ODA-Chọn mặt nhận vàng (K2): Cuộc đua ở lục địa đen

Châu Phi là lục địa tập trung nhiều nước nghèo, nên hàng năm dòng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đổ về rất nhiều. Những nước cung cấp ODA truyền thống cho lục địa đen là Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện một nước tài trợ mới: Trung Quốc.

Châu Phi là lục địa tập trung nhiều nước nghèo, nên hàng năm dòng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đổ về rất nhiều. Những nước cung cấp ODA truyền thống cho lục địa đen là Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, những năm gần đây xuất hiện một nước tài trợ mới: Trung Quốc.

Phương Tây bất lực?

Trong vòng 60 năm qua, phương Tây đã đổ hàng ngàn tỷ USD vốn ODA vào lục địa đen, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy sự hỗ trợ đó không hiệu quả. Trong một bài viết tháng 6-2005, tờ Financial Times (FT) trích dẫn một báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo các nước tài trợ ODA cho lục địa đen cần xem lại cách hỗ trợ của mình. “Những nguồn vốn hỗ trợ cho các nước nghèo ở châu Phi đã không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế” - báo cáo của IMF viết.

Tệ hơn, một bài viết trên Wall Street Journal ngày 21-3-2009 cho rằng “nguồn tiền từ các nước giàu đã khiến các nước châu Phi lọt vào vòng xoáy tham nhũng, tăng trưởng kinh tế chậm và nghèo đói”. Theo bài báo, hàng năm khoảng 50 tỷ USD vốn hỗ trợ từ các nước phương Tây đổ vào lục địa đen. Tuy nhiên, nguồn tiền đó lại làm các nước châu Phi nghèo hơn và tăng trưởng chậm hơn.

“Văn hóa ngầm của hoạt động hỗ trợ khiến các nước châu Phi nặng nợ hơn, lạm phát cao hơn, dễ tổn thương hơn trong thị trường tiền tệ và kém hấp dẫn đối với hoạt động đầu tư chất lượng cao. Nó còn làm tăng nguy cơ xung đột và bất ổn, trong khi không làm dịu bớt những khủng hoảng về chính trị, kinh tế và nhân đạo”.

Một số người cho rằng các khoản viện trợ là cần thiết, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp như thảm họa sóng thần ở châu Á năm 2004. Tuy nhiên, các loại viện trợ khẩn cấp như vậy chỉ có tác dụng giảm bớt đau khổ trước mắt, nhưng không thể là nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn và viện trợ như vậy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Ước tính trong 60 năm qua, ít nhất 1.000 tỷ USD vốn hỗ trợ từ các nước phương Tây đã được đổ vào châu Phi.

Nhưng thu nhập thực tế bình quân đầu người ở lục địa đen hiện nay vẫn thấp hơn những năm 1970; và hơn 50% dân số (trên 350 triệu người) vẫn sống dưới mức 1USD/ngày, tăng gần gấp đôi trong 2 thập niên. Cho đến nay, hàng năm các nước nghèo ở châu Phi phải trả gần 20 tỷ USD nghĩa vụ nợ từ các khoản hỗ trợ. Và để làm được điều này, các nước châu Phi phải hy sinh ngân sách dành cho giáo dục và y tế.

 Đáng quan ngại nhất là nguồn vốn hỗ trợ luôn đi kèm với tham nhũng nghiêm trọng. Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng có phần trong bê bối tham nhũng 100 tỷ USD trong các quỹ hỗ trợ phát triển. Năm 2002, Liên minh châu Phi (AU) ước tính tham nhũng khiến lục địa đen thất thoát tới 150 tỷ USD hàng năm. Tháng 2-2009, cựu Tổng thống Malawi, Bakili Muluzi, bị kết tội tham nhũng 12 triệu USD từ tiền hỗ trợ của nước ngoài.

Cựu Tổng thống Zambia, Frederick Chiluba, cũng bị điều tra vì biển thủ hàng triệu USD tiền ODA cho các dự án hạ tầng, y tế và giáo dục... Có những nơi, chính phủ không cần nghĩ tới việc gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh để tăng thu ngân sách, vì nhận được quá nhiều viện trợ. Chẳng hạn, 90% ngân sách của Ethiopia đến từ viện trợ, trong khi con số bình quân ở châu lục là 30%.

