Đừng ảo vọng dự báo miễn phí

Giới chuyên gia tài chính thường có nhiều lý lẽ khiến chúng ta có cảm tưởng tất cả các thảm họa đều có thể dự báo trước; hoặc có thể ngăn chặn một sự kiện khi đã hiểu được nguyên nhân. Song, thực tế cho thấy dự báo vẫn mãi là dự báo, hoàn toàn chỉ mang tính hên xui.

Giới chuyên gia tài chính thường có nhiều lý lẽ khiến chúng ta có cảm tưởng tất cả các thảm họa đều có thể dự báo trước; hoặc có thể ngăn chặn một sự kiện khi đã hiểu được nguyên nhân. Song, thực tế cho thấy dự báo vẫn mãi là dự báo, hoàn toàn chỉ mang tính hên xui.

Kiểm soát “thiên nga đen”?

Nhà môi giới chứng khoán kiêm chuyên gia xác suất Nassim Nicholas Taleb đã đưa ra khái niệm “thiên nga đen” trong cuốn sách cùng tên vào năm 2007. Theo đó, thiên nga đen được định nghĩa là “một biến cố hiếm hoi nhưng khi xảy ra lại tạo hệ quả vô cùng lớn. Và sau khi xảy ra, con người có thể dựng ra hàng trăm câu chuyện để giải thích nó”. Các sự kiện thiên nga đen có thể kể đến như: khủng bố 11-9-2001; khủng hoảng nợ dưới chuẩn 2007; thảm họa động đất sóng thần-hạt nhân ở Nhật Bản vào năm 2011; dịch bệnh Ebola...

Bản thân các dự báo luôn được xuất hiện với dáng vẻ khoa học, hoặc là kết quả của hàng loạt phương trình, công thức phức tạp ít NĐT có thể hiểu được. Vì thế, khi các chuyên gia tài chính đưa ra dự báo, kế hoạch tương lai, cộng đồng đầu tư ít khi phản đối. Bởi các chuyên gia tài chính toàn là những người có học vị cao trong các trường đại học, cũng như được gắn trên mình các chức danh rất đáng nể, như MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh), CFA (chứng chỉ phân tích tài chính chuyên nghiệp)… Và khuynh hướng chung NĐT tin tưởng hơn vào những người có tri thức cao hơn mình.

Nhưng thực tế, chúng ta thường thất bại trước thiên nga đen, bởi gần như không thể dự báo nó. Thảm họa kép về động đất sóng thần và hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản) vào năm 2011 vẫn diễn ra, dù trước đó chúng ta có thảm họa Chernobyl vào năm 1986. Trên thị trường tài chính, có vô số cuộc khủng hoảng lớn nhỏ trong suốt hơn 400 năm qua và chúng ta đã đúc kết được vô số bài học, nhưng cũng chẳng ích gì.

Trong những năm gần đây, các flash crash (sụp đổ nhanh) có khuynh hướng xuất hiện ngày càng nhiều giống như năm 1987. Tháng 5-2010, chỉ số DJIA rớt 600 điểm trong vòng 5 phút, làm tan biến hơn 800 tỷ USD giá trị thị trường. Một sự kiện flash crash tương tự cũng diễn ra vào tháng 2-2012 trên thị trường trái phiếu Hoa Kỳ.

Vào tháng 1-2015, cơn địa chấn chưa từng có trên thị trường tiền tệ  khi đồng franc Thụy Sĩ tăng giá hơn 41% so với EUR trong ngày 15-1. Điều này khiến các ngân hàng như Citigroup, Deutsche Bank thua lỗ hàng trăm triệu USD, các sàn giao dịch như FXCM cũng thua lỗ nặng. Chẳng có dấu hiệu gì cho thấy, chúng ta có thể ngăn ngừa các flash crash trong tương lai. Thậm chí, tần suất của các cuộc khủng hoảng hay các biến cố rủi ro có vẻ đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn.

