Gà Hoa Kỳ bán phá giá là tin đồn?

Trao đổi với ĐTTC, một lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết thông tin thịt gà nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam bán phá giá chưa được xác thực. Ngày 4-8 tới Cục Quản lý cạnh tranh sẽ họp với Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải Quan, Cục Chăn nuôi… để xác thực thông tin.

Trao đổi với ĐTTC, một lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, cho biết thông tin thịt gà nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam bán phá giá chưa được xác thực. Ngày 4-8 tới Cục Quản lý cạnh tranh sẽ họp với Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải Quan, Cục Chăn nuôi… để xác thực thông tin.

Chưa xác thực thông tin

 

Vị này cũng cho biết qua trao đổi thông tin với Hiệp hội Chăn nuôi, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cũng chưa nhận được thông tin xác thực nào, chưa có bất cứ bằng chứng nào về việc thịt gà nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam bán phá giá. Đến nay không ai xác minh được độ xác thực thông tin này, kể cả Bộ NN-PTNT.

Về thông tin báo chí nêu việc Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ và Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai có văn bản chính thức đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan điều tra để kiện chống bán phá giá đối với thịt gà Hoa Kỳ nhập khẩu, người đại diện Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định đến chiều 31-7 vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào đề nghị việc này.

Các biện pháp phòng vệ thương mại là bảo vệ nền sản xuất trong nước, nhưng không có nghĩa ngăn cấm xuất nhập khẩu thông qua việc chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ. Chống bán phá giá chỉ áp dụng khi có bất bình đẳng, chống trợ cấp chỉ áp dụng khi doanh nghiệp một nước nào đó được chính phủ trợ cấp nhưng bán phá giá hàng hóa khi xuất khẩu, biện pháp tự vệ áp dụng khi hàng hóa một quốc gia nào đó xâm nhập vào phá tan nền sản xuất một quốc gia nào đó với sự tăng trưởng đột biến hàng nhập khẩu, đe dọa nền sản xuất trong nước.

Luật pháp của tất cả các quốc gia thành viên xây dựng cũng phải phù hợp với quy định của WTO. Tuy nhiên, người đại diện cho Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho rằng, muốn làm tốt công tác phòng vệ thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước vai trò của hiệp hội là chủ yếu. Nhưng các hiệp hội hiện nay không mạnh, nhiều hiệp hội ngành nghề thụ động và không thay mặt được hội viên.

4 năm 2 vụ việc

Một vụ kiện chống bán phá giá trên thị trường thường diễn ra trong thời gian dài với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và rất nhiều cơ quan chức năng liên quan. Đặc biệt doanh nghiệp cần liên kết để có sự chuẩn bị đầy đủ về thông tin thị trường, nguồn lực tài chính để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh,
Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế

Phòng vệ thương mại là lĩnh vực mới trong hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, trong 4 năm qua (2012-2015) Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành thành công 2 vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Đó là vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam (tháng 12-2012), thời hạn điều tra 6 tháng và đến tháng 8-2013 có báo cáo sơ bộ vụ việc.

Khi đó 4 nhà sản xuất trong nước ủng hộ đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ ngành sản xuất trong nước gồm CTCP Dầu thực vật Tường An, CTCP Dầu thực vật Tân Bình, Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân, Công ty Dầu ăn Holden Hope - Nhà Bè với thị phần chiếm 100% tổng lượng sản xuất hàng hóa tương tự trong nước. Qua điều tra, cơ quan quản lý cạnh tranh đã quyết định áp thuế tự vệ chính thức với các mặt hàng dầu thực vật nhập khẩu mức 5% từ tháng 5-2013 đến 5-2014 và lần lượt giảm xuống còn 4%, 3% và 2% cho đến tháng hết 5-2017.

Vụ việc thứ 2 được cơ quan quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu vào Việt Nam (tháng 5-2013) do Công ty TNHH Posco VST và Công ty CP Inox Hòa Bình khởi xướng. Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan quản lý cạnh tranh đã quyết định áp mức thuế chống bán phá giá từ 3-37% với các mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu xuất xứ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Đài Loan. Thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá 5 năm.

Về lộ trình thực hiện, đầu tiên các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề phải xác định và tìm hiểu, tập hợp thông tin về loại hàng hóa bán phá giá, điều kiện để áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Theo đó xác định biên độ bán phá giá cụ thể, việc bán phá giá đe dọa, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước; nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá về Cục Quản lý cạnh tranh khi thỏa mãn 2 điều kiện: khối lượng, số lượng hoặc giá trị hàng hóa do họ sản xuất hoặc đại diện chiếm từ 25% tổng sản lượng ngành sản xuất trong nước trở lên; khối lượng, số lượng hoặc giá trị hàng hóa các nhà sản xuất ủng hộ biện pháp chống bán phá giá nhiều hơn số lượng phản đối. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ thẩm định, ra quyết định điều tra, đưa ra các kết luận mức áp dụng thuế chống bán phá giá.

Thời gian không quá 12 tháng/vụ việc. Các bên liên quan có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá.

Thiếu liên kết giữa các nhà chăn nuôi

Năm 2014 Việt Nam nhập khẩu nhập khẩu 80.000 tấn thịt gà các loại, nhưng 6 tháng đầu năm 2015 lượng thịt gà nhập khẩu đã đạt trên 50.000 tấn, trong đó 70% nhập từ Hoa Kỳ. Điều đáng nói giá bán đùi gà Hoa Kỳ tại các siêu thị chưa tới 20.000 đồng/kg đã gây sốc cho nhiều doanh nghiệp chăn nuôi trong nước.

Để cạnh tranh với gà nhập khẩu, các nhà chăn nuôi tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng… buộc các trang trại chăn nuôi phải bán dưới giá thành từ 4.000-5.000 đồng/kg gà xuất chuồng, tương đương mỗi con gà bán ra thị trường lỗ khoảng 10.000 đồng. Nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng liên quan, đến cuối năm nay sẽ có khoảng 3.000 trang trại chăn nuôi đứng trước nguy cơ phá sản.

Để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước trước sức ép thịt gà nhập khẩu từ Hoa Kỳ, tiếng nói của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ dường như đang thiếu sức nặng khi số hội viên của hiệp hội chưa tới 150 chủ trang trại chăn nuôi gà.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cũng thừa nhận hiệp hội mới thành lập được 4 năm, mỗi năm hiệp hội chỉ họp vài lần để tổng kết, sơ kết. Các hội viên chủ yếu là nông dân, chủ trang trại nên không có đủ chi phí, năng lực tự điều tra, chứng minh thiệt hại để đi đến khởi kiện.

Các tin khác