Nợ xấu trong tầm kiểm soát

Trích lập dự phòng vẫn là nỗi “ám ảnh” của các NH, đặc biệt khi áp dụng phân loại nợ với những tiêu chuẩn khắt khe hơn theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Dù khó nhưng việc kéo giảm nợ xấu xuống 3% là mục tiêu mà các NHTM sẽ phải hoàn thành trước ngày 1-10-2015 theo quy định của NHNN. Thực tế báo cáo của một số NH cho thấy kết quả lợi nhuận trong nửa đầu năm khá tích cực và nợ xấu trong tầm kiểm soát.

Trích lập dự phòng vẫn là nỗi “ám ảnh” của các NH, đặc biệt khi áp dụng phân loại nợ với những tiêu chuẩn khắt khe hơn theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Dù khó nhưng việc kéo giảm nợ xấu xuống 3% là mục tiêu mà các NHTM sẽ phải hoàn thành trước ngày 1-10-2015 theo quy định của NHNN. Thực tế báo cáo của một số NH cho thấy kết quả lợi nhuận trong nửa đầu năm khá tích cực và nợ xấu trong tầm kiểm soát.

Ánh sáng dưới đường hầm

Thông báo từ TPBank cho biết kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của NH đạt khả quan, thậm chí vượt kế hoạch đề ra: Lợi nhuận đạt 342 tỷ đồng, vượt 112% kế hoạch, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,96%. Với kết quả này, TPbank chính thức bù hết lỗ lũy kế sớm trước 1 năm so với dự kiến và đánh dấu bước phát triển mới của NH.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, chia sẻ lợi nhuận của NH năm nay dự báo còn tốt hơn năm trước và hiện tại TPbank còn không có nợ xấu để bán cho VAMC. Việc NHNN chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 trong đó có TPbank là 35% (năm 2014 tăng trưởng trên 50%) vẫn không ảnh hưởng, vì lợi nhuận NH không chỉ đến từ mỗi tăng trưởng tín dụng.

Còn theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongABank, lợi nhuận trong 6 tháng 2015 của NH ước đạt 102 tỷ đồng trước thuế và kỳ vọng tình hình của NH sẽ khá lên nhờ vào việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng về công nghệ để tiến tới đẩy mạnh dịch vụ autobanking trong thời gian tới. Mặc dù không chia sẻ con số cụ thể, nhưng ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, cho biết NH hoàn thành tốt kế hoạch lợi nhuận trong nửa đầu năm.

Việc kiểm soát nợ xấu phải về mức dưới 3% tổng dư nợ là mục tiêu chung của cả hệ thống và đối với từng TCTD. Thời gian chỉ còn trong quý III để các NH hoàn thành kế hoạch này. Theo báo cáo của các NH, xem ra nợ xấu không còn là một vấn đề lớn bởi lợi nhuận của hầu hết các NH đều cho thấy khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những quan ngại về tính “hiện thực” của những con số trong các báo cáo.

Tính đến thời điểm hiện nay, nhiều NH nhỏ đã rục rịch công bố kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2015. Bà Lương Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc NamABank, cho biết tăng trưởng huy động vốn của NH đạt 45%, dư nợ  tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,31%; lợi nhuận trước thuế đạt 188 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 52% kế hoạch năm. Kienlongbank công bố dư nợ tín dụng đạt 14.063 tỷ đồng, tăng 7,89% so với cùng kỳ năm 2014, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp 1,89%, lợi nhuận trước thuế đạt 158,21 tỷ đồng, đạt 40,78% kế hoạch năm 2015.

Không công bố số liệu cụ thể nhưng lãnh đạo VietCapitalBank cho biết tỷ lệ nợ xấu của NH dưới mức quy định của NHNN và rất khả quan với việc hoàn thành vượt kế hoạch ở hầu hết các chỉ tiêu tài chính như huy động vốn đạt 24.126 tỷ đồng, dư nợ cho vay 13.366 tỷ đồng.

Dù chưa có số liệu soát xét nửa năm, nhưng cả 2 ông lớn là Vietcombank và BIDV đều đưa ra kết quả kinh doanh ban đầu. Dư nợ tín dụng của BIDV đạt gần 535.000 tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung 6% của toàn ngành NH; chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu xấp xỉ 2%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.016 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Sau 6 tháng, dư nợ tín dụng của Vietcombank đạt hơn 345.000 tỷ đồng, tăng trưởng 6,52% so với cuối năm 2014; huy động vốn tăng 7,67%; sau trích lập Vietcombank còn lãi trước thuế 3.040 tỷ đồng; nợ xấu đến 30-6 chiếm 2,43% so với mục tiêu khống chế tỷ lệ nợ xấu ở 2,3% cả năm.

Tiếp tục dọn nợ xấu

Tại đại hội thường niên của Eximbank, ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc, cho biết trong 6 tháng đầu năm NH đã bán 4.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC nên phải trích lập thêm 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, năm nay NH sẽ bán khoảng 7.000 tỷ đồng nên dự phòng sẽ không nhỏ. Tương tự, tại Vietcombank cũng đã trích lập dự phòng gần 3.000 tỷ đồng, vượt khoảng 4,4% so với mức 50% của 6 tháng. Đây là NH mạnh tay nhất trong việc trích lập dự phòng, chiếm một nửa lợi nhuận đạt được.

Thời gian gần đây, NHNN liên tục đưa ra các văn bản với nội dung tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Tại Văn bản 5057/NHNN-TTGSNH, Thống đốc yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN, triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu ngay trong tháng 7-2015. NHNN yêu cầu các trường hợp có nợ xấu từ 3% trở lên triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu ngay trong tháng 7-2015 để đưa nợ xấu xuống dưới 3% và hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu được NHNN phê duyệt trước ngày 30-9-2015.

Theo đó, từ kỳ báo cáo tháng 6-2015, định kỳ hàng tháng, các TCTD phải thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Thông tư 02 cho đến khi có thông báo của NHNN. Bên cạnh đó, NHNN cũng đưa ra điều kiện những TCTD nào chưa đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ tín dụng trước ngày 1-10-2015 sẽ không được mở chi nhánh, phòng giao dịch mới…

Theo báo cáo của NamABank, nợ xấu nằm trong tầm kiểm soát. Ảnh: LONG THANH

Theo báo cáo của NamABank, nợ xấu nằm trong tầm kiểm soát. Ảnh: LONG THANH

Đến nay, phần lớn các NH đều công bố tỷ lệ nợ xấu ở mức khá thấp dưới 3%, thậm chí có những tổ chức còn dưới 1%. Điều này cho thấy mục tiêu chính hiện tại của các NH là kéo giảm nợ xấu hơn là lợi nhuận. Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank, cho rằng trong 6 tháng đầu năm NH tiếp tục áp dụng những chính sách miễn, giảm lãi vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng trên cả nước, đồng thời tăng trích lập dự phòng để tích lũy nguồn lực xử lý rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của NH.

Tại DongABank, tính đến cuối năm 2014 nợ xấu của NH là 1.947 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,76%/tổng dư nợ. Trong năm qua, NH đã tích cực xử lý nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu, cơ cấu nợ 3.545 tỷ đồng và bán nợ cho VAMC 3.921 tỷ đồng. Trong năm nay, DongABank cho biết vẫn tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu và chấp nhận hy sinh phần lãi dự thu để có thể giảm được nợ xấu.

Các tin khác