Nước mắt tỷ phú (K1): 30 phút mất 15 tỷ USD

Tiền tỷ có lúc mất đi trong một giờ, đó là lý do khiến nhiều tỷ phú cũng phải khóc. Mới đây nhất, trong cơn lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa qua, 205 tỷ phú nước này mất tổng cộng 195 tỷ USD, trong đó tỷ phú Vương Văn Ngân (Wang Wenyin) mất tới 7,3 tỷ USD. Trong loạt bài này, ĐTTC giới thiệu những câu chuyện mất tiền tỷ của các tỷ phú khắp thế giới.

Tiền tỷ có lúc mất đi trong một giờ, đó là lý do khiến nhiều tỷ phú cũng phải khóc. Mới đây nhất, trong cơn lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa qua, 205 tỷ phú nước này mất tổng cộng 195 tỷ USD, trong đó tỷ phú Vương Văn Ngân (Wang Wenyin) mất tới 7,3 tỷ USD. Trong loạt bài này, ĐTTC giới thiệu những câu chuyện mất tiền tỷ của các tỷ phú khắp thế giới.

Tính đến ngày 19-5-2015, ông Lý Hà Quân (Li Hejun) được xem là người giàu nhất Trung Quốc với tài sản 32,7 tỷ USD (theo Forbes). Nhưng ông đã để mất danh hiệu đó kể từ ngày 20-5, sau khi cổ phiếu (CP) của công ty ông bị lao dốc tới 47% chỉ trong vòng 30 phút giao dịch hôm đó.

Phiên giao dịch thảm họa

Ông Lý là Chủ tịch công ty sản xuất panel năng lượng mặt trời Hanergy Thin Film Power (HNGSF), sở hữu 80,79% cổ phần tính đến ngày 20-4-2013. Trong 30 phút giao dịch thảm họa sáng 20-5-2015, Công ty Hanergy đã bị thổi bay 18,6 tỷ USD thị giá, trong khi tỷ phú Lý bị mất 15 tỷ USD. Cổ phiếu (CP) của công ty rơi xuống mức 3,91 đô la Hông Công (HKD) từ mức trên 9HKD trước đó.

Sự lao dốc khủng khiếp này đã khiến nhà chức trách quyết định tạm ngừng giao dịch CP Hanergy. Ông Lý vắng mặt trong một cuộc họp đại hội đồng cổ đông của Hanergy diễn ra cùng ngày hôm đó. Sự vắng mặt này rất đáng chú ý, vì trong suốt năm qua ông không ngừng vẽ ra những viễn tưởng huy hoàng về kỷ ngyên năng lượng sạch-di động với pin năng lượng mặt trời mỏng và dẻo.

Ông cam kết những pin công nghệ mới này sẽ nhanh chóng được gắn lên mọi thứ: xe hơi, ba lô, điện thoại, lều cắm trại, vệ tinh, đèn, đèn pin, nhà cửa, máy bay không người lái và thậm chí cả quần áo. Dưới sự hô hào và dẫn dắt của ông Lý, CP của Hanergy đã tăng 625% chỉ trong vòng 1 năm, đạt thị giá 49,2 tỷ USD, lớn hơn nhà khổng lồ công nghệ Sony của Nhật Bản và gấp 7 lần Công ty First Solar, nhà sản xuất panel năng lượng mặt trời lớn nhất Hoa Kỳ. Đồng thời, nó cũng giúp ông Lý được Tạp chí Forbes đánh giá là người giàu nhất Trung Quốc trong bảng xếp hạng công bố hồi tháng 4-2015.

Tham vọng lớn

Ông Lý sinh năm 1967 tại một ngôi làng nhỏ cách Hà Nguyên, Quảng Đông 20km. Ông tốt nghiệp Đại học Giao thông với bằng kỹ sư cơ khí, nhưng sớm chứng tỏ năng khiếu kinh doanh thông qua việc tổ chức một đội ngũ nhân viên kinh doanh gồm 30 người bạn học, bán máy ảnh ở trước căn-tin trường đại học. Kinh ngạc hơn, ông còn vay được 50.000NDT (8.000USD) từ một giáo sư đại học.

Đó là một số tiền rất lớn vào lúc đó, khi các nhân viên chính phủ chỉ kiếm được khoảng 100NDT/tháng. Ông dùng số tiền trên để bắt đầu kinh doanh, hợp tác bán đồ chơi và các thiết bị điện tử tại Trung Loan Thông - trung tâm công nghệ của Bắc Kinh.

“Tôi chỉ là một trong những kẻ may mắn làm giàu bằng kinh doanh bất cứ thứ gì” - ông Lý nói với Bloomberg. Theo trang web của Hanergy, ông Lý đã kiếm được tới 80 triệu NDT (13 triệu USD) từ những hoạt động kinh doanh đó trong 6 năm.

