Thị trường CNTT Nhật Bản

Lỡ cơ hội do thiếu nhân lực giỏi ngoại ngữ

(ĐTTC) - Thị trường công nghệ Nhật Bản đang mở rộng cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp đang đứng trước sức ép lớn cần tăng mạnh số lượng kỹ sư biết tiếng Nhật để có thể đáp ứng nhu cầu từ phía thị trường Nhật Bản.

(ĐTTC) - Thị trường công nghệ Nhật Bản đang mở rộng cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp đang đứng trước sức ép lớn cần tăng mạnh số lượng kỹ sư biết tiếng Nhật để có thể đáp ứng nhu cầu từ phía thị trường Nhật Bản.

 Các kĩ sư cầu nối của FPT sẵn sàng đón cơ hội từ Nhật Bản.

 Các kĩ sư cầu nối của FPT sẵn sàng đón cơ hội từ Nhật Bản.

Theo số liệu của Bộ Kinh tế và Công thương Nhật Bản, đến năm 2020 Nhật Bản thiếu khoảng 50.000 nhân lực CNTT. So với 5 năm trước, hiện nay, tỷ lệ công ty Nhật thiếu nghiêm trọng nguồn lực CNTT đã tăng từ 48% lên 83%, theo Sách trắng về Nhân lực CNTT 2014 của Cơ quan xúc tiến CNTT Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản đang có xu hướng dịch chuyển sang các nước có chi phí nhân công rẻ hơn và Việt Nam đang được chú ý với nguồn nhân lực dồi dào, chính trị ổn định và hệ thống thông tin truyền thông phát triển mạnh.

Trong khi đó, có đến 23,3% doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xếp hạng 2 thế giới trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường Nhật. Tuy nhiên, tiềm năng hợp tác giữa Nhật Bản với các doanh nghiệp Việt mới được khai thác ở mức khiêm tốn, trong đó có nguyên nhân từ việc thiếu hụt nguồn nhân lực CNTT thông thạo tiếng Nhật. Các công ty Việt Nam đang phải chật vật trong việc tìm nhân sự biết tiếng Nhật để có thể đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của đối tác.

 “Tìm được người có cả ngoại ngữ và năng lực chuyên môn CNTT là rất khó,” ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc CTCP Sao Việt - một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin như xây dựng hạ tầng thông tin, tích hợp hệ thống và cung cấp các giải pháp quản lý - tinh gọn sản xuất, chia sẻ. Ông Hải cho biết bên cạnh các đối tác trong nước, công ty này thường xuyên có dự án làm với đối tác nước ngoài như Đức, Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, tỷ trọng các dự án làm với doanh nghiệp Nhật Bản chiếm 40-50% trong tổng dự án công ty đang thực hiện.

Có một thực tế tồn tại ở Việt Nam là các kỹ sư CNTT của chúng ta biết tiếng Anh thì nhiều song tiếng Nhật còn hạn chế. Nhiều DN Việt đã phải từ chối những đơn hàng như giám sát website tiếng Nhật, hay quản lý ý kiến khách hàng trên các mạng xã hội Nhật Bản…vì không có nhân lực thông thạo tiếng Nhật. Một giám đốc công ty chuyên gia công xuất khẩu phần mềm sang Nhật từng chia sẻ, chỉ sau vài cuộc gặp gỡ với đối tác Nhật tại “Ngày CNTT Việt Nam tại Nhật Bản”, công ty đã có lượng đơn hàng đủ cho cả năm, không dám tìm thêm đơn hàng khác vì không lo đủ nhân lực triển khai.

Thiếu nhân lực CNTT biết tiếng Nhật khiến cho cuộc cạnh tranh thu hút nhân công loại này trở nên gay gắt. Tại ICT Summit 2015 vừa qua, chủ tịch Vinasa Trương Gia Bình đã thẳng thắn chia sẻ, "nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến gặp tôi nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam lấy mất người của họ, trong khi họ đã phải mất công đào tạo. Ngược lại, các doanh nghiệp Vinasa cũng đến gặp tôi than thở, Nhật Bản trả lương gấp đôi, gấp 3 thì doanh nghiệp Việt Nam mất nguồn lực".

Để tăng cường đội ngũ nhân lực CNTT biết tiếng Nhật, hiện nay, một số doanh nghiệp đã tự mình xây dựng nguồn cung nhân lực nhằm nắm lấy cơ hội ngày càng lớn từ đất nước mặt trời mọc. Một trong những chương trình đang thu hút sự quan tâm của xã hội và được chính phủ Việt Nam- Nhật Bản đánh giá cao là chương trình “10.000 Kỹ sư Cầu nối” của tập đoàn FPT.

Đây là một trong những chiến lược trọng điểm của FPT tại xứ sở hoa Anh đào. Mục tiêu của Chương trình là giúp FPT nói riêng và các công ty CNTT của Việt Nam nói chung có đủ khả năng tiếp nhận lượng công việc ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) từ Nhật Bản, đồng thời giúp các công ty Nhật Bản có thêm nguồn kỹ sư CNTT trẻ.

Trong đó, sẽ có khoảng 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật Bản và 5.000 học viên được đào tạo tại Việt Nam. Trong năm 2015, FPT Software dự kiến sẽ đưa khoảng 500 học viên sang đào tạo tại Nhật Bản. Hiện đã có 156 học viên chính thức nhập học tại Nhật. Ông Dương Dũng Triều, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Toàn cầu hóa của FPT cho biết tập đoàn này đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng từ thị trường Nhật trên 30% mỗi năm và chương trình “10.000 Kỹ sư Cầu nối” được xây dựng để đáp ứng mục tiêu đó. Năm 2020, FPT kỳ vọng thị trường Nhật Bản sẽ đem về doanh thu 600 triệu USD cho tập đoàn.

Ngoài các chương trình tự tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật của các doanh nghiệp, hiện một số địa phương cũng đang tích cực cải thiện hiện trạng thiếu hụt nhân lực phần mềm biết tiếng Nhật, nhằm đón đầu cơ hội từ dòng vốn đầu tư Nhật Bản.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đang lên kế hoạch mở rộng, phát triển việc đào tạo tiếng Nhật ở các bậc học phổ thông; hỗ trợ chế độ học tiếng Nhật cho sinh viên CNTT, nhằm gia tăng lực lượng kỹ sư CNTT biết tiếng Nhật để lôi kéo doanh nghiệp Nhật Bản đến Đà Nẵng. Hiện, Đà Nẵng cũng là một thị trường hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật Bản vì có lực lượng sinh viên chuyên ngành CNTT và ngành tiếng Nhật tương đối dồi dào, với 365 sinh viên đang theo học ngành tiếng Nhật và 7.000 sinh viên CNTT.

Tuy nhiên, những nỗ lực đào tạo nêu trên vẫn chưa thể cân đối cung - cầu về nhân lực CNTT biết tiếng Nhật. Rõ ràng, nếu không sớm khắc phục nhược điểm này, có thể trong một vài năm nữa, sự hấp dẫn của DN phần mềm Việt Nam trong mắt các đối tác Nhật Bản sẽ mất đi, nhiều đơn đặt hàng của Nhật Bản sẽ rơi vào tay đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Myanmar, Philippines…

Các tin khác