Hội chứng bong bóng Trung Quốc (K3): Cơn lốc chứng khoán

Hội chứng bong bóng Trung Quốc (K2): Giấc mơ nhà đất

Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc đã bốc hơi 30%, cuốn đi hơn 3.000 tỷ USD tài sản. Chính quyền Bắc Kinh đã dùng tất cả biện pháp khả dĩ hòng ngăn chặn cơn lốc này, nhưng dường như lực bất tòng tâm, do những lỗ hổng nền tảng quá lớn.

Hội chứng bong bóng Trung Quốc (K2): Giấc mơ nhà đất

Hội chứng bong bóng Trung Quốc (K1): Quả bom hẹn giờ

Máy ATM

Trong thời kỳ lãnh đạo của Thủ tướng Chu Dung Cơ, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu trong vòng 3 năm phải giúp các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thoát khỏi khó khăn tài chính, thông qua việc huy động vốn từ TTCK. Để thực hiện điều này, chính phủ đã đưa một nhóm DNNN yếu kém lên TTCK. Vì vậy, trong một thời gian dài, việc niêm yết cổ phiếu chỉ giới hạn cho DNNN, DN tư nhân ít có cơ hội huy động vốn từ TTCK.

Vì hàng hóa trên TTCK hầu như chỉ là cổ phiếu của DNNN, nên dòng tiền trên thị trường chủ yếu chảy vào các DN này. Các công ty con trên TTCK thực sự trở thành những chiếc máy ATM, mang lại dòng tiền mặt dồi dào cho DNNN. Chen Dongsheng, Chủ tịch Công ty Bảo hiểm nhân thọ Taikang, nói: “Ngay từ khi ra đời cho đến nay, TTCK chỉ thực hiện chức năng duy nhất là huy động vốn để giải quyết khó khăn tài chính cho DNNN”.

Không chỉ đóng vai trò là những chiếc máy ATM, TTCK còn là những cỗ máy rửa tiền. Trước đây, có quy định các giám đốc điều hành có quyền mua lại cổ phần dự phòng để giữ quyền quản lý. Đây chính là kẽ hở giúp các giám đốc DNNN dùng để rửa tiền.

Kể từ khi nhiều nhà điều hành DNNN bị sa thải trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhiều vị giám đốc của DNNN lo sợ việc nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của DN họ điều hành sẽ bị xem là tham nhũng, đã đổ xô bán lượng cổ phần của mình. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2015, các giám đốc điều hành DNNN bán ra trị giá cổ phiếu 500 tỷ NDT (81 tỷ USD) - một kỷ lục trong lịch sử.

Mù chữ cũng chơi

Dưới con mắt của các chính trị gia Bắc Kinh, việc duy trì tăng trưởng cho TTCK là một chiến lược quan trọng. Nó không chỉ giúp DNNN yếu kém có được chiếc phao tài chính, mà còn cho phép chính quyền địa phương và các ngân hàng nạp tiền vào kho bạc của họ. Nó cũng giúp nhà đầu tư làm giàu và giúp người thất nghiệp bớt phân tâm, tất cả đều nhằm thúc đẩy sự ổn định xã hội.

Vì vậy, chính phủ thực hiện nhiều biện pháp để khuyến khích người dân mạnh dạn chơi chứng khoán, như nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính; chỉ thị cho các phương tiện truyền thông nhà nước khuyến khích đầu tư chứng khoán. Trong năm 2014, Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo liên tục đăng những bài bình luận thường nhật khuyến khích người dân mua cổ phiếu nhiều hơn.

Sự cổ súy từ chính phủ đã tạo được niềm tin nơi người dân. Số lượng tài khoản giao dịch mới mở ra trong 4 tháng đầu năm 2015 vượt trên tổng số tài khoản mở ra trong cả 2 năm 2012 và 2013. Tính đến ngày 30-6-2015, có hơn 90 triệu nhà đầu tư cổ phiếu ở Trung Quốc. Điều đáng nói, hầu hết nhà đầu tư mới ở Trung Quốc là những người dân ít kinh nghiệm tài chính và có trình độ học vấn ở mức thấp.

Cụ thể, 68% số nhà đầu tư chưa học hết phổ thông, 25% học tiểu học và gần 6% mù chữ. Nhiều người tham gia bởi nó là mốt thời thượng, bạn bè của họ đều mua cổ phiếu. Những người khác, đánh hơi thấy cơ hội làm giàu, đã vay tiền từ công ty môi giới mua thêm cổ phiếu.

