Thu hút vốn M&A: Đích ngắm thị trường VN

Liên tục trong những số báo gần đây, ĐTTC đã có loạt bài Chủ điểm-Sự kiện: “Thị trường bất động sản-Bùng nổ làn sóng đầu tư ngoại”; “TPHCM-Đón làn sóng đầu tư Nhật Bản”; “Dòng vốn đầu tư nước ngoài - Chất hơn với các FTA mới”… Các chuyên gia và các tổ chức tài chính nước ngoài cho rằng, cải cách thể chế kinh tế, sự phục hồi của TTCK và một loạt ngành nghề đầu tư hấp dẫn, được xem là 3 lực đẩy mạnh mẽ cho thị trường M&A tại Việt Nam thời gian tới.

Liên tục trong những số báo gần đây, ĐTTC đã có loạt bài Chủ điểm-Sự kiện: “Thị trường bất động sản-Bùng nổ làn sóng đầu tư ngoại”; “TPHCM-Đón làn sóng đầu tư Nhật Bản”; “Dòng vốn đầu tư nước ngoài - Chất hơn với các FTA mới”… Các chuyên gia và các tổ chức tài chính nước ngoài cho rằng, cải cách thể chế kinh tế, sự phục hồi của TTCK và một loạt ngành nghề đầu tư hấp dẫn, được xem là 3 lực đẩy mạnh mẽ cho thị trường M&A tại Việt Nam thời gian tới.

Nền tảng vững chắc

Trong 6 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,28%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2014 và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009. Lạm phát cơ bản chỉ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI tăng 8,8% và vốn ODA giải ngân tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. \Từ 1-7-2015, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực, cùng với đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015-NĐ-CP cho phép nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó những cam kết, quyết tâm trong việc cổ phần hóa (CPH) của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Năm 2014, giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam ước đạt 4,2 tỷ USD và tiếp tục sôi động trong những tháng đầu năm nay.

NHNN sẽ tiếp tục tái cơ cấu, xử lý triệt để các TCTD yếu kém, kể cả can thiệp bắt buộc với các TCTD không tự tái cơ cấu được. Khuyến khích đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại theo nguyên tắc tự nguyện của các TCTD và tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín tham gia vào tái cơ cấu các TCTD yếu kém, kể cả mua lại để hình thành NH 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Kim Anh,
Phó Thống đốc NHNN

Trưởng ban Môi trường Kinh doanh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Th.S Phan Đức Hiếu phân tích: “Các chính sách gần đây đã tăng cường mức độ bảo vệ NĐT, từ đó tạo ra sự yên tâm khi góp vốn vào DN. Trước đây, mức điểm bảo vệ NĐT của Luật DN theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) 4,2/10 điểm, còn hiện nay 6,2/10 điểm.

Như vậy thứ hạng trong xếp hạng bảo vệ NĐT của Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những bước nhảy vọt. Riêng hoạt động M&A, một thay đổi mang tính bước ngoặt là điều kiện sáp nhập đã trở nên thông thoáng hơn. Chẳng hạn, trước đây 2 DN khác hình thức hoạt động A (là CTCP) và B (là công ty TNHH) muốn sáp nhập với nhau sẽ không thể thực hiện được mà phải có sự chuyển đổi về mô hình giống nhau. Nhưng hiện nay các DN dù hình thức nào cũng có thể tiến hành M&A”.

Luật sư điều hành Hãng Luật Baker&McKenzie, ông Seck Yee Chung, cho rằng một loạt chính sách mạnh mẽ gần đây của Chính phủ Việt Nam cho thấy sự sẵn sàng lắng nghe những ý kiến từ các DN và NĐT. Có thể kỳ vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những luật mới thuận lợi hơn cho NĐTNN.

Còn luật sư Bùi Ngọc Hồng của LNT&Partners nói vui: “Luật Đầu tư và Luật DN chuẩn bị được áp dụng, từ chỗ chạy thể dục 30 phút vào mỗi buổi sáng, tôi đã tăng cường độ luyện tập lên 45 phút vì tin chắc rằng khối lượng công việc như tư vấn pháp lý cho các NĐTNN chắc chắn sẽ tăng mạnh nên cần nhiều thể lực để giải quyết. Theo quan sát của tôi, các luật mới trong thời gian gần đây đã góp phần gia tăng kỳ vọng vào sự minh bạch trong môi trường kinh doanh, dẫn đến hoạt động đầu tư trở nên thuận lợi”.

Sẵn sàng hút vốn

Về thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường tài chính ngân hàng (NH), Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ông Vũ Bằng, nhận định: “Việc tái cấu trúc TTCK đã diễn ra quyết liệt, mạnh mẽ và hiện đã chuyển sang giai đoạn mới theo hướng chú trọng chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Sự dịch chuyển các luồng vốn quốc tế vừa là thách thức vừa là cơ hội thu hút dòng vốn cho TTCK nói chung và thị trường M&A nói riêng.

Từ đầu năm 2015 đến nay, dù TTCK còn nhiều thách thức, nhưng vẫn có những bước tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ khoảng 13% và được đánh giá là một trong những thị trường hồi phục mạnh nhất trong 12 nước khu vực. Nghị định 60 về việc nới room được UBCKNN và Bộ Tài chính ban hành trong thời gian ngắn, cho thấy sự đồng thuận, ủng hộ của các bộ như Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT), Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn với dòng vốn của NĐTNN. Tôi cảm nhận sự tích cực của NĐTNN về việc nới room, chẳng hạn các tỷ phú Hoa Kỳ đánh giá rất cao và họ bắt đầu quay trở lại Việt Nam để xúc tiến các thương vụ M&A trong các lĩnh vực như xi măng, sắt thép, bán lẻ…”.

Các cuộc IPO của DN lớn trong ngành giao thông vận tải, viễn thông, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm… đang tạo nguồn hàng mới hấp dẫn đối với thị trường M&A. Quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM và thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN theo chủ trương của Chính phủ cũng đang góp phần làm cho thị trường M&A trở nên phong phú và đa dạng hơn. Xu hướng nhiều DN tư nhân lựa chọn M&A như một chiến lược quan trọng để hướng tới tăng trưởng bền vững.

Ông Đặng Huy Đông,
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT

Hiện nay UBCKNN đang gấp rút triển khai để ban hành các văn bản hướng dẫn cho Nghị định 60. Cụ thể, UBCKNN đã có công văn gửi các công ty đại chúng đề nghị rà soát ngay cơ cấu cổ đông nội bộ, căn cứ vào luật đầu tư để đề xuất tỷ lệ sở hữu cho NĐTNN, tổ chức sớm ĐHCĐ để xác định tỷ lệ nới room cho từng DN.

UBCKNN cũng đang thúc đẩy xây dựng thị trường phái sinh, các thông tư hướng dẫn đã được hoàn thiện, liên quan đến vấn đề công nghệ hiện đang có những bước đi quan trọng để giải quyết. Khi thị trường phái sinh hoàn thiện, TTCK sẽ phát triển tốt hơn nữa vì phái sinh sẽ trang bị cho NĐT trong và ngoài nước có thêm công cụ để quản trị rủi ro.

Một trong những yếu tố quan trọng  tạo nên sự yên tâm cũng như tin tưởng vững chắc của NĐTNN vào TTCK Việt Nam, chính là những diễn biến tích cực của kinh tế vĩ mô, trong đó bao gồm cả sự ổn định của hệ thống NH, được ví như huyệt đạo của nền kinh tế.

 Trong 3 năm qua NHNN đã triển khai quyết liệt trong việc tái cấu trúc hệ thống NH. NHNN đã từng bước kiểm soát và xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, giúp sự ổn định, an toàn của hệ thống này được giữ vững.