Vào giữa thập niên 90, khi nhu cầu điện ở Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, một người bạn học cũ nhờ ông Lý kiểm tra một dự án thủy điện ở Hà Nguyên. Ông Lý ngạc nhiên trước khả năng mang lại lợi nhuận ổn định của ngành điện. Và sau chuyến đi tới trạm thủy điện đó, ông đã chứng tỏ tài năng của mình khi được giao quyền kiểm soát trạm 1.500 kilowatt vào năm 1994. Năm 2002, ông Lý ký hợp đồng xây dựng 6 dự án thủy điện dọc theo sông Kim Sa - một thỏa thuận trị giá hơn 75 tỷ NDT.

Đến nay, Hanergy đã trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực thủy điện. Chỉ riêng Nhà máy thủy điện Jinanqiao ở Tây Nam Trung Quốc, nằm trung lưu sông Kim Sa, đã mang về cho ông gần 600 triệu USD/năm. Một số nhà quan sát tin rằng Hanergy Thin Film nổi lên nhanh chóng là nhờ được hưởng lợi trực tiếp từ sự chống lưng của chính phủ, như làn sóng trợ cấp của chính phủ và sự hỗ trợ của các ngân hàng nhà nước.

Ông Lý có những kế hoạch lớn. Trong cuốn sách xuất bản năm ngoái mang tên “Cuộc cách mạng năng lượng mới của Trung Quốc”, ông dự báo thế giới đang chuẩn bị bước vào cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba xuất phát từ Trung Quốc. Năng lượng sạch sẽ chiếm 1/2 nhu cầu năng lượng thế giới vào năm 2035. Ông viết: “Trung Quốc đã chậm chân trong 2 cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Nhưng trong cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo, thế giới sẽ chọn Trung Quốc và Trung Quốc chọn năng lượng mặt trời”.

Để hưởng lợi từ cuộc cách mạng đó, Hanergy Thin Film cho biết sẽ bắt đầu sản xuất ô tô năng lượng mặt trời từ tháng 10 tới. Những chiếc ô tô này có thể chạy 80-100km mỗi lần sạc 4 giờ từ các tấm panel mặt trời mỏng rộng 6m2. Tuy nhiên, việc sản xuất đại trà được cho là rất tốn kém. Giới quan sát cho biết có rất nhiều công ty năng lượng mặt trời dùng công nghệ pin mỏng như Hanergy đã bị phá sản. Một thí dụ là Công ty Solyndra đã phá sản vào năm 2011 sau khi nhận tới 528 triệu USD từ chính phủ Hoa Kỳ.

Nền tảng bất ổn

Hồi tháng 4, Hanergy nói sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời hiệu quả nhất, sử dụng chất liệu gallium arsenide có thể hấp thụ năng lượng mặt trời nhiều hơn. Nhưng giới chuyên gia cảnh báo công nghệ đó phải nhiều năm nữa mới có thể sản xuất đại trà, bởi thị trường hiện tại quá nhỏ, chỉ 24 tỷ USD.

Ngày 6-3, Jenny Chase, Trưởng chuyên gia phân tích về năng lượng mặt trời của Bloomberg New Energy Finance, cho rằng công nghệ pin mỏng (thin film) Hanergy đang sử dụng “chưa được chứng minh”. Trong nghiên cứu dài 6 trang về Hanergy, nhà nghiên cứu ở London cho biết không thể tìm được danh sách chi tiết của những dự án năng lượng mặt trời có thể giúp giải thích vì sao CP của công ty tăng quá nóng trong năm qua.

Ông Lý Hà Quân từng là người giàu nhất Trung Quốc.

Ông Lý Hà Quân từng là người giàu nhất Trung Quốc.

Bỏ qua vấn đề công nghệ, trong thời gian dài các nhà phân tích và đầu tư đã đặt nghi vấn về nguồn lợi nhuận của công ty, khi có tới hơn 60% doanh số của Hanergy Thin Film đến từ công ty mẹ ở Bắc Kinh là Hanergy Holding Group - một công ty năng lượng mặt trời và thủy điện.

Từ đầu tháng 5, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch tương lai Hồng Công (HKSFC) đã tiến hành điều tra việc thao túng CP của Hanergy, theo Reuters. Tờ báo tài chính uy tín của Anh, Financial Times, thậm chí đã làm một cuộc điều tra về sự tăng giá bất thường của Hanergy.

Vì vậy, sự lao dốc của Hanergy không khiến nhiều người ngạc nhiên. “Đó chỉ là một sự điều chỉnh thị trường đã chờ đợi từ lâu, vì nguồn thu và hoạt động kinh doanh của Hanergy không hỗ trợ một sự tăng giá quá nóng như vậy” - theo Gong Siwen, một nhà phân tích của Northeast Securities.

(Còn tiếp)

Các tin khác