Những vụ vượt ngục chấn động (K2): Vua đào tẩu

Với 3 lần tổ chức vượt ngục bằng trực thăng, tên tội phạm người Pháp Pascal Payet được giới xã hội đen gắn cho cái tên “Vua đào tẩu”. Hắn cũng là người đang nắm giữ kỷ lục về những vụ vượt ngục bằng máy bay trực thăng.

Với 3 lần tổ chức vượt ngục bằng trực thăng, tên tội phạm người Pháp Pascal Payet được giới xã hội đen gắn cho cái tên “Vua đào tẩu”. Hắn cũng là người đang nắm giữ kỷ lục về những vụ vượt ngục bằng máy bay trực thăng.

Tẩu thoát ngoạn mục

Sinh ra tại Montpellier, Payet trải qua thời thơ ấu tại Lyon trước khi định cư ở Marseille. Năm 1988, hắn bị kết tội hành hung người khác. Ngày 20-11-1997, hắn tham gia tấn công chiếc xe bọc thép của Ngân hàng Trung ương Pháp (Banque de France), khiến 1 bảo vệ bị giết chết. Hắn bị bắt cùng với Éric Alboreo ở Paris vào tháng 1-1999 và bị tuyên phạt 30 năm tù giam vì tội giết người và âm mưu cướp xe ngân hàng.

Tuy nhiên, hắn chỉ ngồi tù hơn 2 năm. Ngày 12-10-2001, hắn trốn thoát khỏi nhà tù ở Luynes, thuộc Bouches-du-Rhône trên một máy bay trực thăng chiến đấu cùng với Frédéric Impocco. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, ngày 18-10 tên đồng bọn này đã bị bắt lại và được đưa đi thẩm vấn ở Paris. 2 năm sau, ngày 14-4-2003, trong khi đang là tội phạm truy nã vì tội vượt ngục, Payet lại cướp 1 chiếc máy bay khác và quay lại nhà tù Luynes ở phía Tây Bắc nước Pháp để giải thoát 3 tù nhân đang thụ án tại đây, gồm Franck Perletto, Michel Valero và Éric Alboreo, những đồng phạm đã bị bắt cùng với hắn trong vụ cướp xe ngân hàng vào năm 1999. Tuy nhiên, những tên này đã bị bắt trở lại chỉ 3 tuần sau đó.

Đến tháng 1-2005, cùng với mức án 30 năm tù trên, Payet bị kết án thêm 6 năm tù vì tội vượt ngục năm 2001 và 7 năm tù vì tổ chức vượt ngục năm 2003, tổng cộng 43 năm tù. Tháng 12-2005, hắn viết 1 bức thư kiến nghị và cho đăng trên blog của mình, chỉ trích điều kiện giam giữ trong nhà tù. Trước khi lá thư được công bố, hắn cũng nhiều lần tuyệt thực để phản đối việc bị chuyển nơi giam giữ quá nhiều, tới 9 lần trong 30 tháng. Tuy nhiên, giới chức cho biết vì hồ sơ nguy hiểm của Payet, nên hắn là một trong những tù nhân được canh phòng nghiêm ngặt nhất, không bao giờ bị nhốt ở cùng một nhà tù quá 6 tháng. Payet chính thức bị xếp loại như một "particulièrement surveillé détenu", tức tù nhân dưới sự giám sát đặc biệt cao và bị biệt giam.

Bất chấp những biện pháp này, ngày 14-7-2007, lợi dụng lễ Bastille Day (Quốc khánh Pháp), 4 người đàn ông bịt mặt đã cướp 1 máy bay trực thăng từ sân bay Cannes - Mandelieu, sau đó lái đến nhà tù Grasse - nơi đang giam giữ Payet - để giải thoát hắn. Sau khi cứu được Pascal Payet, bọn cướp đã cho máy bay hạ cánh xuống Brignoles, cách thành phố Toulon 38km về phía Đông Nam.

Điều đáng nói, bọn cướp hạ cánh xuống Brignoles để đạp viên phi công xuống đất, sau đó nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Điều này chứng tỏ bọn cướp biết lái máy bay trực thăng và không muốn nhân chứng biết chúng bay đi đâu. Rất may viên phi công không bị thương tích. Cảnh sát đã khẩn trương lấy khẩu cung của viên phi công để làm rõ cách thức của bọn cướp. Tuy nhiên, người ta vẫn không biết Pascal Payet đã lên kế hoạch tẩu thoát từ khi nào và hắn đã liên lạc với đồng bọn bằng cách nào để thực hiện thành công vụ vượt ngục được coi là ngoạn mục nhất trong khoảng 15 năm qua. Sở dĩ nói như vậy vì khi chiếc máy bay trực thăng vừa hạ cánh xuống nóc nhà tù Grasse, người ta đã nhìn thấy Pascal Payet đứng ở đó từ khi nào và nhanh chóng bước lên máy bay, rời khỏi hiện trường trước sự kinh ngạc của cả nhân viên quản giáo và những tù nhân khác.

