắng, căng thẳng của nhiều thí sinh, phụ huynh, nhất là tình trạng đi lại, chờ chực tại các trường đại học. Theo Bộ trưởng Luận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ GD-ĐT chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp trong việc thiết kế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa ổn.

Ngoài ra, còn do đồng loạt nhiều trường đại học để ngưỡng điểm sàn vào trường chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT mà không có sự phân tầng theo chất lượng đào tạo khiến hàng chục ngàn phụ huynh, thí sinh phải chạy đôn chạy đáo những ngày qua. Theo con số thống kê, có khoảng 43.000 thí sinh thay đổi nguyện vọng, trong đó chỉ có 10.000 thí sinh thực hiện thủ tục qua Sở GD-ĐT, còn lại 31.000 lượt thí sinh đến trực tiếp các trường. Như vậy 31.000 thí sinh cùng từng đó người nhà đã phải chạy ngược xuôi.

Cùng chứng kiến những ngày qua của thí sinh và phụ huynh mới thấy hết tác động khủng khiếp của một chính sách thi cử, giáo dục-luôn luôn, và mãi mãi là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân. Vì vậy, bất cứ một sự thay đổi nào, đều không thể vội vã, làm theo kiểu thí điểm rồi rút kinh nghiệm như Bộ GD-ĐT đã làm trong mùa tuyển sinh năm nay.

Các tin khác