Chờ chính sách phù hợp

Trong mục Chủ điểm - Sự kiện số báo ra ngày 20-7, ĐTTC đăng bài “Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành điện tử - Loay hoay tìm nhà cung ứng”. Trong số báo này để làm rõ hơn vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN ĐẠO, Chủ tịch HĐTV Công ty Quang Lượng tử Việt Mỹ chuyên sản xuất tấm wafer xuất khẩu sang lãnh thổ Đài Loan.

Trong mục Chủ điểm - Sự kiện số báo ra ngày 20-7, ĐTTC đăng bài “Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành điện tử - Loay hoay tìm nhà cung ứng”. Trong số báo này để làm rõ hơn vấn đề này, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN VĂN ĐẠO, Chủ tịch HĐTV Công ty Quang Lượng tử Việt Mỹ chuyên sản xuất tấm wafer xuất khẩu sang lãnh thổ Đài Loan.

PHÓNG VIÊN: - Việc DN Việt Nam tìm cơ hội hợp tác với Samsung đang là đề tài nóng. Là DN tham gia ngành công nghiệp vi mạch điện tử, ông sẽ nỗ lực để trở thành một nhà cung ứng cho Samsung?

Ông NGUYỄN VĂN ĐẠO: - Trước hết phải nhìn nhận sản phẩm chúng tôi đang làm chỉ là công đoạn đầu, một phần nhỏ trong quá trình hoàn thiện con chip. Trong khi Samsung đòi hỏi nhà cung ứng phải có sản phẩm tương đối hoàn thiện.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang bám vào những yêu cầu của họ để có thể trở thành một trong những nhà cung ứng cho Samsung. Tất nhiên điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Điều đầu tiên chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là các nhà đầu tư nước ngoài luôn ưu tiên cho DN chân rết của nước họ. Vì lẽ đó chúng tôi đang tìm kiếm đối tác Hàn Quốc để có thể liên doanh, cơ hội hợp tác với Samsung sẽ lớn hơn. Các tập đoàn lớn như Samsung thường có những chuỗi cung ứng, nếu DN Việt Nam muốn chen chân vào phải có những đối tác ngoại đứng ra đảm bảo chất lượng, từ đó mới có thể tiến sâu hơn.

Thí dụ, sản phẩm của chúng tôi để có thể xuất khẩu sang lãnh thổ Đài Loan cũng phải nhờ một chuyên gia người nước ngoài giới thiệu và cam kết chất lượng với phía đối tác. Bởi lẽ chẳng DN nào, đặc biệt là DN nước ngoài dám đặt cược chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu cho một DN còn quá mới mẻ.

Đó là chưa kể chúng ta gần như không có điểm mạnh nào để cạnh tranh. Như công ty tôi nguyên liệu gần như phải nhập khẩu 100%, máy móc thiết bị nhập khẩu, nhưng do quá thiếu vốn, nhân lực nên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

- Vậy ông đã tiếp cận nguồn vốn kích cầu của TPHCM chưa?

- Chúng tôi cũng biết đến nguồn vốn này nhưng hiện nay dù có sự đồng hành của hiệp hội vẫn chưa tiếp cận được. Mới đây Sở Công Thương TPHCM có hứa sẽ giúp đỡ đưa trường hợp của công ty tôi lên trình UBND TP, hy vọng sẽ sớm có kết quả.

Tuy nhiên có điểm rất đáng chú ý đó là mức tối đa của nguồn vốn vay này là 100 tỷ đồng. Nhưng số tiền này đối với ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn thực tế rất nhỏ. Thông thường đầu tư một loại máy móc cũng phải vài triệu USD, trong khi chỉ sản xuất một phần như công ty chúng tôi cũng phải đầu tư cả chục loại máy móc. Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách để đồng hành cùng DN.

Trong lĩnh vực này hầu hết quốc gia trên thế giới, mà gần nhất là Trung Quốc và Ấn Độ đã có sự chung tay rất lớn của nhà nước. Một mình DN không thể bơi được. Ngay như chúng tôi giờ đang cảm thấy mình đang đi thuyền thúng ra biển lớn, trong khi các nước khác đi bằng hạm đội.

- Mới đây Ban Quản lý khu công nghiệp TPHCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Xây dựng và phát triển khu Saigon Silicon city”. Theo ông, khi dự án này hoàn thiện sẽ hỗ trợ như thế nào cho ngành CNHT Việt Nam?

- Dự án Saigon Silicon city ban đầu thu hút được 24 DN người Việt Nam ở nước ngoài và nếu họ đầu tư thực sự rất có lợi cho ngành CNHT của Việt Nam, vì họ đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm ở nước ngoài. Song điều tôi lo ngại là họ sẽ không cạnh tranh được với nhà cung ứng cũ của các tập đoàn lớn. Vì sao như vậy? Vì khi về Việt Nam hầu hết mọi thứ đều phải nhập khẩu, từ máy móc nguyên liệu… nên giá thành khó để cạnh tranh. Trong khi chính sách của chúng ta dành cho họ dường như chưa đủ.

Có thể thấy “lúa thóc đến đâu bồ câu đến đó”, nếu chính sách tốt chẳng cần kêu gọi, DN cũng sẽ nhảy vào làm. Việc đầu tư cho ngành này cần phải nhìn nhận đến yếu tố đường dài. Công nghiệp vi mạch là ngành có doanh thu rất lớn, nhưng để có được doanh thu ấy nhất định phải có những đầu tư từ ban đầu.

- Theo ông, làm thế nào để phát triển CNHT cho ngành điện tử tại Việt Nam?

- Tôi xin khẳng định lại lần nữa là chúng ta phải có những chính sách thích hợp. Hiện nay các chính sách của chúng ta về lĩnh vực này còn mông lung, chưa xác định rõ cái gì cần làm trước, cái gì cần làm sau. Con đường phát triển CNHT cho ngành điện tử rất chông gai và đầy rẫy khó khăn, nhưng nếu chúng ta không làm sẽ không bao giờ làm được.

Phải làm sao để các cấp, ngành hiểu được tầm quan trọng của ngành công nghiệp này. Khi đó chúng ta mới có thể đổ những nguồn vốn lớn vào đầu tư. Đây là ngành công nghiệp nhà giàu, vì thế muốn phát triển phải có Nhà nước đứng sau lưng.

Khi bước chân vào lĩnh vực này bản thân tôi cũng không nghĩ nhiều khó khăn như vậy, nhiều khi cũng muốn bỏ cuộc nhưng lại nghĩ nếu không tập bò không thể đi, chạy. Chúng tôi làm tới đâu gỡ tới đó. Tôi rất mong sẽ có nhiều DN Việt Nam tham gia trong mảng này vì khi có nhiều DN, chúng ta mới mong cạnh tranh, mới có thể phát triển ngành CNHT.

Và khi đó các tập đoàn lớn mới đổ thêm tiền đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta nên đặc biệt chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực, bởi hiện nay mảng này rất yếu. Thí dụ, những sinh viên ra trường gần như chúng tôi phải đào tạo lại hết. Chúng tôi sẽ thuê các chuyên gia nước ngoài về đào tạo, sau đó lứa trước sẽ truyền kinh nghiệm, kỹ thuật cho lứa sau.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác