Trẻ em đua trò người lớn

Sau khi game show dành cho người lớn đã bão hòa, những nhà sản xuất chương trình truyền hình liền quay sang khai thác thần tượng nhí. Tranh thủ mùa hè, các sân chơi thiếu nhi nở rộ trên màn ảnh nhỏ. Bật kênh nào cũng thấy trẻ em nhảy múa, bật kênh nào cũng thấy trẻ em ca hát, bật kênh nào cũng thấy trẻ em mơ ước trở thành ngôi sao.

Sau khi game show dành cho người lớn đã bão hòa, những nhà sản xuất chương trình truyền hình liền quay sang khai thác thần tượng nhí. Tranh thủ mùa hè, các sân chơi thiếu nhi nở rộ trên màn ảnh nhỏ. Bật kênh nào cũng thấy trẻ em nhảy múa, bật kênh nào cũng thấy trẻ em ca hát, bật kênh nào cũng thấy trẻ em mơ ước trở thành ngôi sao.

Trước đây chỉ có một cuộc thi nghệ thuật lứa tuổi thơ ngây là “Đô Rê Mí”. Bây giờ hàng loạt mô hình tranh tài kiểu phương Tây được mua bản quyền dàn dựng để khuyến khích trẻ em làm nghệ sĩ như “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy Hoàn Vũ nhí”, “Gương mặt thân quen nhí”… Nghĩa là, có chương trình nào thu hút giới thanh niên, thì ngay lập tức có phiên bản lôi kéo thiếu nhi tham gia.

Không chỉ chiếm lĩnh giờ vàng trên VTV, các cuộc thi nghệ thuật của thiếu nhi còn đổ bộ sang các kênh khác. Dường như những nhà tài trợ quá hào hứng, nên VTC có thêm “Young hit Young beat - Nhí tài năng” (ảnh dưới); còn Đài truyền hình Vĩnh Long cũng dự phần bằng “Little Giants - Người hùng tí hon”. Và càng nhiều chương trình tính cạnh tranh càng cao, và lứa tuổi được (hay bị?) kêu gọi làm nghệ sĩ càng nhỏ. Thật khó hiểu, khi trẻ em mới… 4 tuổi cũng ứng thí vào thế giới chen lấn và thị phi! 

Nếu chủ quan dựa theo các chương trình tranh tài thiếu nhi trên truyền hình, ai cũng ngỡ nước ta đang bùng phát nghệ sĩ nhí. Thậm chí, để động viên phụ huynh cho con em ghi danh, nhiều nhà tổ chức không ngần ngại dùng ngôn ngữ thổi phồng như “thần đồng ca nhạc”, “thần đồng khiêu vũ” hoặc “thần đồng diễn xuất”. Thực ra, đến hôm nay, chúng ta vẫn chưa có một sự hiểu biết hay một giáo trình nào để đào tạo những năng khiếu nghệ thuật. Tất cả những màn trình diễn của thiếu nhi đều nhằm mục đích thỏa mãn những toan tính của người lớn.

Hãy thẳng thắn nói với nhau, sau mỗi chương trình trên truyền hình, các tài năng nhí sẽ được gì? Một phần thưởng nho nhỏ và một con đường dở dang chăng? Trẻ em dưới 10 tuổi rất hồn nhiên, không nên cổ vũ các em theo đuổi những viễn cảnh phù du.

Nhiều nhà giáo dục đã ái ngại về thực trạng các chương trình thi thố nghệ thuật dành cho thiếu nhi đang tràn lan trên truyền hình, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý học tập của các em. Bây giờ đã gần hết mùa hè, mà nhiều sân chơi mới khởi động thì chắc chắn khi năm học mới bắt đầu, nhiều em vẫn còn tung tăng làm nghệ sĩ.

Các tin khác