VNC chưa tận dụng hết cơ hội

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành giám định, dịch vụ đặc thù gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng CTCP Tập đoàn Vinacontrol (VNC) hiện mới cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp trong nước, trong khi doanh nghiệp FDI vốn rất nhiều tiềm năng lại chưa thể thâm nhập sâu.

Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành giám định, dịch vụ đặc thù gắn liền với hoạt động xuất nhập khẩu, nhưng CTCP Tập đoàn Vinacontrol (VNC) hiện mới cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp trong nước, trong khi doanh nghiệp FDI vốn rất nhiều tiềm năng lại chưa thể thâm nhập sâu.

Thương hiệu và thị phần

Ngành giám định hàng hóa được biết đến là một mắt xích quan trọng trong hoạt động ngoại thương. Bằng những nghiệp vụ kỹ thuật, các công ty giám định sẽ xác định tình trạng thực tế của hàng hóa như phẩm chất, quy cách, số lượng, khối lượng, bao bì, đóng gói, an toàn vệ sinh, trị giá… Sau đó, chứng thư giám định sẽ được cung cấp cho các bên yêu cầu. Đây là một trong những chứng từ cần thiết cho giao thương quốc tế và quá trình thông quan hàng hóa.

Hiện tại VNC tập trung cung cấp dịch vụ cho 2 lĩnh vực chính là giám định hàng hóa xuất nhập khẩu, mua bán nội địa nhằm cung cấp chứng thư cho bộ chứng từ giao nhận hàng; dịch vụ giám định/thử nghiệm phục vụ quản lý nhà nước.

Do đây là ngành dịch vụ với nền tảng, quan hệ khách hàng được xây dựng trên uy tín, nên thương hiệu là yếu tố tiên quyết cho sự thành công. Là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực giám định, VNC đang có thị phần lớn (khoảng 40%) cùng đội ngũ giám định viên có kinh nghiệm và chuyên môn cao. Thương hiệu Vinacontrol nhờ vậy dần tạo dựng chỗ đứng.

Từ năm 2014, lợi nhuận sau thuế cho thấy dấu hiệu tăng trưởng lạc quan nhờ sự hồi phục của hoạt động ngoại thương. Giai đoạn trước năm 2010, tốc độ tăng trưởng của VNC khá ấn tượng với mức CARG doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 40% và 50%. Tuy nhiên trong giai đoạn 2011-2013, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh, thậm chí lợi nhuận sau thuế âm.

Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), biên lợi nhuận gộp của VNC có sự sụt giảm đáng kể khi con số trung bình 33% (2006-2010) tụt xuống còn 25%. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, kinh tế suy thoái dẫn đến những tác động dây chuyền.

Cụ thể hàng hóa xuất nhập khẩu giảm mạnh khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gần như phá sản. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ giám định cũng chịu ảnh hưởng. Thêm vào đó, VNC buộc phải chia sẻ khó khăn với khách hàng thông qua hình thức giảm phí, kéo dài thời gian thanh toán. Từ đó, nhiều khoản nợ khó đòi bắt đầu xuất hiện do khách hàng mất khả năng chi trả. Trong năm 2013, VNC đã chủ động trích lập dự phòng cho các khoản nợ này khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 64%.

Từ đầu năm 2014, cùng với sự hồi phục kinh tế và hoạt động ngoại thương, VNC bắt đầu trở lại chu kỳ tăng trưởng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 khá ấn tượng, lần lượt tăng 22% và 55% so với cùng kỳ. Những biến chuyển tích cực trong lợi nhuận sau thuế chủ yếu đến từ doanh thu, khi biên lợi nhuận ròng không có nhiều cải thiện.

Trong thời gian tới, xu hướng này có thể vẫn tiếp diễn, bởi sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến VNC phải tăng chi phí bán hàng nhằm giữ vững thị phần. Biên lợi nhuận ròng vì thế sẽ phục hồi với tốc độ chậm và khó trở về mốc hoàng kim như trước đây. Với dự báo tăng trưởng khả quan của hàng hóa xuất nhập khẩu (tăng 6,52%) từ 2015-2019 nhờ việc ký kết các hiệp định tự do thương mại, có thể kỳ vọng ngành giám định, trong đó có VNC, sẽ được hưởng lợi.

Sức ép ngày càng lớn

Cơ hội là vậy nhưng thực tế VNC vẫn chưa thể tận dụng khi nhóm doanh nghiệp FDI đang chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, kéo theo ưu thế về các doanh nghiệp giám định nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc VNC ít, thậm chí không tham gia lĩnh vực giám định liên quan đến hàng hóa từ khu vực FDI. Trong mối quan hệ giao thương, doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài thường là bên quyết định đơn vị giám định và có khuynh hướng lựa chọn các công ty giám định quốc tế nhằm giảm bớt rủi ro, nhất là những thương vụ đầu tiên làm việc với đối tác Việt Nam.

Do đó, việc các doanh nghiệp giám định ngoại ngày càng gia tăng sự có mặt ở thị trường khu vực nội địa là điều khó tránh khỏi. Sự trỗi dậy của các doanh nghiệp ngoại như SGS, Bureau Veritas (BV), Intertek… đang dần chiếm những thị phần mà trước đây VNC có thế mạnh như gạo, dầu thô, hàng tiêu dùng. Do đó, nhân tố doanh nghiệp nước ngoài đang trở thành mối quan ngại chính của VNC. Theo đó, VNC đang chịu sức ép cạnh tranh từ cả đối thủ trong và ngoài nước. Đây là xu thế chung khi cạnh tranh giành thị phần trong những năm gần đây trở nên khốc liệt trên mọi lĩnh vực. Với thực tế này, NĐT chỉ kỳ vọng VNC duy trì ổn định thị phần và tăng trưởng theo tốc độ tăng lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực trong nước.

Thẩm định dây chuyền thiết bị sản xuất phụ tùng ô tô xe máy.

Thẩm định dây chuyền thiết bị sản xuất phụ tùng ô tô xe máy.

Điều đáng nói, hy vọng về sự lột xác của VNC trong thời điểm hiện tại chỉ có thể đến từ hoạt động thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Hiện SCIC đang sở hữu 30% số lượng CP và có lộ trình thoái vốn trong năm nay. Theo VDSC, việc thay đổi cổ đông lớn sẽ có lợi nếu doanh nghiệp có một đối tác chiến lược nước ngoài cùng ngành. Khi đó, VNC có cơ hội trở thành một mắt xích trong hợp đồng quản lý rủi ro, chất lượng giữa công ty giám định mẹ và các tập đoàn đa quốc gia. Với sự hợp tác này, VNC có nhiều cơ hội thâm nhập vào phân khúc FDI.

 Đồng thời, VNC cũng có thể được nhận chuyển giao quyền cấp chứng nhận chất lượng ISO, GlobalGap… cũng như các dịch vụ khác từ công ty mẹ để giải quyết được bài toán tăng trưởng. Kịch bản này sẽ tạo cho VNC sự chuyển biến tích cực trong tương lai. Tuy nhiên, cho tới hiện tại, phương án thoái vốn vẫn chưa được SCIC công bố chi tiết.

Các tin khác