Ngành chăn nuôi chịu tác động khi tham gia TPP

Số liệu của Cục Chăn nuôi Việt Nam cho biết, quy mô ngành chăn nuôi trong nước hiện khá nhỏ lẻ và phân tán, có gần 10 triệu hộ gia đình coi chăn nuôi gia súc, gia cầm là sinh kế và cung cấp khoảng 50% tổng sản phẩm thịt toàn ngành. Khi Việt Nam tham gia TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc miễn thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, giống, trang thiết bị, vắc xin, thuốc thú y…
 

(ĐTTC) - Tại Hội thảo Tác động của Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) lên nền kinh tế Việt Nam khía cạnh kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi diễn ra ngày 3-8 tại Hà Nội, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết ngành chăn nuôi chịu tác động tiêu cực nhiều nhất khi Việt Nam tham gia TPP, có thể coi ngành chăn nuôi là một vật hy sinh cho TPP.

Số liệu của Cục Chăn nuôi Việt Nam cho biết, quy mô ngành chăn nuôi trong nước hiện khá nhỏ lẻ và phân tán, có gần 10 triệu hộ gia đình coi chăn nuôi gia súc, gia cầm là sinh kế và cung cấp khoảng 50% tổng sản phẩm thịt toàn ngành. Khi Việt Nam tham gia TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc miễn thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, giống, trang thiết bị, vắc xin, thuốc thú y…

Nhưng các thách thức ngành chăn nuôi Việt Nam phải đối mặt sẽ lớn hơn rất nhiều, các sản phẩm ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ sản phẩm chăn nuôi của 11 quốc gia tham gia TPP còn lại.

Báo cáo đánh giá tác động TPP và AEC do Viện nghiên cứu Kinh tế Chính sách cho thấy, ngành chăn nuôi trong nước đang có sức cạnh tranh rất thấp, cụ thể sản phẩn gà công nghiệp lông trắng trong nước hiện không thể cạnh tranh với gà nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Ngay cả DN hàng đầu trong ngành chăn nuôi Việt Nam như  CTCP chăn nuôi C.P. Việt Nam (CTCP CP) nhiều sản phẩm chăn nuôi của DN này cũng không thể cạnh trạnh với sản phẩm chăn nuôi đến từ nhiều nước trong TPP. Hiện nhiều hộ nông dân đang nuôi gia công gà công nghiệp lông trắng cho CTCP CP với giá thành xuất chuồng từ 29.000 – 30.000 đồng/kg gà hơi. Mức giá bán này không thể cạnh tranh được với giá bán thịt gà từ Hoa Kỳ dù xét về mặt khoa học, công nghệ, trình độ chăn nuôi thì CTCP CP tương đương với các công ty chăn nuôi của Hoa Kỳ.

Một trường hợp khác là sản phẩm thịt lợn trong nước thường được bán 45.000 – 55.000 đồng/kg lợn hơi nhưng tại thị trường Chicago (Hoa Kỳ) thịt lợn được bán từ 85-90 cent/kg (khoảng 20.000 đồng/kg).

Các sản phẩm thịt chăn nuôi từ Hoa Kỳ với lợi thế khoa học công nghệ, với nguồn thức ăn chăn nuôi (đậu tương, ngô), con giống rẻ, chăn nuôi quy mô lớn luôn có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các sản phẩm chăn nuôi tại Việt Nam.

Theo ông Tống Xuân Chinh, về góc độ kỹ thuật hiện nay có 3 yếu tố có thể giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi đó là, giảm 6-7% chi phí về giống, 9 – 10% chi phí thức ăn chăn nuôi, đặc biệt có thể giảm được 8 – 10%. Đây là những chi phí các hộ nông dân đang phải trả cho khâu trung gian đầu vào và đầu ra trong ngành chăn nuôi.

Nếu các hộ chăn nuôi Việt Nam được tổ chức, liên kết sản xuất thông qua mô hình hợp tác xã, tổ, đội nhóm, bằng cách ký hợp đồng thu mua sản phẩm chăn nuôi với các doanh nghiệp xuất khẩu thì ngành chăn nuôi trong nước có thể giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh được khi tham gia TPP.

Để thích ứng với TPP, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi và chính sách hỗ trợ như Nghị định 210/2013/NĐ-CP hỗ trợ doanh nghiệp tham gia phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, một nghị định về hợp tác xã nông nghiệp cũng đang được xây dựng để khuyến khích các hộ nông dân liên kết trong sản xuất.

Các tin khác