Chạy trời không thoát nắng

Tuy nhiên, chỉ hơn 2 tháng sau, ngày 21-9-2007, Payet bị bắt trở lại trong một cuộc vây ráp ở Mataró, một vùng ngoại ô phía Bắc của Barcelona, Tây Ban Nha. Đầu cạo trọc và tinh thần sa sút, đó là bộ dạng của Payet khi bị bắt tại Mataro. Các viên chức cảnh sát thẩm vấn y lúc bấy giờ có cảm giác họ đang đứng trước một kẻ hành khất nhiều hơn là một tên trùm đào tẩu, thế nhưng bên trong người Payet mang đầy vũ khí. Khám xét người y, cảnh sát tìm thấy 1 khẩu súng trường, 2 khẩu súng lục và 1 khẩu revolver cùng 2 bộ hộ chiếu giả.

Đi cùng với Pascal Payet là tên tòng phạm người Pháp gốc Bắc Phi và Alain Armato, 48 tuổi, nổi tiếng với những vụ buôn bán ma túy và những vụ cướp có vũ trang các nhà băng và tiệm vàng. Cuộc vây bắt những tên này đã diễn ra một cách êm đẹp với sự phối hợp của Cảnh sát Madrid và Barcelona, cùng sự trợ giúp của một số nhân viên thuộc Đội Chống tội phạm có tổ chức trực thuộc Cảnh sát Tư pháp Marseille, Pháp. Theo lệnh bắt giữ có giá trị toàn châu Âu của luật pháp Pháp, Pascal Payet được dẫn độ về Pháp vào cuối tháng 9. Ngoài 2 tên tòng phạm cũng bị bắt cùng đợt này, Payet còn có 2 tên thân cận khác mà các nhà điều tra đang tìm chúng khắp nước Pháp.

Trước đó, đêm 20-9, cảnh sát Pháp đã bắt được 3 tên nghi phạm đang trú ngụ tại Marseille. Theo các nhà điều tra, 3 tên này nằm trong số 15 tên, chủ yếu sống ở vùng Marseille và Aix-en-Provence, là những kẻ đã tham gia cung cấp các phương tiện như vũ khí, giấy tờ giả và xe ô tô giúp Pascal Payet vượt ngục. Sau khi trốn khỏi nhà tù Grasse ngày 14-7, Pascal Payet trở thành đối tượng truy nã hàng đầu của Cảnh sát Pháp. Tất cả phương tiện nhằm tìm dấu vết của y đều được cảnh sát Pháp huy động.

Theo dõi, nghe lén điện thoại, cài chỉ điểm... tất cả đều được tiến hành một cách bí mật tuyệt đối. Ngày 25-6-2008, Payet đã bị tòa án Alpes-Maritimes kết án 15 năm tù, không được hưởng cơ hội khoan hồng, do một loạt tội danh như cướp có vũ trang và chống lại người thi hành công vụ. Nơi giam giữ của Payet cho đến nay vẫn được giữ bí mật, có lẽ vì sợ hắn sẽ liên lạc với đồng bọn để tẩu thoát thêm lần nữa. Như vậy, dù có vợ và 2 con, nhưng Payet đã trải qua hầu hết thời thanh xuân trong nhà giam.

Nhà tù Grasse. Pascal Payet nắm kỷ lục về vượt ngục bằng trực thăng (ảnh nhỏ).

Nhà tù Grasse. Pascal Payet nắm kỷ lục về vượt ngục bằng trực thăng (ảnh nhỏ).

Trong lịch sử, đã có rất nhiều vụ vượt ngục bằng trực thăng, nhưng kỷ lục vượt ngục và tổ chức vượt ngục bằng trực thăng nhiều nhất hiện vẫn thuộc về Payet. Vụ vượt ngục đầu tiên bằng trực thăng được ghi nhận diễn ra vào ngày 19-8-1971 của Joel David Kaplan và Carlos Antonio Contreras Castro.

Cuộc vượt ngục về sau được Kaplan viết thành sách với tựa đề “Cuộc vượt ngục 10 giây”. Nó cũng là cảm hứng cho bộ phim “Vượt ngục” (Breakout) sản xuất năm 1975. Vụ vượt ngục bằng trực thăng gần đây nhất diễn ra vào ngày 7-6-2014, khi 3 tù nhân trốn thoát khỏi một nhà tù ở thành phố Quebec, Canada. Những tên tù vượt ngục là Yves Denis Yvon Lamontagne, 35 tuổi, Denis Lefebvre, 53 tuổi, và Serge Pomerleau, 49 tuổi. 2 trong số này bị bắt năm 2010 vì có liên quan đến hành vi buôn ma túy. Cả 3 đang bị giam để chờ xét xử. Tuy nhiên, cả 3 tên này đã bị bắt lại chỉ vài tuần sau khi trốn thoát.

Các tin khác