Tái cơ cấu DNNN - Không còn đường lui

2015 là năm cuối của Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn quá nhiều công việc ngổn ngang. Dễ dàng nhận thấy, tiến độ cổ phần hóa (CPH) DNNN vẫn quá chậm so với kế hoạch đề ra.

2015 là năm cuối của Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn quá nhiều công việc ngổn ngang. Dễ dàng nhận thấy, tiến độ cổ phần hóa (CPH) DNNN vẫn quá chậm so với kế hoạch đề ra.

Đầu xuôi đuôi vướng

Tính đến cuối 6-2015, cả nước còn 289 DN thuộc diện CPH năm 2015 chỉ mới thành lập được ban chỉ đạo CPH, trong đó 127 DN đang tiến hành xác định giá trị DN, 44 DN đã có quyết định công bố giá trị DN và 61 DN đã hoàn thành CPH. Như vậy, 6 tháng đầu năm, chỉ có 61 DN đã CPH, mới đạt 21,1% kế hoạch, từ nay đến cuối năm số DN phải hoàn thành CPH còn khá nhiều, chưa kể 125 DN được phê duyệt bổ sung năm 2015.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN, nhất là CPH, thoái vốn nhà nước. Cụ thể, trong quý III-2015, hoàn thành phê duyệt phương án CPH 44 DN và ban hành quyết định công bố giá trị 127 DN; trong quý IV-2015, hoàn thành phê duyệt phương án CPH của 127 DN nêu trên.

Chính phủ, các bộ, ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn, nhất là tới đây Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, với việc tham gia và ký kết nhiều hiệp định quan trọng như TPP, FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN… Thực hiện quyền bình đẳng đối với tất cả DN, đồng thời giảm bớt những ưu ái, hậu thuẫn từ Nhà nước cho DNNN.

Ông Cấn Văn Lực,
chuyên gia kinh tế

Là một trong những TCT lớn của ngành giao thông vận tải, TCT Đường sắt Việt Nam có 24 công ty phải thực hiện xong CPH năm 2015; trong đó có 2 công ty vận tải, 2 công ty công nghiệp, 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt. Đến thời điểm hiện nay, TCT đã hoàn thành cơ bản việc thẩm định kết quả xác định giá trị DN 21/24 công ty.

Theo Chủ tịch HĐTV TCT Đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành, hiện đơn vị gặp khó trong việc xử lý chủ thể tài sản hình thành từ vốn vay ODA, về đất và các công trình kiến trúc trên đất (xưởng duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, đầu máy, toa xe), chuyển đổi nhóm tài sản thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt, giải quyết lao động dôi dư, xử lý tiền thuê đất nợ đọng. Lấy đơn cử khi thực hiện các hiệp định vay, nghị định thư tài chính, hiệp định tín dụng giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Đức và Áo, hiện TCT đang là chủ đầu tư và là chủ thể hợp đồng cho vay lại của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) để thực hiện các dự án đầu tư.

Trong khi đó, để CPH các đơn vị liên quan như các công ty vận tải, hạ tầng... TCT phải chuyển chủ thể hợp đồng và quyền sở hữu tài sản cho các DN CPH. "Vì cần có ý kiến chấp thuận của Chính phủ để bảo đảm tiến độ công tác xác định giá trị DN CPH, TCT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến đối với việc chuyển đổi chủ thể tài sản hình thành từ vốn vay ODA, phân bổ số nợ gốc còn lại tương ứng với các tài sản từ TCT sang các công ty vận tải đường sắt và công ty bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hiện đang quản lý, khai thác, sử dụng để định giá tài sản khi CPH. Từ đó các DN này có trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ các kỳ hạn còn lại của các dự án trực tiếp cho VDB" - ông Thành nói.

Mặc dù là một trong những TĐ đạt được tiến độ CPH nhanh, nhưng trong quá trình triển khai, TĐ Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết để triển khai các dự án trọng điểm, có quy mô vốn đầu tư lớn, TKV đã phải vay vốn đầu tư, nhất là vay vốn nước ngoài. Những năm đầu hoạt động, các dự án này thường không có hiệu quả, lỗ kế hoạch, phải trả lãi và gốc lớn nên không thể CPH được. Trong giai đoạn này, TKV vẫn phải tổ chức sản xuất với hình thức chi nhánh TĐ. Đến nay tình hình tài chính đã bớt khó khăn, có thể CPH được, nhưng lại vướng quy định của Nghị định 59 không được CPH bộ phận DNNN. Nếu chuyển các đơn vị này sang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV sau đó mới CPH, lại vướng quy định về thành lập công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước tại Nghị định 172/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Xử lý nghiêm trách nhiệm

Vướng mắc trong CPH tại các bộ, ngành, địa phương, DNNN là vậy, trong khi việc ban hành cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN thời gian qua chưa đạt tiến độ đề ra. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Trung ương, ông Lê Mạnh Hà cho biết hiện vẫn còn tới 7 dự thảo nghị định, quyết định và đề án (chiếm 63% kế hoạch) đã hết thời hạn nhưng các bộ chưa trình được để ban hành. Riêng Bộ Kế hoạch - Đầu tư còn tới 4 trong số 7 dự thảo, trong đó có dự thảo rất quan trọng là báo cáo rà soát các TĐ, TCT và ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Không chỉ thế, đến cuối tháng 5, nhiều vướng mắc khó khăn mới được tổng hợp, báo cáo, làm chậm thêm tiến độ xử lý của Chính phủ.