Nhà hảo tâm mới

Trong những năm gần đây, Trung Quốc và những nước BRIC khác nổi lên như những nhà tài trợ ODA mới trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Phi. Những nhà hảo tâm mới này đã hất cẳng các nhà tài trợ phương Tây để trở thành nguồn tiền hỗ trợ nước ngoài lớn cho lục địa đen, làm thay đổi “cuộc chơi”.

Tuy nhiên, đa số nguồn vốn từ Trung Quốc đổ vào châu Phi không hoàn toàn là viện trợ. Cũng như ở Campuchia, trong khi nguồn vốn ODA từ các nước phương Tây đổ vào châu Phi cho các mục tiêu thiên niên kỷ như xóa đói giảm nghèo, cải thiện y tế-giáo dục, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mục tiêu nguồn vốn Trung Quốc nhắm đến là hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác tài nguyên.

Theo Global Prosperity, mục tiêu hỗ trợ của Trung Quốc chỉ đơn thuần là lợi nhuận và lợi ích quốc gia. Nguồn vốn của họ đổ vào lục địa đen để thâu tóm càng nhiều tài nguyên thiên nhiên càng tốt; hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người Trung Quốc tại nước nhận tiền; và củng cố các chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Nguồn vốn từ Trung Quốc thường không đi kèm với các điều kiện về nhân quyền và môi trường đã khiến các nước phương Tây và một số nước châu Phi cáo buộc Bắc Kinh đã tạo ảnh hưởng xấu trong khu vực. Một thí dụ là dự án đập thủy điện Gibe III ở Ethiopia, nhận khoản vay 500 triệu USD từ Ngân hàng Công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ICBC). Dự án này đã bị cảnh báo ngay từ đầu.

Các nhà môi trường cho rằng con đập sẽ gây thảm họa cho hàng trăm ngàn người sống ở khu vực hạ lưu cũng như ở hồ Turkana, ở Kenya. Con đập được xây dựng mà không hề có nghiên cứu về tác động môi trường. Năm 2011, UNESCO đã phải lên tiếng kêu gọi Ethiopia dừng lập tức mọi hoạt động xây dựng tại con đập và kêu gọi tất cả các nhà tài trợ đập Gibe III ngưng giải ngân. Tuy nhiên, lời kêu gọi này đã bị phớt lờ.

Công nhân Trung Quốc và châu Phi làm con đường do Trung Quốc cấp vốn ở Makenisa, Ethiopia.

Công nhân Trung Quốc và châu Phi làm con đường
do Trung Quốc cấp vốn ở Makenisa, Ethiopia.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích lại cho rằng chính sách hỗ trợ của Trung Quốc dù có nhiều bất cập nhưng sẽ tốt hơn cho châu Phi trong dài hạn. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, Trung Quốc không xem các nước châu Phi giàu tài nguyên là những nước nghèo.

Vì vậy, Bắc Kinh hầu như không cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay không lãi suất đối với những nước này, mà thường dùng hình thức cho vay lấy tài nguyên thiên nhiên để đảm bảo. Thí dụ khoản vay 2 tỷ USD “dầu mỏ đổi hạ tầng” đối với Angola được nhiều nước châu Phi hoan nghênh, cho rằng nó có lợi cho cả bên cho vay và bên nhận.

Một khác biệt lớn khác giữa nguồn vốn hỗ trợ của Trung Quốc và phương Tây tại châu Phi là tập trung vào hạ tầng. Các nhà tài trợ phương Tây thường chú trọng hơn đến các dự án nhân đạo và khẩn cấp. Năm 2011, 61% tổng vốn vay từ Trung Quốc sang châu Phi đi vào các dự án hạ tầng, hầu hết do chính các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Đường bộ, đường sắt và cảng biển mọc lên khắp châu Phi và giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với những khu vực giàu dầu mỏ và tài nguyên ở lục địa đen.

Dù vậy, việc các dự án do Trung Quốc cấp vốn thường đi kèm với nhà thầu và lao động Trung Quốc, đã tạo ra làn sóng phản đối ở địa phương. Dân địa phương cho rằng người Trung Quốc giống như thực dân đến lấy đất, lấy việc làm của họ, biến những nơi đây thành “phố Tàu”. Trong thực tế, đã có nhiều vụ xung đột gây chết người giữa dân địa phương và nhà thầu Trung Quốc. 

Các tin khác