Làn sóng hội nhập thứ 2

Gần 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể coi là sự khởi đầu làn sóng hội nhập lần thứ nhất của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đang đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó đáng kể là Hiệp định TPP và FTA Việt Nam - EU (EVFTA), được kỳ vọng tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ 2 mạnh mẽ hơn.

Gần 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể coi là sự khởi đầu làn sóng hội nhập lần thứ nhất của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đang đàm phán một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó đáng kể là Hiệp định TPP và FTA Việt Nam - EU (EVFTA), được kỳ vọng tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ 2 mạnh mẽ hơn.

Những cam kết sâu rộng chưa từng có

Trong so sánh với các FTA Việt Nam đã ký kết và đang thực thi, các FTA thế hệ mới Việt Nam đang đàm phán có một số đặc điểm riêng. Thứ nhất, mức độ tự do hóa sâu hơn: Với tiêu chí FTA tiêu chuẩn cao, dù chưa kết thúc đàm phán, có thể chắc chắn rằng mức độ mở cửa của Việt Nam cũng như các đối tác trong các FTA này rất sâu (xóa bỏ phần lớn các dòng thuế, mở cửa mạnh các ngành dịch vụ…) và tất nhiên rộng hơn nhiều so với WTO cũng như các FTA trước đây của Việt Nam.

Thứ 2, phạm vi cam kết rộng: Trong khi các FTA trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thương mại hàng hóa, các FTA thế hệ mới sắp tới sẽ bao gồm những cam kết về nhiều lĩnh vực mới mà Việt Nam chưa từng cam kết/mở cửa trước đây, thí dụ: doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, lao động - công đoàn, môi trường…

Thứ 3, nhiều cam kết về thể chế: Khác với các FTA trước đây chủ yếu ảnh hưởng tới chính sách thuế quan tại biên giới, các FTA thế hệ mới sắp tới có nhiều các cam kết ảnh hưởng trực tiếp và lớn đến thể chế, chính sách pháp luật nội địa (những vấn đề sau đường biên giới). Thứ 4, đối tác FTA đặc biệt lớn: Trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đang đàm phán có những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Tiếp nối những gì WTO mang lại, việc thực hiện cam kết các FTA thế hệ mới sẽ là động lực cho một làn sóng cải cách về thể chế và hành chính mới, hiệu quả và có định hướng. Đặc biệt môi trường kinh doanh sau TPP là bàn đạp tốt để doanh nghiệp giải phóng sức sáng tạo trong kinh doanh, giúp Việt Nam sớm hình thành một đội ngũ doanh nhân mới.

Với những đặc điểm như vậy, các FTA thế hệ mới sẽ có tác động mạnh, toàn diện đến triển vọng phát triển thị trường của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như đến môi trường kinh doanh và hệ thống chính sách, pháp luật liên quan.

Theo đó, các FTA thế hệ mới với mục tiêu xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa giữa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ hay EU, sẽ là con đường không thể tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá khi tiếp cận thị trường các nước đối tác TPP.

Và khi các hàng rào bảo hộ bị dỡ bỏ, lợi thế tương đối và phân công lao động giữa các nền kinh tế sẽ có bước chuyển dịch. Việt Nam, với vị trí thuận lợi về địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động... sẽ có thể có lợi thế cao trong một số lĩnh vực: dệt may, giày dép, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng (dĩ nhiên là phải vươn tới các công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị chứ không phải chỉ dừng lại ở gia công, lắp ghép), nông nghiệp công nghệ cao (bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản), IT, du lịch, logistics...

Đầu tư trong và ngoài nước cho các lĩnh vực này sẽ tạo ra giá trị gia tăng và sức phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về những mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cần tâm thế chủ động, cạnh tranh sòng phẳng

Theo các dự báo lạc quan nhất, TPP sẽ được ký kết trong vài tháng tới và ít nhất cần khoảng 2 năm cho các thủ tục phê chuẩn để thực thi, có thể bắt đầu vào 2018. Tuy vậy, hành động của doanh nghiệp phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Thí dụ, để tận dụng những cơ hội thuế quan của các FTA, vấn đề không chỉ là tiếp cận các khách hàng, mở rộng/thay đổi thị trường để hướng vào các nước đối tác FTA nơi có ưu đãi thuế quan, mà còn phải tổ chức lại sản xuất, từ nguồn thu mua nguyên liệu cho đến phương thức sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn về xuất xứ để hưởng lợi ích thuế quan, bảo đảm các yêu cầu về chất lượng. Tương tự, sự chuẩn bị để tổ chức sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về lao động, về môi trường để cạnh tranh bình đẳng, không dựa vào quan hệ.

Đối với các doanh nghiệp, sự chuẩn bị về tinh thần, thái độ chủ động, sẵn sàng và dũng cảm cho một cuộc cạnh tranh sòng phẳng là điều quyết định cho hành trang trên con đường FTA thế hệ mới sắp tới và việc này phải được bắt đầu ngay, không thể chờ cho đến khi FTA có hiệu lực mới bắt đầu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất mong sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về các FTA, đặc biệt khi việc đàm phán hoàn tất và trong quá trình chuẩn bị trước khi thực thi. Thông tin cung cấp cần cụ thể, dễ hiểu và dễ dàng tiếp cận được đối với doanh nghiệp.

Hiện nay, Trung tâm WTO của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trở thành đầu mối thông tin, tư vấn lớn nhất và cập nhật nhanh nhất về hội nhập cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với nhu cầu của doanh nghiệp rất cần sự chung tay của các cơ quan chính phủ và hiệp hội doanh nghiệp.

Theo đó, các cơ quan nhà nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp trong quá trình đàm phán cũng như thực thi các FTA. Cần xây dựng một kênh tham vấn doanh nghiệp thường xuyên và hiệu quả hơn không chỉ cho đàm phán mà cho cả quá trình thực thi các cam kết thương mại.

Thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước là một thách thức và đòi hỏi cấp bách hiện nay để đáp ứng yêu cầu phát triển và thực thi các FTA mới. Việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cần được đẩy mạnh để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể tận dụng tốt các cơ hội của hội nhập.

Hơn nữa, để cạnh tranh được trong các FTA thế hệ mới, chúng ta không chỉ cần vươn tới chuẩn mực của ASEAN như Nghị quyết 19 yêu cầu, mà phải phấn đấu vươn tới chuẩn mực của các nước trong TPP, trong EVFTA. Bởi lẽ chúng ta đang là nền kinh tế kém phát triển nhất trong các nền kinh tế tham gia các hiệp định này.

Các tin khác