Mong sân chơi bình đẳng

Khu vực kinh tế tư nhân được coi là động lực quyết định tốc độ chuyển động về phía trước của “cỗ xe kinh tế” nước ta. Tuy nhiên, khối DN này lại không được đối xử bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, như vốn, đất đai...

Khu vực kinh tế tư nhân được coi là động lực quyết định tốc độ chuyển động về phía trước của “cỗ xe kinh tế” nước ta. Tuy nhiên, khối DN này lại không được đối xử bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, như vốn, đất đai...

Vẫn đang gặp khó

Được thừa nhận là khu vực kinh tế năng động nhất trong nền kinh tế, DN tư nhân có đóng góp to lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo việc làm, ổn định xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế, khối DN này lại đang gặp vô vàn khó khăn. Tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2015, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết có tới gần 70% DN tư nhân kinh doanh không có lãi.

Cùng với đó, dù khu vực kinh tế này đã đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng nhóm kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP, cho thấy khu vực tư nhân còn quá manh mún. Đặc biệt, trong số DN tư nhân đang hoạt động, DN lớn chỉ chiếm 2%, DN vừa chiếm 2%, còn lại 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Ở góc độ khác, theo thống kê, số DN gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động trong 7 tháng năm nay đã lên đến hơn 32.000 DN, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó 22.300 DN ngừng hoạt động, chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký. Trong tổng số các DN buộc phải tạm ngừng hoạt động này phần lớn là DN thuộc khu vực tư nhân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khu vực DN tư nhân kinh doanh kém hiệu quả, song chủ yếu từ 2 nguyên nhân, đó là yếu kém nội tại của DN và những hạn chế từ chính sách.

Theo đó, dù tiêu chí hoạt động chung của DN tư nhân là luôn chủ động tiết giảm chi phí đầu vào ở mức thấp nhất, tinh gọn bộ máy quản lý gọn nhẹ… song với quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, nguồn vốn hạn hẹp, thị trường đầu ra không ổn định… nên sức cạnh tranh của DN tư nhân không cao. Bên cạnh những yếu kém nội tại, họ còn vừa phải tìm mọi cách sống sót trong điều kiện nguồn vốn tín dụng khó tiếp cận, vừa phải chịu lãi suất cao, trong khi lợi nhuận thấp, khó bù đắp được chi phí vay ngân hàng.

Chưa hết, khu vực kinh tế này còn bị các DN khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chèn ép trong cuộc cạnh tranh không bình đẳng, do các ưu đãi từ chính sách của Nhà nước. Trước thực trạng này, đã có nhiều chính sách, giải pháp về vốn, công nghệ, mặt bằng sản xuất, nguồn nhân lực… góp phần giúp nhiều DN vực dậy, trụ vững và tiếp tục vươn lên. Song, đối với không ít DN tư nhân, nhiều chính sách hỗ trợ chưa tới được với họ.

Cần tạo động lực tăng trưởng

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay đã có một sự thay đổi tích cực trong cơ cấu vốn đầu tư. Theo đó, vốn đầu tư của khu vực tư nhân chiếm khoảng 36,6% tổng vốn, gần bắt kịp khu vực nhà nước với tỷ trọng trong vốn đầu tư 38,6%. Ở một diễn biến khác, kết quả khảo sát của Công ty Grant Thornton Việt Nam về đầu tư tư nhân công bố đầu tháng 8 này, cũng cho thấy có sự gia tăng những nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam.

Cụ thể, khi được hỏi về triển vọng đầu tư ở Việt Nam, có đến 86% số phản hồi dự báo sẽ gia tăng mức độ đầu tư trong vòng 12 tháng tới, cao hơn 14% so với kỳ khảo sát trước. Như vậy, có thể thấy đó là những tín hiệu sáng chứng minh rằng DN tư nhân đang tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, để tạo động lực tăng trưởng hơn nữa, giúp khu vực DN này phát triển mạnh mẽ và bền vững, các chuyên gia cho rằng cần minh bạch và tạo sân chơi bình đẳng cho họ.

DNNVV vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai...

DNNVV vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, đất đai...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đã từng khẳng định vai trò của các loại hình DN: “Bất kể là DN tư nhân, Nhà nước hay DN FDI đều có vai trò quyết định đối với nền kinh tế Việt Nam. Và đến bây giờ, tôi có thể khẳng định rằng DN tư nhân chính là nền tảng, là động lực của nền kinh tế Việt Nam”. Từ đó, Bộ trưởng cho rằng cần thiết phải tạo sân chơi bình đẳng cho các loại hình DN, nhất là trong việc xử lý nguồn vốn và tạo việc làm, giúp phân bổ nguồn lực một cách công bằng.

Trong khi đó, đại diện cho DN, tại VBF giữa kỳ năm 2015, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị cần xây dựng và thực hiện Chương trình quốc gia khởi nghiệp để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, trợ giúp thành lập DN mới, các DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, để giúp DNNVV cải thiện năng lực cạnh tranh, chuẩn bị cho hội nhập, rất cần cung cấp thông tin kịp thời và cụ thể về các cam kết, các cơ hội, thách thức cụ thể từ các hiệp định thương mại tự do đối với DN.

Ở góc độ các hiệp hội ngành nghề, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế, cho rằng để tìm ra giải pháp có hiệu quả, bên cạnh sự chủ động của các cơ quan quản lý nhà nước, cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng DN nhất là trong những đóng góp thiết thực vào việc hình thành các văn bản pháp luật liên quan đến kinh doanh.

Từ đó, các cơ quan này xem xét sửa đổi, hoàn thiện và bổ sung, nhằm tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, giúp cộng đồng DN tư nhân phát triển vững mạnh. Để đạt được điều này, cần nâng cao vai trò cầu nối của các hiệp hội, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhằm tạo tiền đề thúc đẩy tốt hơn cho cộng đồng DN tư nhân.

Các tin khác