Hàng Việt vào Nhật vẫn khiêm tốn

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhập khẩu hàng hóa từ các nước và vùng lãnh thổ vào Nhật Bản 886 tỷ USD, Việt Nam chỉ chiếm thị phần 2%, tương đương 13,56 tỷ USD, một con số còn quá khiêm tốn. Để tìm hiểu các thông tin về thị trường Nhật Bản, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN TRUNG DŨNG, Tham tán Công sứ thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhập khẩu hàng hóa từ các nước và vùng lãnh thổ vào Nhật Bản 886 tỷ USD, Việt Nam chỉ chiếm thị phần 2%, tương đương 13,56 tỷ USD, một con số còn quá khiêm tốn. Để tìm hiểu các thông tin về thị trường Nhật Bản, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN TRUNG DŨNG, Tham tán Công sứ thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

PHÓNG VIÊN: - Ông có thể cho biết nhu cầu của Nhật Bản đối với hàng hóa Việt Nam cũng như những rào cản khiến Việt Nam chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu?

 

- Ông NGUYỄN TRUNG DŨNG: - Hiện nay Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam. Đơn cử như tôm Việt Nam đang có lợi thế hơn các nước cạnh tranh khác và dẫn đầu về cung cấp tôm cho thị trường Nhật Bản, chiếm khoảng 25% tổng nhập khẩu tôm của Nhật Bản.

Ngoài ra, rau củ quả tươi Nhật Bản cũng có nhu cầu cao nhưng do những yêu cầu rất khắt khe của phía Nhật Bản, chúng ta vẫn chưa thể đẩy mạnh xuất khẩu. Tất nhiên, nguyên nhân không chỉ ở phía Nhật Bản, mà cũng phải thẳng thắn nhìn nhận về phía Việt Nam chúng ta còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mặc dù không phải tất cả nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thu mua và xuất khẩu, ít chú ý đến độ đồng đều, quy trình vận chuyển hàng hóa để giữ được chất lượng sản phẩm, nhất là những sản phẩm tươi như trái cây. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, kho bãi phục vụ xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản của nước ta nói chung vẫn còn yếu, không đáp ứng hết được những nhu cầu khắt khe của phía Nhật Bản.

Tôi lấy một thí dụ, cho đến nay sau một thời gian đàm phán rất dài, trái thanh long ruột trắng của Việt Nam mới được nhập khẩu vào Nhật Bản. Khi tôi mua thanh long của Việt Nam trong siêu thị của Nhật Bản thấy trái không được tươi và khá nhỏ. Nếu chúng ta không tìm cách cải tiến có thể mất thị trường Nhật Bản.

Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vừa nhận được văn bản chính thức từ Bộ Nông Lâm thủy hải sản Nhật Bản về việc chấp thuận qua kiểm tra thực địa đối với quả xoài tươi Việt Nam của đoàn kiểm tra Nhật Bản. Đây là tin vui đối với trái xoài vì có thể thủ tục để chấp thuận xuất khẩu trái xoài tươi Việt Nam vào thị trường này sẽ được đẩy nhanh hơn.

- Phía Việt Nam và Nhật Bản đã có những hợp tác như thế nào để hỗ trợ việc xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam qua Nhật Bản, thưa ông?

- Việt Nam và Nhật Bản có khá nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như FTA giữa ASEAN và Nhật Bản (hoàn thành đàm phán năm 2007, có hiệu lực từ ngày 1-12-2008); FTA song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản (hoàn thành đàm phán vào tháng 12-2008 và có hiệu lực từ 1-9-2009); sắp tới đây là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Việc ký kết các FTA này sẽ đưa các dòng thuế giảm đáng kể tiến tới về 0% theo những lộ trình nhất định, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên như tôi đã nói, những yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản rất cao, vì thế Việt Nam đang có thỏa thuận về mục tiêu phát triển nông nghiệp Việt Nam trên cơ sở hợp tác với Nhật Bản.

Cụ thể, cách đây hơn 1 năm (vào tháng 3-2014) Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Nông lâm thủy hải sản Nhật Bản đã ký kết thỏa thuận hợp tác nông nghiệp. Sau đó 3 tháng, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm thủy hải sản Nhật Bản đã có chuyến thăm Việt Nam bàn về thỏa thuận giữa 2 bên và đưa ra những chương trình hành động cụ thể. Theo đánh giá của tôi, thỏa thuận đó sẽ được thực hiện trong 1, 2 tháng tới.

Khi đó công việc sẽ rất cụ thể trong từng lĩnh vực với một số tỉnh thành làm thí điểm, như nâng cao năng suất, giá trị gia tăng; chế biến thực phẩm; phát triển sản phẩm; cải thiện phân phối dây chuyền lạnh; tiêu thụ phát triển thị trường…

Thỏa thuận này được kỳ vọng giúp nông nghiệp Việt Nam có những bước phát triển mạnh hơn. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng có những thỏa thuận với một số tỉnh của Nhật Bản. Đây được xem là những bước chuẩn bị kịp thời của các cơ quan chức năng.

- Còn về phía các doanh nghiệp, theo ông nên có những chuẩn bị như thế nào để thâm nhập mạnh hơn vào thị trường tiềm năng như Nhật Bản?

- Các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị và tìm hiểu về những lợi thế có thể tận dụng từ các FTA đã có giữa 2 bên. Chẳng hạn theo FTA Việt Nam - Nhật Bản, từ ngày 1-4-2015 sẽ có thêm 150 dòng hàng được cắt giảm thuế quan về 0%. Các doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ đó là những mặt hàng gì, từ đó có hướng đi phù hợp và tăng khả năng cạnh tranh.

Để có được hiệp định này, đoàn đàm phán cũng như các cơ quan chức năng Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong một thời gian dài. Chính vì thế nếu các doanh nghiệp không tận dụng được sẽ rất đáng tiếc. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam nên có sự liên doanh, hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Nhật Bản, bởi họ mới là người hiểu thị trường hơn, nên việc thâm nhập cũng dễ dàng hơn.

Đồng thời nếu được chúng ta nên hợp tác với phía bạn về công nghệ, kỹ thuật nhằm đẩy nhanh việc xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Cũng nên lưu ý tới việc xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành của Nhật thay vì làm chung chung, vì các địa phương của Nhật Bản có nền kinh tế rất mạnh.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả là xây dựng thương hiệu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là điều kiện tiên quyết. Chúng ta nhất định phải nghiên cứu và thực hiện. Không chỉ đầu tư vào quy trình sản xuất mà còn phải rất chú ý các khâu như gia công chế biến sau thu hoạch, vận chuyển, bảo quản…

Bởi thực tế cho thấy, dù một số loại trái cây Việt Nam đã vào được những thị trường khó tính, nhưng để tạo được sự lan tỏa lớn, trái cây cần được quảng bá đúng cách. Điều quan trọng hiện hay là sự chuẩn bị của doanh nghiệp cho công tác quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản, không nên chờ đợi đến khi ký kết mới bắt tay.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác