DỰ LUẬT TIẾP CẬN THÔNG TIN

Vẫn trói buộc doanh nghiệp

Dẫn số liệu điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014 (PCI 2014) vẫn có 7 trên 10 doanh nghiệp phải cần tới mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin, bản đóng góp của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Dự luật Tiếp cận thông tin cho rằng luật dù có sự tiếp cận thông thoáng hơn nhưng đi vào cụ thể vẫn khó thực hiện.

Dẫn số liệu điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014 (PCI 2014) vẫn có 7 trên 10 doanh nghiệp phải cần tới mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin, bản đóng góp của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Dự luật Tiếp cận thông tin cho rằng luật dù có sự tiếp cận thông thoáng hơn nhưng đi vào cụ thể vẫn khó thực hiện.

Mở rộng, công khai trên trang điện tử

Theo VCCI, PCI 2014 đã cho thấy doanh nghiệp còn gặp khó khăn hơn năm 2013 khi tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng, có liên quan đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư...). Trung bình, cứ 10 doanh nghiệp có đến 7 doanh nghiệp phải cần tới mối quan hệ với cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin, đảo ngược xu thế cải thiện liên tục trong 4 năm liên tiếp 2010-2013.

Cũng theo VCCI, có hơn 30% doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận, thậm chí không thể tiếp cận (hơn 20%) đối với các dạng thông tin như: kế hoạch các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới; các dự án đầu tư của Trung ương; các bản đồ và các quy hoạch sử dụng đất của tỉnh. Điều này cho thấy mức độ dễ dàng trong tiếp cận thông tin có sự khác nhau giữa các loại thông tin.

Luật này được xem là văn bản gốc quy định về tiếp cận thông tin, do đó cần phải xác định chính xác loại thông tin được công bố, công khai, tránh hiện tượng các văn bản pháp luật khác không quy định về loại thông tin được công khai, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Trích báo cáo của VCCI

Từ thực tế trên, VCCI cho rằng một số quy định tại dự thảo chưa minh bạch khiến người dân gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thí dụ, quy định về công bố, công khai thông tin trên trang thông tin điện tử (gồm văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; danh mục hồ sơ, tài liệu công bố, công khai; các thông tin khác nếu xét thấy cần thiết...).

Tuy nhiên, các thông tin được xác định bắt buộc phải công khai trên trang thông tin điện tử theo quy định tại dự thảo dường như vẫn bó hẹp, chưa thực sự hướng tới nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn đối với các thông tin khác liên quan đến quy hoạch, dự án đầu tư, các báo cáo, nghiên cứu của Nhà nước về thị trường… doanh nghiệp vẫn cho rằng rất khó tiếp cận, trong khi đây là những thông tin có tính tác động trực tiếp đến các quyết định đầu tư, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu dự thảo chỉ dừng ở việc yêu cầu công khai các thông tin hiện tại cơ quan nhà nước đã làm tốt và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, thì quy định tại dự thảo vẫn chưa có tính đột phá và chưa thực sự chạm đến nhu cầu thực sự của người dân, doanh nghiệp.

Quy định loại thông tin được công bố

Tờ trình của Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận hoạt động công khai thông tin của các cơ quan nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu thông tin của công dân đang ngày càng gia tăng. Đó là chưa tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện, nhất là việc tiếp cận các thông tin liên quan trực tiếp đến việc thực hiện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân (chẳng hạn như thông tin trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng...). Do đó, theo Ban Pháp chế (VCCI), để phù hợp với thực tế, giảm thiểu thủ tục hành chính (người dân có thể chủ động tìm kiếm trên trang điện tử, thay vì phải thực hiện thủ tục hành chính đề nghị cơ quan nhà nước cung cấp thông tin) thì ban soạn thảo nên mở rộng phạm vi các thông tin bắt buộc phải công khai trên trang thông tin điện tử.

Nên mở rộng phạm vi các thông tin bắt buộc phải công khai trên trang thông tin điện tử..
Nên mở rộng phạm vi các thông tin bắt buộc phải công khai trên trang thông tin điện tử..

Dự thảo, quy định các thông tin được công bố, công khai bao gồm thông tin mà các văn bản quy phạm pháp luật quy định phải được công bố, công khai; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc thuộc thủ tục hành chính của cơ quan; các thông tin khác nếu xét thấy việc công bố, công khai là cần thiết. Theo VCCI, quy định trên còn chưa rõ ràng về việc xác định chính xác các loại thông tin sẽ được công khai, vì vậy sẽ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, việc dẫn chiếu tới văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc công khai thông tin có thể tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên lại gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi phải tự tìm hiểu trong các văn bản pháp luật chuyên ngành để xác định các loại thông tin sẽ được công khai. Việc liệt kê tất cả thông tin hiện đang được quy định trong dự thảo này là khó khả thi. Trong khi đây là luật quy định về việc tiếp cận thông tin, do đó ít nhất cần phải có quy định xác định loại thông tin (không phải thông tin cụ thể) sẽ được công bố, công khai.

Bên cạnh đó, loại thủ tục hành chính và quy trình giải quyết công việc thuộc thủ tục hành chính của cơ quan là thông tin bắt buộc phải công khai theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, nên quy định này là thừa. Còn các thông tin khác nếu xét thấy việc công bố, công khai là cần thiết được hiểu là việc công bố công khai các thông tin dạng này tùy thuộc hoàn toàn vào sự đánh giá chủ quan của cơ quan nhà nước. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp cũng không thể xác định được những loại thông tin nào sẽ được công khai và thực hiện được quyền của mình trong việc tiếp cận.

Các tin khác