Trong thời gian qua, việc tái cơ cấu hệ thống NH cơ bản không sử dụng vốn ngân sách mà chủ yếu sử dụng nguồn lực của xã hội, của tư nhân và trên thực tế NHNN cũng ưu tiên vào nguồn lực đó. Trong 3 năm tiến hành tái cơ cấu đã giảm được 12 TCTD yếu kém; môi trường kinh doanh NH được lành mạnh một bước; kỷ cương kỷ luật của thị trường tiền tệ, thị trường vàng được chấn chỉnh, nâng cao. NHNN đã sử dụng nhiều biện pháp, kể cả biện pháp mạnh trong trường hợp các TCTD không tự thực hiện tái cơ cấu, sẽ được mua lại với giá 0 đồng.

Tận dụng làn sóng mới

Một sân chơi đã được hình thành, cùng với sự hồ hởi của NĐT trong và ngoài nước đã sẵn sàng. Vấn đề còn lại là nguồn cung hàng hóa trên thị trường M&A trong thời gian tới sẽ như thế nào? Trưởng Bộ phận dịch vụ tư vấn của KPMG, ông John T. Ditty, chia sẻ: “Theo quan sát của tôi, số lượng giao dịch M&A trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tương đương 75% tổng số giao dịch năm ngoái. Nghĩa là rất nhiều khả năng chúng ta sẽ kết thúc năm 2015 với số thương vụ tăng mạnh hơn năm 2014. Chúng ta không phải đang chờ đợi nữa mà hiện đã cưỡi trên “con sóng M&A”. Các ngành liên quan đến người tiêu dùng, chẳng hạn bán lẻ sẽ là mục tiêu của M&A trong thời gian tới”.

TS. Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, trao đổi với các nhà báo bên lề Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 7 do báo Đầu tư tổ chức mới đây.

TS. Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, trao đổi với các nhà báo bên lề
Diễn đàn M&A thường niên lần thứ 7 do báo Đầu tư tổ chức mới đây.

Giám đốc điều hành cao cấp của Recof Corporation, ông Masataka Yoshida, người đã đứng ra tư vấn cho nhiều thương vụ M&A giữa DN Nhật Bản và Việt Nam, khẳng định: “Từ nay đến năm 2020, từ khóa của thị trường M&A tại Việt Nam sẽ là “tiêu dùng”. Năm ngoái, số lượng các thương vụ M&A lớn giữa NĐT Nhật Bản và Việt Nam là 15, còn trong năm nay con số có thể tăng lên gấp đôi là 30. Mặc dù ngành tiêu dùng vẫn là đích đến chủ đạo của các thương vụ, nhưng theo quan sát của tôi, đã có những sự thay đổi trong cách thức đầu tư và mục tiêu của các thương vụ.

Đơn cử vài năm trước, khi DN Nhật Bản muốn tìm kiếm DN Việt Nam để rót vốn, thường họ chỉ chọn DN số 1 hoặc số 2 trong một ngành nghề, lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế Việt Nam, kéo theo sự cải thiện trong hoạt động của các DN đã dẫn đến việc các DN xếp hạng thứ 3, thứ 4 cũng vào tầm ngắm các NĐT Nhật Bản. Những DN này, nếu nhận được một sự đầu tư hợp lý, không chỉ là nguồn tài chính, mà là công nghệ và các giải pháp quản trị cũng có thể tạo nên sức tăng trưởng mạnh mẽ. Mặt khác, khi cơ hội đầu tư mở rộng, mục tiêu đầu tư tăng lên, cũng sẽ giúp cho nguồn vốn đổ vào thị trường M&A trở nên đa dạng hơn rất nhiều”.

Giám đốc Điều hành BDA&Partners Paul DiGiacomo bổ sung thêm, ngoài tiêu dùng, ngành nông nghiệp, hạ tầng, logistics cũng đáng quan tâm. Vấn đề không chỉ là ngành nghề hấp dẫn, mà chính các DN cũng phải chú trọng xây dựng được bộ máy quản trị hợp lý, chặt chẽ có năng lực, lợi thế cạnh tranh nhất định để thu hút vốn từ bên ngoài.

Các tin khác