"Rõ ràng nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa tập trung ban hành cơ chế, chính sách theo đúng kế hoạch đã đề ra, cũng như chưa tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Đáng chú ý việc CPH, thoái vốn nhà nước, bán đấu giá cổ phần theo lô mới chỉ được áp dụng ở Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một số đơn vị thí điểm, mà chưa có quy định pháp lý cụ thể để áp dụng chung. Công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện ở nhiều đơn vị chưa sát sao và quyết liệt" - ông Lê Mạnh Hà thẳng thắn nhìn nhận.

Các cơ chế, chính sách ban hành đang phát huy tác dụng, đi đúng hướng, bảo toàn và phát huy giá trị đồng vốn của Nhà nước. Tuy nhiên, tiến độ CPH vẫn bị chậm. Nếu không quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, có khả năng không hoàn thành nhiệm vụ. Về khách quan thực tiễn ở mỗi DNNN rất đa dạng, cần phải xử lý rất cụ thể. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là trách nhiệm người đứng đầu cấp bộ, địa phương, DNNN chưa thực sự quan tâm, xắn tay vào tháo gỡ khó khăn.

Ông Vũ Văn Ninh,
Phó Thủ tướng Chính phủ

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo ngay trong tháng 7 này, các bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Nội vụ, Thông tin - Truyền thông trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 dự thảo nghị định, quyết định và báo cáo, như nghị định về công bố thông tin của công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN; báo cáo rà soát các TĐ, TCT theo Nghị định 69/2014/NĐ-CP... Nếu được ban hành sớm, các cơ chế, chính sách này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ CPH DNNN.

Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa đến hạn chót phải hoàn thành kế hoạch CPH DNNN giai đoạn 2014-2015. Có thể nói đây là nhiệm vụ nặng nề của các bộ, ngành, địa phương, DN, mà trực tiếp nhất là lãnh đạo các DNNN. Song theo Phó Thủ tướng, khó nhưng vẫn phải hoàn thành và chỉ có quyết tâm, tập trung cao độ mới có thể hoàn thành được chỉ tiêu này, thậm chí còn cần một kỷ luật thép. Chính vì vậy, một trong những giải pháp quyết liệt nhất tới đây là người đứng đầu các cơ quan, DNNN không hoàn thành kế hoạch CPH sẽ bị nêu tên đích danh và xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Cần giải pháp mang tính đột phá

Để đạt được mục tiêu của đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011-2015 cần có sự thay đổi về chất trong cách làm, xác định được vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan trong tiến trình CPH. Bên cạnh đó, để thúc đẩy quá trình CPH DNNN, phải xác định được vai trò của kinh tế nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. DNNN chỉ hoạt động trong lĩnh vực khu vực tư nhân không muốn làm. Điểm quan trọng nhất, CPH phải hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN nhằm góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy quá trình cải thiện năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Theo các chuyên gia, để hoàn thành đúng tiến độ tái cơ cấu DNNN, cần có những giải pháp mang tính đột phá. Thứ nhất, các DNNN phải cung cấp thông tin tài chính minh bạch, rõ ràng, công khai chuẩn mực tài chính kế toán cũng như báo cáo chính xác các khoản nhận hỗ trợ từ Chính phủ; sử dụng lợi nhuận bình quân của 10 năm trước khi CPH để tính lợi thế kinh doanh của DN; không định giá lại các khoản đầu tư tài chính khi thực hiện bàn giao vốn nhà nước sang CTCP... Đây sẽ là cơ sở để nhà đầu tư nghiên cứu, xem xét và mua cổ phần của DN.

Đến thời điểm hiện nay, TCT Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành cơ bản việc thẩm định kết quả xác định giá trị DN 21/24 công ty.

Đến thời điểm hiện nay, TCT Đường sắt Việt Nam  đã hoàn thành
cơ bản việc thẩm định kết quả xác định giá trị DN 21/24 công ty.

Thứ hai, minh bạch về lộ trình CPH, thoái vốn của các DNNN. Đây là cơ sở để người dân theo dõi và giám sát, cũng như nhà đầu tư chủ động lên kế hoạch tham gia mua lại các khoản vốn. Bên cạnh đó, các DNNN cũng cần xây dựng lộ trình niêm yết sau khi CPH, trong đó xác định rõ thời điểm đưa cổ phiếu ra đấu giá hoặc niêm yết.

Thứ ba, hài hòa giữa chính sách thúc đẩy nguồn cung và cầu cổ phiếu sau khi CPH. Thực tế các chính sách hiện tại mới tập trung vào mục tiêu tăng nhanh số lượng DN được CPH, qua đó trực tiếp tăng nguồn cung, trong khi thiếu các chính sách đủ mạnh tăng sức cầu cho thị trường để có thể hấp thụ tốt lượng cung cổ phiếu IPO tăng đột biến trong thời gian ngắn. Do đó, cần có cơ chế điều phối kế hoạch tổ chức đấu giá của DNNN CPH để tránh tình trạng quá nhiều cuộc đấu giá diễn ra cùng một thời điểm, khiến cung hàng hóa nhiều.

Các tin khác