Dự án đầu tư công chê hàng nội

Nhiều DN sản xuất trong nước cho biết không thể chen chân vào các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nguyên nhân nhiều hồ sơ mời thầu đặt điều kiện ưu tiên hàng nhập ngoại ngay cả khi sản phẩm này trong nước sản xuất được.

Nhiều DN sản xuất trong nước cho biết không thể chen chân vào các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Nguyên nhân nhiều hồ sơ mời thầu đặt điều kiện ưu tiên hàng nhập ngoại ngay cả khi sản phẩm này trong nước sản xuất được.

Tâm lý sính ngoại

Ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc CTCP Sáng Ban Mai có nhà máy sản xuất máy phát điện tại Bình Dương, than phiền tâm lý sính ngoại tại các gói thầu của dự án sử dụng vốn ngân sách còn rất phổ biến. Có thể thấy khoảng 95% các gói thầu xây dựng vốn nhà nước có liên quan đến máy phát điện đều đặt điều kiện “sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ”, hoặc yêu cầu có xuất xứ từ các nước G7, thậm chí cho nhập từ Trung Quốc, cho dù xét về tiêu chuẩn chất lượng nhiều nhà sản xuất trong nước đều có thể đáp ứng.

Theo ông Trọng, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu từ cách đây 5 năm, thế nhưng các chủ đầu tư không tuân theo Chỉ thị này cũng chẳng sao, chưa thấy ai bị chế tài nên vẫn còn tâm lý sính ngoại.

Là DN sản xuất thang máy hàng đầu Việt Nam nhưng CTCP Thang máy Thiên Nam vẫn không thể chen chân vào các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách. Đến thời điểm này, Thiên Nam vẫn không cung cấp được một sản phẩm nào cho các công trình, dự án có nguồn vốn đầu tư công ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Hiện 90% khách hàng của DN này là các nhà đầu tư tư nhân, từ căn hộ gia đình cho đến các dự án chung cư cao 18-30 tầng.

Nguyên nhân được ông Trần Thọ Huy, Tổng giám đốc Thiên Nam chia sẻ là ngay khi ra thông báo đấu thầu, chủ đầu tư các dự án này đã đưa ra quy định, chỉ sử dụng thang máy nhập khẩu từ các nước G7 hoặc ASEAN. Song theo tìm hiểu của DN này, một số sản phẩm được tham gia đấu thầu chỉ gắn mác của các nước G7 như Fuji, Nippon… nhưng sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan… không phải từ công ty mẹ tại Nhật Bản. Những công ty sở hữu thương hiệu này cũng đã trúng thầu tại Việt Nam nhờ gắn mác G7 nhưng sản xuất tại các nước ASEAN.

“Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trừ một số rất ít gói thầu chấp nhận thang máy sản xuất trong nước, còn lại đa phần đều yêu cầu thang máy phải được nhập khẩu từ các nước G7 hoặc ASEAN, hoặc phải có thương hiệu G7. Việc quy định như trên là vi phạm Luật Đấu thầu, bởi luật này quy định không được nêu xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, những vi phạm trên không hề được xử lý trong nhiều năm qua" - ông Huy bức xúc.

Sẽ tháo gỡ

Có thể thấy DN đã bị ép ngay từ đầu khi tham gia các công trình có vốn từ ngân sách. Đại diện của nhiều DN nhìn nhận nếu tình trạng trên không sớm được khắc phục sẽ làm nản lòng các nhà sản xuất trong nước, gây lãng phí tiền nhà nước, kéo theo sản xuất công nghiệp trong nước không phát triển, phụ thuộc vào nước ngoài ở những sản phẩm, lĩnh vực Việt Nam có thể làm chủ được. Trên thực tế, Việt Nam từng nhận nhiều trái đắng từ việc nhập công nghệ cũ, lạc hậu của Trung Quốc trong các ngành, lĩnh vực xi măng lò đứng, nhiệt điện, sản xuất đường...

PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, từng nhận xét: "Rất nhiều nước, trong đó có Việt Nam, mua công nghệ thấp, lạc hậu của Trung Quốc vì ham rẻ, vì nó phù hợp với khả năng tài chính, trình độ của người lao động. Tuy nhiên, đó chỉ là cái lợi trước mắt còn về lâu dài rất nguy hiểm bởi nó tác động đến quá trình hiện đại hóa của nền công nghiệp. Việt Nam từng nhập rất nhiều dây chuyền xi măng lò đứng của Trung Quốc vì công nghệ thấp, giá thành rẻ, kỹ thuật lao động giản đơn. Nhưng một thời gian sau, công nghệ này đã cho thấy sự lạc hậu, sử dụng nhiều lao động, tiêu hao nhiều nhiên liệu, chất lượng sản phẩm thấp. Việt Nam buộc phải loại bỏ công nghệ này và chuyển sang công nghệ hiện đại hơn”.

Nhiều DN từng nhận trái đắng từ nhập máy móc cũ, lạc hậu của Trung Quốc.

Nhiều DN từng nhận trái đắng từ nhập máy móc cũ, lạc hậu của Trung Quốc.

Trước những bức xúc của DN, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương, thừa nhận có những sản phẩm trong nước sản xuất được nhưng khi chủ đầu tư tổ chức đấu thầu rộng rãi, trong hồ sơ mời thầu lại yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước phát triển như G7, xuất xứ từ Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan hoặc sản phẩm phải nhập khẩu đồng bộ, nguyên chiếc, đã vô tình cản trở sự tham gia của các nhà sản xuất trong nước.

"Dù các gói thầu này không tổ chức đấu thầu quốc tế nhưng lại đưa ra các yêu cầu gây cản trở đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế sự tham gia của nhà sản xuất và cung ứng trong nước. Nghịch lý này chưa được quy định rõ trong Chỉ thị 494/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị trong nước sản xuất được" - ông Thắng nói.

Để giải tỏa khó khăn của DN, phía Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư với vai trò là cơ quan ban hành các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực đấu thầu sớm nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ sửa Chỉ thị 494 theo hướng các gói thầu mua sắm hàng hóa áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, trong hồ sơ mời thầu không được quy định cụ thể về xuất xứ hàng hóa, không được đưa yêu cầu hàng hóa phải nhập khẩu đồng bộ nhằm tránh hạn chế sự tham gia của các nhà thầu là các nhà sản xuất trong nước, giúp thúc đẩy sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, phía DN cũng cần nhận thức rằng mình là nhân tố cốt lõi trong việc phát huy hiệu quả của Chỉ thị 494, từ đó không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, giá cả cạnh tranh.

Các tin khác