Thực thi 10 FTA: Cuộc cạnh tranh ba cấp độ

Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết và thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do (FTA), gần đây nhất là ký FTA với Hàn Quốc (VKFTA) và FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Những hiệp định đa phương thế hệ mới Việt Nam đang đàm phán, đặc biệt Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU (VEFTA) hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội thành công nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.

Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết và thực hiện 10 hiệp định thương mại tự do (FTA), gần đây nhất là ký FTA với Hàn Quốc (VKFTA) và FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu. Những hiệp định đa phương thế hệ mới Việt Nam đang đàm phán, đặc biệt Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU (VEFTA) hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội thành công nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức.

Nhiều cơ hội mở ra

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chưa bao giờ Việt Nam mở cửa hội nhập quyết liệt như hiện nay. Việc mở cửa thông qua việc tự do hóa, các hàng rào, rào cản thuế quan và phi thuế quan dần hạ xuống bằng 0%.

Chẳng hạn Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 2015-2019, đã mở ra cơ hội với đối tác Nhật Bản không chỉ là thương mại mà cả đầu tư, nối kết từ thị trường đầu vào.

Còn theo ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), trong số 8 FTA đang thực hiện (FTA với Hàn Quốc và Liên minh Kinh tế Á-Âu chưa thực hiện) có những FTA ASEAN với Hàn Quốc, Trung Quốc đi vào giai đoạn cắt giảm thuế quan cuối cùng và sâu nhất là giai đoạn 2015-2018 khi lộ trình cắt giảm thuế 10 năm kết thúc. Trong khi một số đối tác như Australia, New Zealand, hàng rào thuế quan đã giảm nhưng Việt Nam vẫn đang trong lộ trình giảm. Như vậy, các mặt hàng Việt Nam sẽ có lợi thế hơn khi thuế về 0%.

Khi Việt Nam đi vào thực hiện các FTA thế hệ mới, số lượng các tranh chấp sẽ ngày càng tăng với tính chất ngày càng phức tạp. Do vậy, cần chú trọng hơn nữa công tác phát triển nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ pháp lý và luật sư để có thể xử lý tốt các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các hiệp định này.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc,
Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Với VKFTA vừa ký kết, dòng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng lên. Còn về xuất khẩu sang Hàn Quốc, trong cam kết, Việt Nam đã đàm phán tương đối thành công với nông sản, thủy sản, nấm... để có hàng rào thuế quan tốt khi nước này hầu như không mở cửa với nước khác.

Còn các mặt hàng Việt Nam mở cửa cho Hàn Quốc như phụ tùng ô tô, máy móc... trên thực tế đã mở. Có thể thấy, lợi ích cho xuất khẩu nông sản rất lớn, nhưng doanh nghiệp muốn tận dụng được phải tìm hiểu thêm về các cam kết của Hàn Quốc. Bởi lẽ các nước phát triển đều có rào cản kỹ thuật và phải có biện pháp vượt qua mới biến cơ hội thành lợi ích.

Theo nhiều chuyên gia, với các cam kết sâu rộng hơn ở các FTA thế hệ mới, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút đầu tư vào những ngành công nghệ cao, đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ, tham gia chuỗi giá trị khu vực.

Cụ thể, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng các FTA sẽ tăng cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển các sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng; đầu tư gia tăng, sản xuất tăng trưởng; phát triển lao động; cải cách thể chế, môi trường kinh doanh.

Chẳng hạn, với FTA Việt Nam - Hàn Quốc (ký tháng 5-2015), dù còn mặt hàng tôm vẫn chịu hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn nhưng trong 5 năm sẽ tăng lên 15.000 tấn, trong khi với FTA ASEAN-Hàn Quốc, hạn ngạch chỉ 5.000 tấn cho cả 10 nước ASEAN. Dù chưa phải như mong đợi, nhưng xuất khẩu tôm (mặt hàng chủ lực) của Việt Nam sang Hàn Quốc đã có lợi thế hơn so với đối thủ cạnh tranh trong ASEAN (Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.

Không chỉ màu hồng

Nhiều cơ hội cho Việt Nam khi các cánh cửa hội nhập rộng mở, nhưng điều đó không có nghĩa bức tranh chỉ toàn màu hồng. Thách thức lớn nhất doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt là các rào cản trá hình mới như: những vụ kiện phòng vệ thương mại, các hàng rào TBT (rào cản kỹ thuật), SPS (biện pháp kiểm dịch). Đơn cử như hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với 86 vụ kiện phòng vệ thương mại tại nước ngoài từ trước đến nay.

Thí dụ với Nga, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, giai đoạn 2005-2014, nước này đã khởi xướng 38 vụ kiện chống bán phá giá (trung bình gần 4 vụ/năm). Bà Trang cũng cảnh báo phía Nga có thể sẽ sử dụng nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại với đối tác lần đầu tiên ký FTA là Việt Nam. "Họ chưa có FTA mà đã có 38 vụ kiện. Do đó với chúng ta, đó là nguy cơ cực lớn" - bà Trang nói về thách thức khi doanh nghiệp Việt Nam tham gia FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Nếu FTA Việt Nam - Hàn Quốc là bước đệm quan trọng để Việt Nam chuyển sang FTA thế hệ mới, thì FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu là một bước ngoặt. Nga và 4 nước khác trong liên minh là nền kinh tế rộng lớn và có sự bổ sung với Việt Nam. Liên minh này chưa có FTA nào nên chưa dành thương mại tự do cho đối tác khác. Do đó, nếu tận dụng tốt, lợi ích mang lại từ FTA này sẽ rất lớn.