Không phải có chiến lược là thắng

Các nhà tư vấn tài chính doanh nghiệp có vẻ như rất thích nói đến chiến lược và kế hoạch. Họ có xu hướng làm cho tương lai dễ dự đoán, gạt bỏ tính ngẫu nhiên. Bằng cách đó, họ có thể dự phóng doanh số, thu nhập, dòng tiền trong cả dài hạn.

Thế nhưng, Jims Collin trong cuốn sách “Xây dựng để trường tồn”, đã chứng minh lịch sử phát triển của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới thực ra là một quá trình ngẫu nhiên hơn chúng ta tưởng. Hay nói cách khác, có rất ít các nhà lãnh đạo có thể xây dựng được một tầm nhìn chiến lược kinh doanh mang lại thành công. Đôi khi các doanh nghiệp trở nên thành công theo một cách chúng ta không mong muốn.

Thí dụ, Coca Cola được xem là công ty giải khát thành công nhất thế giới thực ra bắt đầu là một công ty dược phẩm. Nokia từng là nhà chế tạo điện thoại di động hàng đầu, nhưng tiền thân là một nhà máy giấy. Dupont, nổi tiếng với các sản phẩm chảo không dính, vốn là một công ty thuốc nổ. Công ty mỹ phẩm Avon khởi nghiệp từ một công ty bán sách.

Tại Việt Nam, phần lớn các NĐT đang sở hữu CP của FPT, một công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam, không hề biết FPT khởi đầu là một công ty công nghệ thực phẩm. Hoặc cũng ít ai biết rằng Masan, công ty thực phẩm hàng đầu của Việt Nam, thực ra trong suốt 5 năm đầu hoạt động là một công ty vận tải biển. Richard Branson, tỷ phú người Anh từng nói vui: “Chúng ta đâu có tập đi nhờ làm theo quy tắc, mà bằng cách cứ đi và ngã đấy thôi”. Thế giới kinh tế tài chính đầy rẫy những biến cố ngẫu nhiên theo kiểu thiên nga đen, làm thay đổi hoàn toàn tương lai của một doanh nghiệp.

Câu chuyện thị trường Việt Nam

Tuy nhiên, dự báo luôn là câu chuyện ăn khách của truyền thông và báo chí. Nếu không có dự báo, có lẽ chẳng NĐT nào muốn đọc các tạp chí tài chính. Và tất nhiên, các CTCK cũng không thể hút khách hàng nào nếu không đưa ra các dịch vụ dự báo tài chính trong các bản tin.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dù có hàng ngàn dự báo được đưa ra mỗi ngày trên thị trường tài chính, nhưng đáng ngạc nhiên nó là câu chuyện “vô thưởng vô phạt” trên TTCK Việt Nam. Sở dĩ như vậy do các chuyên gia hầu như không nhận trách nhiệm gì nếu dự báo sai. Tính đúng sai trong dự báo không phải là thước đo để đánh giá lương bổng của các nhà dự báo, hoặc chí ít là tiêu chí phân loại chất lượng của các chuyên gia phân tích.

Điều này do dịch vụ dự báo tài chính ở Việt Nam vẫn còn miễn phí. Mặt trái của vấn đề miễn phí là các nhà phân tích tài chính Việt Nam không có động lực để nâng cao chất lượng chuyên môn. Điều này khác hẳn với các thị trường tài chính phát triển như Hoa Kỳ.

Một số hãng truyền thông như Bloomberg, Reuters, hoặc các tạp chí tài chính chuyên về xếp hạng chuyên gia như Timer Digest, theo dõi rất kỹ hoạt động dự báo của chuyên gia. Họ đánh giá chất lượng dự báo và xếp hạng các chuyên gia. Thậm chí, có rất nhiều tổ chức tài chính độc lập cung cấp các dịch vụ dự báo mà NĐT phải trả phí. Lúc này, các chuyên gia tài chính phải nhận trách nhiệm rất cao. Họ phải nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nếu muốn cạnh tranh và sinh tồn.

Các tin khác