CNHT điện tử: Loay hoay tìm nhà cung ứng

Là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam, Samsung Electronics luôn nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam phát triển nền công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nội địa. Thế nhưng đến nay, mỗi năm Samsung chi cả chục tỷ USD để mua linh, phụ kiện phục vụ cho chuỗi sản xuất toàn cầu. Bởi lẽ, cho đến nay không có nhiều nhà cung ứng được Samsung lựa chọn trong số 254 doanh nghiệp (DN) nội địa đến tìm kiếm cơ hội hợp tác với Samsung.

Là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam, Samsung Electronics luôn nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam phát triển nền công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nội địa. Thế nhưng đến nay, mỗi năm Samsung chi cả chục tỷ USD để mua linh, phụ kiện phục vụ cho chuỗi sản xuất toàn cầu. Bởi lẽ, cho đến nay không có nhiều nhà cung ứng được Samsung lựa chọn trong số 254 doanh nghiệp (DN) nội địa đến tìm kiếm cơ hội hợp tác với Samsung.

Cơ hội lớn, tham gia không nhiều

Đại diện Tập đoàn Samsung cho biết, tại Hội thảo “Kết nối nhà sản xuất linh kiện nội địa” lần đầu tiên được Samsung tổ chức vào tháng 9-2014 có 207 nhà sản xuất trong nước tham gia tìm kiếm cơ hội hợp tác với Samsung trong lĩnh vực CNHT. Năm 2015 số lượng nhà sản xuất CNHT trong nước đến tìm kiếm cơ hội hợp tác với Samsung đã tăng lên 254 DN.

Tuy nhiên, số DN nội địa trong nước tham gia chuỗi sản xuất của Samsung chỉ dừng lại ở 41 DN chuẩn bị tham gia cung cấp linh, phụ kiện sản xuất điện thoại, máy tính bảng, thiết bị điện tử cho Samsung. Trong đó có 4 DN cung ứng linh, phụ kiện cấp I, 28 DN cung ứng linh, phụ kiện cấp II và 9 DN tiềm năng có thể trở thành đối tác của Samsung.

Trong số 9 đối tác tiềm năng, thời gian tới Samsung đang xem xét lựa chọn 2 nhà cung cấp linh phụ kiện. Trong khi theo số liệu của Samsung, doanh thu của các nhà cung ứng nội địa cấp I và cấp II cho tập đoàn này năm 2014 đạt 34 triệu USD, năm 2015 dự kiến sẽ đạt 45 triệu USD (tăng 30%). Tuy nhiên, con số này chẳng thấm tháp gì so với doanh thu dự kiến đạt tới 26,3 tỷ USD trong năm nay của Samsung Electronics.

Chính phủ Việt Nam đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách cho CNHT, nhưng qua thực tế triển khai, cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh để giúp DN nội sản xuất sản phẩm CNHT đáp ứng yêu cầu đề ra. Hiện nay Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về phát triển CNHT với những cơ chế, chính sách toàn diện, khả thi và phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam.

Ông Vũ Huy Hoàng,
Bộ trưởng Bộ Công Thương

Năm 2013, Samsung đã chi 19,8 tỷ USD để mua linh, phụ kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất, lắp ráp sản phẩm trên toàn cầu. Còn tiềm năng cung ứng sản phẩm CNHT cho các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, Intel, Microsoft… được nhận định rất lớn. Nhưng việc DN nội địa tham gia cung ứng các sản phẩm, linh kiện cho các đối tác này thực sự không nhiều.

Tại triển lãm, hội thảo tìm kiếm đối tác sản xuất linh, phụ kiện trong nước vừa diễn ra ở Hà Nội, Samsung mang đến 14 loại sản phẩm và hơn 100 loại linh, phụ kiện như sạc pin, tai nghe, pin, hộp đóng gói sản phẩm, băng keo… để tìm kiếm các đối tác cung ứng trong nước. Và công bố để trở thành nhà cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung các DN phụ trợ trong nước phải đáp ứng đủ 6 tiêu chí: công nghệ hiện đại, chất lượng cao, trách nhiệm trong giao hàng, giá cả hợp lý, sản phẩm thân thiện với môi trường, hoàn thành nghĩa vụ tài chính và tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất.

Trong đó, Samsung đặc biệt coi trọng 2 tiêu chí sản phẩm thân thiện với môi trường và sự tuân thủ pháp luật trong sản xuất của các nhà cung ứng. Song vẫn không nhiều DN nội địa đáp ứng đủ các tiêu chí này.

Ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Complex, cho biết Samsung là tập đoàn điện tử bán sản phẩm trên toàn thế giới nên đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng. Vì thế cơ hội cho các DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của Samsung rất lớn. Có 3 yếu tố quyết định việc DN Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu của Samsung: ý chí quyết tâm của các DN, sự hỗ trợ của Chính phủ và sự hợp tác giữa các DN toàn cầu của Samsung.

Cần sự hỗ trợ cho CNHT

Giữa tuần qua, Sở Công Thương TPHCM cũng đã tổ chức buổi lấy ý kiến của các hiệp hội và DN xung quanh đề án phát triển CNHT ngành điện tử - công nghệ thông tin TPHCM giai đoạn 2015-2020. Theo đó, nhóm nghiên cứu đề án đã chỉ ra thực trạng chung về CNHT phục vụ cho ngành điện tử - công nghệ thông tin trên địa bàn TPHCM hiện nay hầu như chưa phát triển.