TTCK Trung Quốc không có nhà đầu tư dài hạn, chỉ có nhà đầu cơ. Không ai quan tâm về tình hình hoạt động thực tế của các công ty niêm yết. Mọi người chỉ quan tâm liệu giá cổ phiếu có đi lên hay không. Do đó, giá trị cổ phiếu hoàn toàn không liên quan đến hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của công ty.

Sụp đổ là tất yếu?

Dù sao, sự bùng nổ nhà đầu tư đã dẫn đến bùng nổ giao dịch. Giá trị giao dịch của sàn giao dịch Thượng Hải đã vượt quá 200 tỷ NDT (33 tỷ USD), lần đầu tiên trong 4 năm vào ngày 28-11-2014. Và con số này đã vọt lên 1.000 tỷ NDT (161 tỷ USD) vào cuối tháng 4 năm nay. Điều này cũng góp phần làm TTCK Trung Quốc tăng nóng.

Từ ngày 1-8-2014 đến ngày 12-6-2015, chỉ số Shanghai Composite tăng hơn gấp đôi, tăng 136% giá trị. Cổ phiếu Trung Quốc đã trở thành một trong những cổ phiếu bị định giá cao nhất trên thế giới. Ngày 24-6, chỉ số Shanghai Composite giao dịch ở hệ số P/E (giá cổ phiếu/doanh thu) ở mức khoảng 20 lần. Thị trường tăng nóng đã tạo sức hút làm gia tăng số lượng đầu tư khiến tất cả trở thành một vòng xoáy vô tận.

Những khoản lãi chóng mặt nhờ lướt sóng trên các sàn chứng khoán đã làm nhiều nhà đầu tư chấp nhận vay với lãi suất cao để đầu tư. Nếu tại Hoa Kỳ chỉ có khoảng 3% nhà đầu tư đi vay để chơi chứng khoán, tỷ lệ này tại Trung Quốc là 8%.

Tuy nhiên, sau khi tăng tốc khủng khiếp trong 12 tháng, kể từ cuối tháng 6, cổ phiếu Trung Quốc rơi vào giai đoạn bán tống bán tháo tồi tệ nhất trong nhiều năm. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 5,9% chỉ riêng trong ngày 8-7, hơn 32% giá trị cổ phiếu với trị giá hơn 3.250 tỷ USD đã bốc hơi khỏi sàn chứng khoán kể từ khi nó chạm đỉnh vào ngày 12-6.

Cứu vãn trong vô vọng

Kể từ khi thị trường lao dốc, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã tiến hành nhiều biện pháp can thiệp hòng cứu vãn thị trường. Đầu tiên, ngày 27-6 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nới lỏng tiền tệ bằng cách hạ lãi suất cho vay và yêu cầu dự trữ bắt buộc. Tiếp đó, ngày 5-7, các nhà quản lý thị trường cho biết PBOC sẽ hỗ trợ thanh khoản thông qua các khoản vay ưu đãi cho các công ty môi giới chứng khoán. Ngày 8-7, PBOC bắt đầu hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Ngày 27-7, các nhà quản lý thị trường cũng cam kết mua lại cổ phiếu. Ngày 28-7, PBOC cam kết gia tăng thanh khoản và ổn định tỷ giá nội tệ. Song song đó, chính phủ còn ra lệnh tạm ngừng các vụ IPO và ngưng giao dịch khoảng 1/2 mã cổ phiếu đang niêm yết. Giới lãnh đạo các công ty cũng bị nghiêm cấm bán cổ phiếu đang nắm giữ.

Mới đây nhất, ngày 3-8, các nhà chức trách nghiêm cấm hành vi bán khống và giao dịch trong ngày. Theo quy định mới, nhà đầu tư sẽ không thể bán và mua lại cổ phiếu đó trong cùng 1 ngày, đồng thời sẽ phải chờ 1 ngày để trả lại khoản vay.

Cơn lốc trên TTCK Trung Quốc khiến nhà đầu tư đau đầu.

Cơn lốc trên TTCK Trung Quốc khiến nhà đầu tư đau đầu.

Dù biện pháp mới nhất đã giúp chỉ số Shanghai Composite tăng 3,7% khi đóng cửa phiên ngày 4-8, nhưng giới quan sát cho rằng tất cả biện pháp can thiệp của chính quyền Trung Quốc đều không thể có hiệu quả lâu dài, vì nó trái với sự vận động của thị trường. Một khi thị trường được hoạt động bình thường trở lại, không ai bảo đảm cơn bán tháo sẽ không còn.

(Còn tiếp)

Các tin khác