Tiêu xài hàng xa xỉ: Làm giàu cho nước ngoài?

Tốc độ tăng trưởng nhóm người giàu mới nổi tại Việt Nam tăng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến xu hướng tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ như siêu xe, trang sức, túi xách… ngày càng tăng. Có thể nói Việt Nam đang trở thành kinh đô mới của các nhãn hàng xa xỉ, nhất là khi người Việt Nam được xem là chịu chơi và chịu chi hơn ai hết.

Tốc độ tăng trưởng nhóm người giàu mới nổi tại Việt Nam tăng cao là một trong những nguyên nhân chính khiến xu hướng tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ như siêu xe, trang sức, túi xách… ngày càng tăng. Có thể nói Việt Nam đang trở thành kinh đô mới của các nhãn hàng xa xỉ, nhất là khi người Việt Nam được xem là chịu chơi và chịu chi hơn ai hết.

Sức mua cao

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan trong 6 tháng đầu năm nay, người Việt đã nhập khẩu 55.356 ô tô nguyên chiếc với giá trị đạt 1,51 tỷ USD, tăng 116,3% về số lượng và 178,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Một con số khổng lồ khi so sánh với mức thu nhập bình quân trong nước và cả với nước ngoài. Tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… và trong các trung tâm thương mại (TTTM) đầy ắp các mặt hàng xa xỉ. Tại TPHCM, các địa điểm như Diamond Plaza, Vincom Center, chợ Bến Thành (quận 1) hay TTTM và Dịch vụ An Đông (quận 5)… luôn được xem là những địa điểm để các nhãn hiệu xa xỉ “chọn mặt gửi vàng”.

Tại Diamond Plaza, hầu hết nhãn hiệu thời trang như túi xách, vàng bạc, kim cương, đồng hồ, mắt kính nổi tiếng đều có mặt và bày bán tại nhiều tầng. Ghé vào quầy hàng của Công ty BRG chuyên phân phối nhãn hiệu túi xách Braun Buffel của Pháp, ở đây bày bán khá nhiều loại như thắt lưng, túi xách, ví tiền, ốp điện thoại... Nhân viên cho biết giá thấp nhất ở đây là 10 triệu đồng, còn giá cao không giới hạn. Bình quân mỗi ngày nhân viên ở đây bán được 2-3 món và có xu hướng tăng so với trước. Cách đó không xa là quầy hàng phân phối sản phẩm đồng hồ của nhiều thương hiệu khá lớn như Dkny Fossil, Michael Kors, Swarovski với mức giá từ 2 triệu đồng trở lên. Theo nhân viên ở đây, trung bình mỗi ngày cũng có 4-5 lượt khách ghé mua.

Tương tự TTTM Diamond, các thương hiệu nổi tiếng đều có mặt tại TTTM Vincom Center và được bày bán với diện tích khá lớn. Có thể kể đến là quầy hàng trang sức, vàng bạc, đá quý của thương hiệu Tomei, Luce’n Lee, Prima Gold, các mặt hàng được trưng bày rất đẹp mắt, đồng thời được xếp theo từng loại riêng biệt. Hầu hết mặt hàng tại đây đều có giá khá cao, như một chiếc nhẫn bạc được đính một hạt kim cương nhỏ có giá 15 triệu đồng, chiếc vòng cổ bằng vàng được thiết kế theo mẫu đôi rồng phượng có giá 45 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Trúc Mai, nhân viên bán hàng, cho biết thỉnh thoảng có một vài người đến mua, thậm chí chọn mua nhiều mặt hàng có giá cao hơn gấp 2-3 lần.

Không chỉ tại các TTTM sầm uất, mà tại chợ Bến Thành, chợ An Đông, sức mua các mặt hàng xa xỉ cũng cao. Bên cạnh các mặt hàng thời trang, các mặt hàng thực phẩm, đặc biệt thịt nhập khẩu, cũng được nhiều người Việt quan tâm và đặt mua. Trong đó, thịt bò Kobe - loại thịt bò đắt nhất thế giới với giá khoảng 500-3.000USD/kg - được những đại gia Việt tìm mua và tiêu thụ khá nhiều. Hay các dòng rượu ngoại của Pháp, Italia, Chile, mặc dù chịu mức thuế cao gấp 2-3 lần so với các loại rượu trong nước nhưng được nhiều “thượng đế” chọn mua. Đáng chú ý hơn mặt hàng rượu ngày càng được nhập khẩu với số lượng lớn, đồng nghĩa với sức tiêu thụ ngày càng mạnh. Thậm chí, 1 chai rượu có giá 20 triệu đồng vẫn được bán dễ dàng và nhanh chóng.

Khẳng định đẳng cấp

Không chỉ các nhãn hiệu có giá vài chục triệu đồng mà ngay cả đơn vị tiền tỷ cũng có người tiêu thụ. Cụ thể, cách đây không lâu, chiếc túi xách cao cấp hiệu Hermes sau khi về Việt Nam với giá 1,6 tỷ đồng đã được bán nhanh chóng. Qua tìm hiểu có thể thấy hàng hiệu dù đắt nhưng vẫn bán chạy không chỉ do chất lượng sản phẩm mà quan trọng hơn hết là thương hiệu. Hay nói cách khác, người tiêu dùng chịu bỏ hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng chỉ để sở hữu được sản phẩm mang thương hiệu nổi tiếng.

Thực tế này đúng với rất nhiều người có tâm lý xài hàng hiệu để khẳng định đẳng cấp, sự giàu có của mình, hoặc quá chú trọng vào phong cách, hình thức bên ngoài. Nhu cầu mua sắm hàng hiệu luôn đi cùng với các đại gia cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu chỉ với mục đích khẳng định đẳng cấp hay phô diễn, khoa trương bản thân, việc phải tiêu tốn một số tiền khổng lồ vào các món đồ xa xỉ như vậy liệu có xứng đáng? Nhìn nhận về mặt khách quan, tiêu chí để đánh giá một con người là kiến thức, thái độ và cách cư xử với những người xung quanh, không phải cứ tiêu tiền tỷ cho những món hàng xa xỉ sẽ được chú ý. Thay vì phung phí cho những vật chất bên ngoài, nên đầu tư vốn kiến thức cho bản thân và cho người thân trong gia đình.

Lượng khách mua các sản phầm trang sức ngày càng tăng. Ảnh: LA THẢO

Lượng khách mua các sản phầm trang sức ngày càng tăng. Ảnh: LA THẢO

Chưa hết, nếu xét về lĩnh vực kinh tế, đối tượng khách xịn này đều là các đại gia, người giàu và DN lớn của Việt Nam, và việc lựa chọn xài hàng ngoại này đã thúc đẩy nền kinh tế nhập khẩu của nước ta tăng mạnh, tức nền kinh tế trong nước sẽ luôn ở trong tình trạng nhập siêu. Nếu cứ đà này, liệu các DN trong nước có còn động lực để sáng tạo, tìm tòi và sản xuất ra sản phẩm mới?

Chúng ta đang tích cực vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm kích thích sản xuất trong nước phát triển. Tuy nhiên, tâm lý thích xài hàng xa xỉ của một bộ phận người tiêu dùng đang đi ngược lại chủ trương trên. Và điều đáng nói, cách tiêu tiền của người Việt chỉ đang làm giàu cho nước ngoài.

Các tin khác