Luật chưa thông…

Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, tính từ ngày 20-6 đến 20-7, cả nước có 6.598 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký 38.869 tỷ đồng, giảm 29,4% về số lượng và giảm 38,4% về số vốn đăng ký so với tháng 6-2015. Thống kê tình hình đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7, cho thấy cả nước có 4.091 doanh nghiệp được tiếp nhận và cấp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký 23.116 tỷ đồng, trong đó có 4.087 doanh nghiệp trong nước với vốn đăng ký 22.746 tỷ đồng; 4 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ đồng.
 

Tháng 7-2015 là tháng đầu tiên doanh nghiệp trong và ngoài nước được hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư với nhiều đổi mới về quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, theo thống kê số doanh nghiệp thành lập trong tháng này lại giảm mạnh, trong đó chỉ có 4 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thành lập mới.

Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) cho biết, tính từ ngày 20-6 đến 20-7, cả nước có 6.598 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng ký 38.869 tỷ đồng, giảm 29,4% về số lượng và giảm 38,4% về số vốn đăng ký so với tháng 6-2015. Thống kê tình hình đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7, cho thấy cả nước có 4.091 doanh nghiệp được tiếp nhận và cấp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký 23.116 tỷ đồng, trong đó có 4.087 doanh nghiệp trong nước với vốn đăng ký 22.746 tỷ đồng; 4 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký hơn 370 tỷ đồng.

Mức vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp trong tháng 7 cũng giảm nhiều so với tháng trước, chỉ đạt 5,9 tỷ đồng, giảm 12,6%. Đáng chú ý, số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 chỉ 92.051 lao động, giảm 30,8% so với tháng trước. 

Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới được kỳ vọng mở ra không gian rộng hơn, thông thoáng hơn về quyền tự do kinh doanh, tạo ra làn sóng khởi nghiệp và đầu tư mới tại Việt Nam. Nhưng ngay khi bắt đầu có hiệu lực, thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Thực ra, tình hình suy giảm số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 đã được dự báo trước.

Nguyên nhân do biểu mẫu để đăng ký kinh doanh mới được áp dụng chỉ trong vòng chưa tới 1 tháng nên doanh nghiệp cần có thời gian để làm quen. Mặc dù Luật Doanh nghiệp được cho thông thoáng nhất từ trước đến nay, nhưng khi áp dụng, nhiều doanh nghiệp còn rối trong việc áp mã ngành nghề trong khâu đăng ký kinh doanh; lo ngại về tính hợp pháp của con dấu khi tự quyết định hình thức và nội dung...

Riêng đối với việc số doanh nghiệp FDI mới thành lập ít cũng đã được các đơn vị tư vấn và làm dịch đăng ký kinh doanh dự báo sớm, vì khâu xử lý và giải quyết đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp FDI hiện nay khác trước đây. Theo đó phải tách biệt giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay vì nhập 2 giấy này thành 1 như lâu nay.

Tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng các cơ quan quản lý chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đưa được những tinh thần mới nhất của luật vào cuộc sống. Cho đến nay, nghị định và thông tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp mới vẫn chưa được ban hành. Hiện mới chỉ có 1 công văn của Bộ KH-ĐT hướng dẫn áp dụng thống nhất quy định về đăng ký doanh nghiệp kể từ ngày 1-7-2015.

Ghi nhận thực tế cho thấy, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp theo luật mới, doanh nghiệp rất lúng túng trong việc lựa chọn mã ngành kinh tế theo tệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (VSIC); việc tra cứu các ngành, nghề kinh doanh theo VSIC khá khó khăn; việc áp mã ngành, nghề kinh doanh giữa doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh cũng chưa được thống nhất. Doanh nghiệp cũng phản ánh cảm thấy phiền hà khi bị yêu cầu tự khai báo ngành nghề kinh doanh.

Để tinh thần tự do kinh doanh của luật thực sự đi vào cuộc sống, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành những văn bản hướng dẫn cần thiết, làm rõ mọi quy trình, thủ tục để doanh nghiệp có thể dễ dàng đăng ký kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm. Mặt khác, cần nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để người dân có thể đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng, tránh tình trạng quá tải công việc ở các phòng đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó, cũng cần giải thích rõ ràng những thắc mắc, vướng mắc của doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc quy định doanh nghiệp tự lựa chọn và ghi ngành, nghề kinh doanh theo VSIC. Đối với cơ quan nhà nước, việc này có ý nghĩa quan trọng trong công tác thống kê, xây dựng chính sách vĩ mô và xây dựng báo cáo về tình hình đầu tư kinh doanh. Ngược lại, về phía doanh nghiệp, việc tự ghi ngành, nghề kinh doanh sẽ giúp đảm bảo tính chủ động và tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Luật pháp tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và cho phép doanh nghiệp kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm, nhưng cũng đề ra những nghĩa vụ doanh nghiệp phải tuân thủ để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh. Điều đó thể hiện, trước khi quyết định tham gia thị trường, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tìm hiểu kỹ các quy định về ngành nghề mình hoạt động. Đây là mối quan hệ 2 chiều giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp làm đúng; doanh nghiệp có trách nhiệm tìm hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Các tin khác