Lãng du cùng âm nhạc

“Du ca Việt” là cuộc hành trình du ca qua các miền văn hóa, kết hợp với những đêm diễn miễn phí cho đồng bào trên khắp cả nước. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng. Với hình thức kết hợp giữa truyền hình thực tế và liveshow biểu diễn miễn phí phục vụ khán giả nơi chương trình đặt chân đến sẽ là điểm hẹn âm nhạc, nơi đồng bào mọi miền có thể gặp gỡ các nghệ sĩ nổi tiếng.

 “Du ca Việt” là cuộc hành trình du ca qua các miền văn hóa, kết hợp với những đêm diễn miễn phí cho đồng bào trên khắp cả nước. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng. Với hình thức kết hợp giữa truyền hình thực tế và liveshow biểu diễn miễn phí phục vụ khán giả nơi chương trình đặt chân đến sẽ là điểm hẹn âm nhạc, nơi đồng bào mọi miền có thể gặp gỡ các nghệ sĩ nổi tiếng.

Âm nhạc kết nối cộng đồng

Không chỉ là hành trình tìm kiếm, phát hiện những giọng ca, những khát vọng nghệ thuật ẩn sau mỗi số phận bình dị, Du ca Việt còn là cầu nối đưa ước mơ đến với những ước mơ. Du ca Việt, một gameshow truyền hình thực tế sắp được lên sóng màn ảnh nhỏ, có vẻ không chỉ “độc” bởi gắn mác “made in Việt Nam”, mà còn được làm bởi một ê kíp lạ. Những nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng Nguyễn Cường, Trần Tiến, Lê Minh Sơn, Tùng Dương, Việt Hoàn, Hoàng Quyên lại chịu leo lên một chuyến xe, chịu lắc lư, rong ruổi tới những miền xa, để mò… ngọc - là những tài năng âm nhạc, những con người đặc biệt, những câu chuyện xúc động của chính họ.

Đây được coi là cuộc hành trình tìm kiếm, phát hiện những giọng ca hiếm có, những khát vọng bất ngờ, ẩn sau những cuộc đời bình dị hoặc những số phận đặc biệt. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ: “Du ca Việt được bắt đầu từ sự cay cú, bởi những chương trình truyền hình thực tế mà chẳng thực tế chút nào hiện nay.

Có thể tất cả sẽ nghĩ chúng tôi là những kẻ gàn dở, dư thừa sự lãng mạn, bay bổng, thậm chí huyễn tưởng. Nhưng trong 4 năm qua, tôi đã ấp ủ ý tưởng cho một chương trình âm nhạc cộng đồng như Du ca Việt. Còn quá trình trao đổi, lên ý tưởng và chuẩn bị hoàn tất cho chương trình diễn ra từ cách đây 2 năm".

Ê kíp làm chương trình đã nỗ lực đưa những gì đẹp nhất từ các show diễn đặc biệt của Thanh Lam, Tùng Dương… về với từng show diễn của chương trình. Với mơ ước Du ca Việt đi đến đâu tiếng hát phải được cất lên đặc trưng văn hóa của địa phương đó, những người làm chương trình đã áp dụng cả vốn liếng văn hóa có được về âm nhạc dân gian vùng miền về các thể loại như tuồng, chèo, cải lương, quan họ, ví, giặm, hát văn vào chương trình.

Mỗi show diễn của chương trình đều được tổ chức công phu, miễn phí cho người xem nên thu hút rất đông khán giả. Như show diễn ở sân vận động Bắc Sơn (Lạng Sơn), thời tiết lúc đó khá lạnh nhưng nhiều bà con đã nán lại tới tận phút cuối chỉ để nói lời cảm ơn với nhóm sản xuất. Đó là nguồn động viên, khích lệ rất lớn để ê kíp tiếp tục hành trình.

