E dè tiêu thụ xăng E5

Từ ngày 1-12-2014, xăng sinh học E5 được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 1-12-2015.

Từ ngày 1-12-2014, xăng sinh học E5 được sản xuất để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ ngày 1-12-2015.

Đưa xăng E5 thay thế dần cho các nhiên liệu truyền thống là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng quốc gia, giải quyết các vấn đề về môi trường và phát thải carbon ở nước ta. Thế nhưng, cho người dân làm quen 1 năm song đến nay vẫn rất ít người sử dụng.

Thực ra xăng sinh học E5 hiện đang bán trên thị trường là hỗn hợp gồm 5% cồn ethanol và 95% xăng thông thường. Việc sử dụng nhiên liệu này bên cạnh mang lại hiệu quả kinh tế, còn được xem như hành động thiết thực để bảo vệ môi trường. Song cho đến nay vẫn ít người dân biết thông tin về xăng sinh học và do băn khoăn về giá thành, chất lượng của xăng E5, nên có tâm lý e ngại khi sử dụng.

Theo Sở Công Thương TPHCM, lượng xăng sinh học tiêu thụ tại TP mới chỉ đạt 2,8% so với tổng mức tiêu thụ xăng dầu ở TP. Hiện toàn TP có 55 cửa hàng bán xăng E5, giảm 3 cửa hàng so với cuối năm 2014 - thời điểm TP phát động chương trình phân phối xăng sinh học E5.

Theo một số DN kinh doanh xăng sinh học, việc mở rộng số lượng cửa hàng bán xăng E5 tại các địa phương không mấy thuận lợi do người tiêu dùng vẫn chưa quen với việc sử dụng loại xăng này. Ở một số DN kinh doanh xăng E5 như Petrolimex, SFC, Saigon Petro, lượng xăng E5 tiêu thụ rất thấp, chỉ chiếm khoảng 2-4% so với lượng xăng Mogas 92 và 95.

Có một số nguyên nhân khiến xăng E5 tiêu thụ thấp. Thứ nhất, với một thị trường tiêu thụ rộng lớn như TPHCM, nơi có hơn 6 triệu xe gắn và 600.000 ô tô nhưng chỉ có 50-60 cửa hàng (trên tổng số khoảng 500 cửa hàng xăng dầu) rõ ràng là quá ít, rất bất tiện cho người dân khi tiếp cận đổ xăng. Thứ hai, giá xăng E5 chưa thật sự cạnh tranh với các loại xăng thông thường, chỉ thấp hơn khoảng 330 đồng/lít.

Thứ ba, chính quyền các địa phương thiếu sự quyết liệt trong việc chỉ đạo, khuyến khích các đơn vị cung cấp xăng dầu ra thị trường mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang bán xăng E5. Thứ tư, việc quảng bá, tiếp thị, tuyên truyền về ý nghĩa của việc sử dụng xăng E5 chưa được chú trọng. Chính vì vậy, người dân dường như mù thông tin hoặc có tâm lý e dè, hoài nghi về chất lượng sản phẩm…

Theo các chuyên gia, dù lộ trình vạch ra từ 1-12-2014 mới triển khai thí điểm và đến 1-12-2015 triển khai rộng rãi trên toàn quốc, nhưng thực ra từ năm 2010 xăng E5 đã có mặt ở thị trường. Phần lớn các DN kinh doanh mặt hàng xăng E5 đều cho rằng không có lãi, thậm chí lỗ nên buộc phải giảm mức chênh lệch giữa xăng E5 với các loại xăng thông thường.

Chính vì giảm mức chênh lệch nên người tiêu dùng không còn được hưởng lợi, không tiêu thụ nên chủ DN buộc phải ngừng bán xăng E5. Do đó, để khuyến khích kinh doanh mặt hàng xăng E5 nói riêng, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ DN về thuế, phí, vốn đầu tư trang thiết bị... mới có thể hy vọng loại xăng này phổ biến và thông dụng hơn.

Nhằm nâng tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 theo lộ trình đã được phê duyệt, mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo về việc đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương, và DN đầu mối về xăng dầu phải tích cực tham gia tuyên truyền, mở rộng mạng lưới kinh doanh xăng sinh học E5.

Đến cuối tháng 11-2015, các DN đầu mối xăng dầu sẽ phải đạt được tỷ lệ tối thiểu 50% số cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình có bán xăng sinh học E5 tại 7 tỉnh, thành nằm trong lộ trình phân phối nhiên liệu sinh học. Bộ Công Thương sẽ phải tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới phân phối xăng E5 của các DN đầu mối trên địa bàn.

Các tin khác