Hy Lạp được nâng bậc tín nhiệm

Đại gia đánh giá tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor's (S&P) hôm 21-7 tuyên bố nâng 2 bậc tín nhiệm của Hy Lạp lên CCC+, sau khi Athens bắt đầu hoàn trả hàng tỷ EUR cho chủ nợ và mở cửa lại các ngân hàng.

Đại gia đánh giá tín nhiệm toàn cầu Standard & Poor's (S&P) hôm 21-7 tuyên bố nâng 2 bậc tín nhiệm của Hy Lạp lên CCC+, sau khi Athens bắt đầu hoàn trả hàng tỷ EUR cho chủ nợ và mở cửa lại các ngân hàng.

Dù bậc tín nhiệm mới vẫn nằm trong vùng đánh giá “không thể đầu tư” (junk), nhưng việc được nâng liền 2 bậc từ CCC- lên CCC+ là một diễn biến đáng khích lệ đối với Hy Lạp. S&P cho biết kịch bản vỡ nợ của Hy Lạp không còn là “không thể tránh được”, nhờ đó khả năng Hy Lạp phải rời bỏ khu vực đồng EUR đã giảm bớt, dù vẫn còn cao.

Động thái của S&P đưa ra sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) xác nhận Hy Lạp không còn nằm trong “danh sách đen” những nước vỡ nợ sau khi Athens đã chi 2 tỷ EUR để trả nợ cho các khoản vay trước đó. Việc này được thực hiện sau khi Athens nhận được “phao cứu sinh” trị giá 7,16 tỷ EUR từ EU vào cuối tuần trước. Hy Lạp cũng đã trả 4,2 tỷ EUR cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 20-7. S&P cho biết dự báo triển vọng của Hy Lạp hiện đang ở mức “ổn định”, tức sẽ không có thay đổi sớm.

Ngày 13-7, Hy Lạp đã đạt gói ứng cứu thứ 3 với các đối tác Eurozone sau khi Athens đồng ý những biện pháp cải tổ khắc khổ mới để đổi lại chương trình ứng cứu 86 tỷ EUR, sẽ giải ngân trong 3 năm. Tuy nhiên, với những biện pháp khắc khổ mới, dự báo kinh tế Hy Lạp sẽ càng co cụm hơn. Khảo sát của hãng Bloomberg trên các nhà kinh tế đưa ra các dự báo bi quan.

Theo đó, GDP Hy Lạp dự báo sẽ giảm 0,7% trong năm nay, sau khi tăng 0,8% năm 2014. Nếu dự báo này đúng, kinh tế Hy Lạp giảm tới 7 năm trong vòng 8 năm qua. Cụ thể hơn, nền kinh tế trị giá 200 tỷ USD này đã bị nhỏ lại cỡ 1/4 kể từ năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp năm nay dự báo tăng 26,3%, tăng so với 25,9% trong dự báo trước của Bloomberg đưa ra vào tháng 4. Trong đó, hơn 50% thanh niên không có việc làm, phải sống phụ thuộc vào gia đình hoặc ra nước ngoài để tìm việc. Ước tính đã có lượng lớn chất xám Hy Lạp chảy ra khỏi đất nước kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu.

Câu “thần chú” của người Đức - chủ nợ lớn nhất - dành cho người Hy Lạp là “Không mất không được”, tức muốn kinh tế hồi phục phải chịu đau khổ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ câu thần chú này có hiệu quả thực tiễn hay không. Các nhà kinh tế dự báo thâm hụt ngân sách của Hy Lạp sẽ chạm giới hạn 3% GDP trong năm nay, tăng so với dự báo 1,9% đưa ra trước đó. Trong khi đó, thương mại dự báo sẽ bị thâm hụt 0,7% GDP, thay vì dự báo thặng dư 0,6% GDP đưa ra trước đó.

Người Hy Lạp trưng bản cầu Chúa cứu đất nước.

Người Hy Lạp trưng bản cầu Chúa cứu đất nước.

Đêm qua (22-7), quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu về gói cải tổ tài chính và tư pháp. Athens cần thông qua gói cải tổ này để đạt được gói ứng cứu 86 tỷ EUR. Những biện pháp cải tổ mang tính cơ bản hơn trước đây, như việc công dân có thể đẩy nhanh quá trình kiện tụng, hoặc việc triển khai hướng dẫn của EU về việc chống đỡ ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền ít hơn 100.000EUR.

Ngoài ra còn có các biện pháp gây tranh cãi, như việc bỏ dần quy định nghỉ hưu sớm và tăng thuế nông nghiệp - những biện pháp được áp dụng từ hồi tháng 8-2014. Các liên đoàn lao động ở Hy Lạp đã kêu gọi biểu tình phản đối trong khi quốc hội đang tổ chức bỏ phiếu.

Hôm 21-7, tờ Greek Reporter đưa một thông tin gây lo ngại: Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã hỏi vay Tổng thống Nga Vladimir Putin 10 tỷ USD để in đồng drachma (nội tệ của Hy Lạp trước khi tham gia Eurozone). Tờ báo dẫn lời ông Tsipras nói trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh quốc gia ERT: “Để một nước có thể in nội tệ riêng, nó cần dự trữ bằng một ngoại tệ mạnh”.

Các tin khác