Đưa ước mơ đến với những ước mơ

Mỗi chương trình sẽ xuất hiện một nhân vật, hoặc một nhóm nhân vật ở một vùng, miền, cùng nghệ sĩ hoặc một nhóm các nghệ sĩ. Chẳng hạn, chương trình về nhân vật chị Đinh Thị Bông và anh Quốc Trung - 2 vợ chồng khiếm thị, hàng ngày đi hát rong ở Bắc Kạn. Chị Đinh Thị Bông kể, ngày bé đi chăn trâu hay mở đài radio nghe và mê luôn giọng hát của nghệ sĩ Việt Hoàn: “Từ bé, tôi đã mong có ngày được hát cùng với anh”.

Rồi nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã tìm được chị Bông và kết nối cùng ca sĩ Việt Hoàn để họ sẽ cùng du ca với nhau. Song Du ca Việt không chỉ là việc kể lại những thân phận tương tự như chị Bông - người từ tình yêu âm nhạc, thông qua tiếng hát tìm được người bạn đời của mình hay những người khuyết tật hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khác, mà chương trình hướng tới những nhân vật bình thường nhưng có khát vọng lớn lao.

Còn với các nhân vật, họ đã được tham gia một cuộc chơi, được thỏa mãn ước mơ và niềm đam mê ca hát. Không chỉ có món quà về mặt tinh thần, chương trình còn đem đến cho họ quà tặng về vật chất để động viên luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy, chương trình thể hiện rất rõ tiêu chí kết nối cộng đồng và kết nối yêu thương.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường và Lê Minh Sơn biểu diễn trong chương trình Du ca Việt.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường và Lê Minh Sơn biểu diễn trong chương trình Du ca Việt.

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn chia sẻ: “Khi tiếp xúc với những người ca hát nghiệp dư ở từng địa phương, tôi phải làm việc với họ bằng kinh nghiệm và sự đồng cảm. Tôi không thể để họ chơi những khúc du ca quá khó hay những ca khúc nặng về kỹ thuật. Đối với tôi, họ không chỉ là những người bình thường có niềm đam mê âm nhạc mà là những người nghệ sĩ đặc biệt. Tôi muốn để họ tự cất lên tiếng ca về cuộc sống của chính mình. Đặc biệt, tôi đã có dịp gặp gỡ một số nghệ nhân, họ là những cụ ông, cụ bà đã hơn 90 tuổi. Đối với họ, âm nhạc dân gian không thể dùng từ “hát” mà hãy dùng từ “ca”.

Điều đó sẽ làm âm nhạc dân gian trở nên gần gũi hơn với mọi người, là tiếng ca trong đời sống hàng ngày”. Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết thêm về những đêm diễn đặc biệt của Du ca Việt như ở Ninh Bình là chương trình biểu diễn của 200 nhà sư hát trên nền nhạc giao hưởng.

Chương trình ở Vĩnh Phúc - vùng đất của những nhà máy, khu công nghiệp - được thực hiện với chủ đề “Khi tan ca em hát” - những nghệ sĩ hát cùng các công nhân. Hay như chương trình về Nghệ sĩ Y Moan đã mất nhưng tiếng hát của ông lại vang lên cùng với những người con của Ê - đê, đó sẽ là ý tưởng của Du ca Việt tại Đắk Lắk…

Chia sẻ lo lắng về nội dung chương trình có giống một số chương trình truyền hình thực tế đã từng gây sự chú ý người xem, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết chương trình tạo sự hấp dẫn khi đề cập đến những hoàn cảnh đặc biệt nhưng nhờ tình yêu dành cho âm nhạc họ nhận những niềm vui trong cuộc sống. Ê kíp làm chương trình có nhiều chuyến hành trình vất vả, nhất là những chuyến đi khảo sát ở 63 tỉnh, thành. Hầu như ở mỗi nơi, nhóm sản xuất đều phải trở lại tới 3 lần.

“Chúng tôi không dùng những con người, những thân phận để làm thương mại, mà làm với cái tâm đưa nhạc Việt đến với mọi người. Những cái duyên với nhân vật là trời cho được gặp” - nhóm sản xuất khẳng định.

Các tin khác