Cụ thể, về trình độ công nghệ, các DN trên địa bàn TPHCM không có máy móc thiết bị để đo lường độ chính xác của các linh kiện siêu nhỏ. Về chất lượng, các sản phẩm hỗ trợ không đáp ứng được yêu cầu của các DN FDI về vật liệu inox 304, gia công tinh xảo, chống tĩnh điện… Về số lượng sản phẩm, các DN TPHCM không đáp ứng được yêu cầu của các DN FDI về số lượng sản phẩm ít, vòng đời sản phẩm dài, đặt hàng dựa trên dây chuyền sản xuất theo kế hoạch…

Đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ đạt mức 70 tỷ USD vào năm 2020 và việc tìm kiếm các nhà cung ứng Việt Nam luôn nằm trong kế hoạch của các công ty Hàn Quốc nhằm hướng đến sự cạnh tranh quốc tế thông qua nội địa hóa sản phẩm.

Ông Jun Dae Joo,
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Vi mạch bán dẫn TPHCM, cho biết sau nhiều nỗ lực đàm phán, Samsung đã phải chấp nhận cam kết tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 35%. Đây có thể xem là đòn bẩy phát triển ngành CNHT, nhưng vấn đề là DN có nhanh chóng tận dụng cơ hội này?

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cũng đồng tình với nhận định này và cho rằng cần có động thái cụ thể để có thể tận dụng được cơ hội. Ông Tuấn có nhắc đến một dự án Saigon Silicon City và cho rằng đây chính là cơ hội rút ngắn khoảng cách công nghệ cho Việt Nam. Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Xây dựng và phát triển khu Saigon Silicon City” của CTCP Công viên Sài Gòn Silicon.

Dự án đã thu hút được sự quan tâm của 24 DN là người Việt Nam ở nước ngoài cũng như một số tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, CNHT công nghệ cao muốn đầu tư sản xuất tại đây. Dự án này được kỳ vọng góp phần vào việc phát triển CNHT, nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghệ cao của các tập đoàn công nghệ bán dẫn và điện tử đã đến Việt Nam. Tất nhiên, để có thể tận dụng cơ hội lớn vẫn còn nhiều nút thắt phải tháo gỡ.

Với hơn 100.000 nhân viên trực tiếp làm việc tại nhà máy SEV (Bắc Ninh), SEVT (Thái Nguyên) và Trung tâm nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội, Samsung đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Các cơ sở sản xuất điện thoại của Samsung ở Việt Nam cũng lớn nhất trong chuỗi sản xuất của tập đoàn này trên toàn thế giới. Hiện tại, hệ thống các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Samsung tại Việt Nam khoảng 80 DN tại 9 quốc gia có mặt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, số lượng DN Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng này còn thấp, chiếm chưa đến 10% tổng số các nhà cung ứng của Samsung. Các DN Việt Nam chỉ mới tham gia vào những công đoạn có giá trị gia tăng thấp do năng lực sản xuất trong lĩnh vực CNHT còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn muốn trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện cho Samsung, DN cung cấp linh kiện phải nằm trong chuỗi cung ứng, nếu không phải qua nhiều khâu, nhiều bước và phụ thuộc vào các tổng thầu của Samsung từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cụ thể, Samsung đưa ra danh mục với hàng trăm sản phẩm linh, phụ kiện để hợp tác với các nhà cung ứng, nhưng khi đầu tư vào Việt Nam các DN nội không đáp ứng buộc Samsung kéo theo các vệ tinh hoặc sử dụng sản phẩm đã có trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn. Vì vậy, có những sản phẩm DN nội địa hoàn toàn có thể cung ứng nhưng vẫn không được Samsung lựa chọn vì không nằm trong chuỗi cung ứng.

Kỳ vọng Nghị định CNHT

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định về phát triển CNHT với các nội dung xây dựng chính sách ưu đãi phát triển cụm CNHT, chương trình quốc gia về phát triển CNHT; chính sách nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho CNHT; xây dựng chương trình quốc gia phát triển CNHT; kết nối các tập đoàn lắp ráp đa quốc gia và các nhà cung ứng lớp trên FDI nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm; cơ chế ưu đãi cho các DNNVV về cơ sở hạ tầng, vốn vay cho những dự án sản xuất sản phẩm CNHT.

Theo kế hoạch sẽ có khoảng 500 DN tham gia chương trình quốc gia về phát triển CNHT; 200 DN sẽ trở thành nhà cung ứng linh, phụ kiện cho các tập đoàn sản xuất đa quốc gia sau khi nghị định này ra đời.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh hy vọng Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định về CNHT nhằm thu hút sự tham gia của các DN tư nhân vào lĩnh vực yếu kém này. “Nghị định phát triển CNHT với nội dung cụ thể, thiết thực sẽ sớm được ban hành để tạo khuôn khổ pháp luật mới thu hút các DN Việt Nam, DN nước ngoài đầu tư vào CNHT.

Bởi lẽ, dự thảo nghị định đã đưa ra hàng loạt chính sách về phát triển các cụm CNHT, các chính sách cho nghiên cứu, ưu đãi thuế thu nhập DN… đủ sức hấp dẫn, rõ ràng, minh bạch, phù hợp với cam kết quốc tế. Các DNNVV cũng sẽ được hỗ trợ về tiếp cận cơ sở hạ tầng, vốn vay ưu đãi…” - Thứ trưởng Tuấn Anh nhấn mạnh.

Doanh nghiệp tham quan triển lãm CNHT Việt Nam - Nhật Bản.

Doanh nghiệp tham quan triển lãm CNHT Việt Nam - Nhật Bản.

Nhiều chuyên gia đã từng khẳng định CNHT là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng của ngành công nghiệp chính yếu bằng việc cung cấp linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp lắp ráp.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu, công nghiệp quốc gia không thể tồn tại và phát triển được nếu không có ngành CNHT phát triển, bởi đây là yếu tố quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Các tin khác