Nguyễn Thị Thu Trang,
Giám đốc Trung tâm WTO

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), phân tích thêm về những thách thức khác doanh nghiệp phải đối mặt là khả năng đáp ứng điều kiện của các FTA, đặc biệt là xuất xứ; khả năng tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu; chi phí sản xuất sẽ tăng cao trong các năm tới; thị trường nội địa phải mở cửa cho nhập khẩu.

Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước đang có không ít điểm yếu. Đó là thiếu vốn, công nghệ, nhân lực cấp trung cao; không chủ động trong ngành công nghệ phụ trợ; khả năng quản trị doanh nghiệp, tăng năng suất lao động và khả năng phát triển sản phẩm còn hạn chế.

Ông Đỗ Văn Dũng, Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, chia sẻ: "Việc bán hàng thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu tôm đông lạnh sang Nhật Bản rất khó khăn, vì luật của họ chặt chẽ nên không chỉ đơn thuần là giảm thuế. Muốn xuất khẩu mặt hàng nào qua Nhật Bản phải chứng minh xuất xứ từng loại nguyên liệu và thời gian gia công, lương công nhân, độ tuổi công nhân trên 18 tuổi...

Nhiều quy định là của thế giới nhưng do Việt Nam mới hội nhập kinh tế, nên nhiều khi không hiểu được cái mới là thế nào. Không những vậy, doanh nghiệp phải hiểu từng chi tiết kỹ thuật, chất lượng, quy định, luật pháp của nước sở tại mới làm đủ thủ tục và thông qua được cửa ải đó, dù có thuế hay không có thuế. Nhật Bản là nước sử dụng hàng rào thủ tục cực kỳ giỏi. Chẳng hạn, dù có quan hệ hàng trăm năm, đã ký hiệp định với Nhật Bản nhưng nông sản, thịt bò của Hoa Kỳ vào nước này không dễ".

Cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm

Ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, cho rằng việc Việt Nam đã chính thức tham gia, ký kết và thực hiện 10 FTA là dấu ấn quan trọng trên con đường hội nhập ngày càng sâu hơn với kinh tế thế giới. Những hiệp định FTA đa phương Việt Nam đang đàm phán với các nước là những FTA thế hệ mới điển hình, với những cam kết sâu rộng hơn và lộ trình tự do hóa nhanh hơn những nội dung Việt Nam đã cam kết trong WTO.

Vì thế, thách thức các FTA mang lại thể hiện ở năng lực cạnh tranh cả 3 cấp độ: cấp quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Ở cấp độ quốc gia nổi lên vấn đề hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, đáp ứng các yêu cầu cao của hội nhập quốc tế nói chung, đặc biệt là tham gia TPP - một FTA của thế kỷ 21; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng mềm như tri thức, nguồn nhân lực của Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Ở cấp độ doanh nghiệp, đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp chưa nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, nếu không tích cực điều chỉnh và thích nghi kịp thời sẽ dễ bị đào thải khỏi thị trường. Ở cấp độ sản phẩm, khả năng cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam còn thấp, giá cả, phẩm chất và kiểu cách, mẫu mã. Ngoài ra, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức khác như hệ thống pháp lý, chế tài, thực thi pháp luật; nền tài chính ngân hàng; mở cửa thị trường mua sắm công; đảm bảo an sinh xã hội.

Những thách thức trên đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam muốn hội nhập sâu phải làm ăn bài bản hơn. Tuy nhiên, theo ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là nhỏ và vừa, ít quan tâm đến ưu đãi hội nhập.

Thí dụ, có trường hợp thuế suất 0% nhưng không cung cấp giấy chứng nhận ưu đãi xuất xứ để hưởng ưu nên không được hưởng thuế suất thấp. Do đó, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin, đặc biệt bối cảnh hội nhập nhanh luôn có sự thay đổi, như với Nhật Bản có FTA ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam-Nhật Bản. Hay sắp tới là TPP, doanh nghiệp cần phải xem hiệp định nào mang lại lợi thế nhất cho mình để vận dụng. Như với TPP, 95% dòng thuế sẽ xuống 0% ngay khi có hiệu lực, trong khi các hiệp định khác có lộ trình.

Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dù tinh xảo nhưng phải đáp ứng tiêu chí khắt khe khi hội nhập.

Hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dù tinh xảo nhưng phải đáp ứng tiêu chí khắt khe
khi hội nhập.

Thực tế, khi tham gia WTO, nhiều chuyên gia đã cảnh báo đừng vui quá mà phải chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng hầu như các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã bỏ qua lời khuyên này. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác, đã qua thời kỳ làm ăn chụp giật, nếu không nghiên cứu kỹ, thua thiệt là điều khó tránh khỏi. Vì thế, theo các chuyên gia, cái khó của doanh nghiệp hiện nay là chưa định rõ năng lực của mình để phù hợp với yêu cầu và nhu cầu của nước ngoài.

"Ta làm gì để phù hợp với khách hàng, chứ cái gì cũng chào bán sẽ rất mệt mỏi" - ông Đỗ Văn Dũng nói. Do đó, hội nhập nhà nước và cơ quan xúc tiến chỉ một phần, chủ yếu doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu.

Các tin khác