Mất vốn đầu tư ngoài ngành

Những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Sơn tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và việc mất hoàn toàn khoản đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng này mà ông Sơn là đại diện phần vốn góp, một lần nữa dấy lên những lo ngại về các khoản đầu tư ngoài ngành của nhiều tập đoàn, tổng công ty. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhận định:

Những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Sơn tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và việc mất hoàn toàn khoản đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng này mà ông Sơn là đại diện phần vốn góp, một lần nữa dấy lên những lo ngại về các khoản đầu tư ngoài ngành của nhiều tập đoàn, tổng công ty. Trao đổi với ĐTTC, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhận định:

Câu chuyện ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, nguyên Tổng Giám đốc OceanBank bị cơ quan điều tra Bộ Công an bắt đã đặt ra hai vấn đề suy nghĩ. Thứ nhất, tại sao một người năng lực điều hành có vấn đề trong giai đoạn làm Tổng Giám đốc ở OceanBank sau đó lại tiếp tục được lên các vị trí cao hơn và cuối cùng là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Rõ ràng công tác đánh giá năng lực chuyên môn để bổ nhiệm bất cập. Thứ hai, với khoản đầu tư ngoài ngành khi có người đứng chân trong HĐQT nhưng PVN vẫn mất trắng khoản đầu tư tại OceanBank. Điều này đặt ra mối liên hệ về các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty khác sẽ ra sao?

Chính công tác quản lý kém đã khiến cho cổ đông mất vốn, Nhà nước mất khoản đầu tư. Từ trường hợp này tôi cũng lo ngại về những khoản đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty khác vào các lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, có thể cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

PHÓNG VIÊN: - Vậy ông nhìn nhận công tác nhân sự tại các doanh nghiệp nhìn từ sự kiện này như thế nào?

Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI: - Khi làm Tổng giám đốc OceanBank, dù ngân hàng này có lợi thế được PVN hỗ trợ nhưng quản trị doanh nghiệp không có gì ấn tượng so với nhiều ngân hàng khác. Chính vì thế, việc ông Sơn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN gây ngạc nhiên trong giới đầu tư tài chính.

Từ đó cho thấy cơ chế bổ nhiệm lãnh đạo các tập đoàn, DNNN hiện nay có vấn đề. Dù việc bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo DNNN hiện nay phải trải qua nhiều thủ tục hành chính, nhiều cơ quan quản lý nhà nước thẩm tra, nhưng chất lượng cán bộ vẫn chưa đạt yêu cầu. Vấn đề tồn tại hiện nay là cơ chế chính sách chưa đưa ra được những tiêu chí để đảm bảo lựa chọn những cán bộ quản lý xuất sắc.

Tôi cho rằng, tiêu chí lựa chọn những cán bộ quản lý tốt để lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải là những cán bộ kinh doanh giỏi, biết nắm bắt tình hình thị trường, tình hình sản xuất kinh doanh thực tế. Bên cạnh đó họ từng là giám đốc giỏi nhất trong các giám đốc của các đơn vị thành viên, có thành tích cụ thể trong doanh nghiệp khoảng thời gian ít nhất 5 năm khi làm giám đốc...

Điều đáng lưu ý là không nên bổ nhiệm cán bộ quản lý nhà nước làm thành viên HĐQT, ban kiểm soát vì họ không am hiểu sâu sắc tại doanh nghiệp, đồng thời phải cố gắng tách rời chức năng quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp. Tất nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế trong khi chưa cổ phần hóa hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Còn giải pháp triệt để phải cổ phần hóa và tham gia niêm yết trên thị trường chứng khoán.

- Tháng 10-2014, PVN cho biết đang có kế hoạch thoái vốn tại OceanBank, thế nhưng đến nay khi Ngân hàng Nhà nước phải mua ngân hàng này với giá 0 đồng và cơ quan công an vào cuộc mới vỡ lẽ ra khoản đầu tư đã mất. Ông nghĩ sao về tính minh bạch của PVN?

- Việc OceanBank phải tái cơ cấu cho thấy công tác quản trị của ngân hàng này rất yếu. Còn về trách nhiệm của PVN với khoản đầu tư này, tôi cho rằng đúng như nhà báo đề cập, PVN chưa có sự minh bạch trong thông tin về khoản đầu tư. Liệu có sự lỏng lẻo trong giám sát khoản đầu tư của PVN, hay báo cáo tài chính của OceanBank đã có sự thiếu minh bạch, không trung thực. Nhưng nói gì thì nói, PVN vẫn là người hiểu rõ nhất, vì họ đã tham gia vào quản trị ngân hàng này.

- Ông có thể nói rõ hơn?

- Hiện nay, số liệu từ các cơ quan quản lý cho thấy vẫn còn khoảng 19.000 tỷ đồng các tập đoàn, tổng công ty phải thoái khỏi lĩnh vực đầu tư ngoài ngành. Đây là con số rất lớn nếu xét về mục tiêu phải hoàn thành từ nay đến cuối năm. Điều đáng nói là hoạt động thoái vốn diễn ra rất ì ạch. Sau vài năm từ con số khoảng 22.000-23.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn còn đến 19.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng, những khoản đầu tư ngoài ngành "ngon" họ đã thoái được rồi, số còn lại đều là "xương xẩu". Có thể trong số 19.000 tỷ đồng đó, nhiều khoản đầu tư sẽ bị mất hết hoặc lỗ vốn.

Việc có người đại diện tham gia vào OceanBank, PVN có thể nhìn thấy trước tình hình tài chính. Bởi lẽ, với những tổ chức đầu tư tài chính khi doanh nghiệp "báo cáo láo" có thể biết được, chứ đừng nói có người trong doanh nghiệp. Vấn đề là họ có trách nhiệm ra sao với đồng vốn bỏ ra mà thôi.

- Vậy cách nào để các tập đoàn, tổng công ty đẩy nhanh việc thoái vốn, thưa ông?

- Phải đẩy nhanh việc cổ phần hóa các DNNN lớn, khi đó thông tin sẽ phải công khai, minh bạch. Từ đó mới có thể định giá lại được tài sản, các khoản đầu tư tại các DN, nhất là các khoản đầu tư vào DN chưa lên sàn. Tôi cho rằng, việc cổ phần hóa các DNNN lớn chậm cũng có lý do họ sợ phải công khai, minh bạch thông tin, vì điều đó dễ "cháy nhà ra mặt chuột". Nhưng quan trọng là Nhà nước phải có biện pháp quyết liệt, phải thay thế những người cố tình chây ì. DN sẽ không thể tìm được nhà đầu tư chiến lược tốt nếu tình trạng chây ì trong thoái vốn, cổ phần hóa vẫn diễn ra.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác