Thẩm định lại tổng mức đầu tư đường sắt Cát Linh-Hà Đông

(ĐTTC) - Để minh bạch, tránh khép kín trong đầu tư, Bộ Xây Dựng vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thẩm định tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

(ĐTTC) - Để minh bạch, tránh khép kín trong đầu tư, Bộ Xây Dựng vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thẩm định tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

 

Việc xem xét, đánh giá để xác định, quyết định lại tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh – Hà Đông được thực hiện trong bối cảnh siêu dự án hạ tầng này trong tình trạng đội vốn đầu tư hơn 60% so với tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt.

Dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông được khởi công xây dựng tháng 10-2011 dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác quý II-2015, tuy nhiên sau hàng loạt lý do chậm trễ từ phía tổng thầu – Công ty TNHH Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc, Bộ GTVT đã quyết định lùi tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác dự án vào đầu năm 2016.

Tuyến ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông được đầu tư bằng nguồn vay ODA Trung Quốc, có tổng mức ban đầu 522 triệu USD. Tháng 11-2014, Ban Quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) đã có tờ trình đề nghị điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông lên 868,04 triệu USD, trong đó phần vay ODA Trung Quốc tăng 250,62 triệu USD, vốn đối ứng phía Việt Nam tăng 64,56 triệu USD.

Chi phí đầu tư dự án tăng lên được xác định do điều chỉnh thiết kế cơ sở, biến động giá nguyên vật liệu, tỷ giá quy đổi và công tác GPMB kéo dài. Cụ thể, chi phí xây dựng tăng 146,3 triệu USD, chi phí thiết bị tăng 77 triệu USD, mua sắm đoàn tàu tăng 19,41 triệu USD, chi phí GPMB tăng 24,41 triệu USD, lãi vay, phí quản lý, phí cam kết tăng 21,44 triệu USD…

Việc thẩm định tổng mức dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông nhằm chốt lại chi phí đầu tư các hạng mục của dự án và quyết định tổng mức đầu tư sau điều chỉnh.

Theo Bộ Xây dựng, công tác thẩm định tổng mức đầu tư dự án liên quan đến nhiều bộ, ngành, trong đó quyền thẩm định nhà ga dự án đường sắt từ cấp III trở lên (công trình dân dụng) thuộc quyền thẩm định của ngành xây dựng. Còn phần đường sắt (công trình giao thông) lại thuộc thẩm quyền của ngành giao thông vận tải.

Mặt khác, Bộ GTVT lại là chủ đầu tư dự án, vì vậy Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện công tác thẩm định tổng mức đầu tư dự án để đảm bảo tính minh bạch, tránh khép kín trong đầu tư. Đối với kiến nghị liên quan đến thanh toán cho nhà thầu, Bộ Xây dựng đề nghị tiến độ thanh toán căn cứ theo nội dung hợp đồng EPC đã ký kết giữa chủ đầu tư và tổng thầu.

Nói về việc thẩm định lại tổng mức đầu tư dự án ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ này chưa nhận được chỉ đạo về việc thẩm định lại tổng mức đầu tư dự án. Nếu có việc thẩm định lại tổng mức đầu tư của một dự án đã thi công là hoạt động bình thường khi có những thay đổi về chi phí đầu tư.

Các tin khác