186.194 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn

Nông thôn Việt Nam đang từng bước chuyển mình thay đổi với những con đường được bê tông hóa, hàng nghìn cây cầu mọc lên đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Đây là kết quả từ sự đồng lòng góp sức của người dân và chính quyền tại khắp các địa phương trên cả nước.

Nông thôn Việt Nam đang từng bước chuyển mình thay đổi với những con đường được bê tông hóa, hàng nghìn cây cầu mọc lên đảm bảo an toàn giao thông cho người dân. Đây là kết quả từ sự đồng lòng góp sức của người dân và chính quyền tại khắp các địa phương trên cả nước. 

“Thay hình đổi dáng” trong 5 năm

 

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong vòng 5 năm (2010-2015), phong trào xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) đã có bước phát triển vượt bậc.

Hệ thống đường GTNT (đường huyện trở xuống) dài 492.892 km/570.448 km chiếm 86,6% chiều dài toàn bộ mạng lưới đường bộ (tăng 217.433 km so với năm 2010), gồm 58.437 km đường huyện, 325.858 km đường xã và đường thôn xóm, 108.597 km đường trục nội đồng. Ngoài ra còn có 528 bến ô tô khách, 351 bến phà và hàng nghìn bến đò ngang sông.

“Mặc dù gặp nhiều khó khăn về vốn, nhưng với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành cùng sự đóng góp của cộng đồng, doanh nghiệp, nhân dân nên tổng các nguồn vốn dành cho GTNT trong 5 năm qua đã đạt 186.194 tỷ đồng, cao hơn giai đoạn 2001-2010 là 84.418 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết tại Hội nghị Tổng kết 5 năm (2010-2015) công tác xây dựng, quản lý GTNT gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới và phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu giai đoạn 2016-2020, được tổ chức sáng 6/7.

Trong đó, huy động vốn xã hội hoá được 4.703 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 27.027 tỷ đồng và hiến 3.300 ha đất cùng 7,8 triệu ngày lao động. Phần còn lại là ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.

Ngoài ra, Đề án xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông cho vùng có đồng bào các dân tộc ít người tại 50 tỉnh, thành phố với 4.145 cầu (3.664 cầu cứng, 481 cầu treo) với tổng số vốn khoảng 8.338 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của đề án đã được Bộ GTVT triển khai và đã hoàn thành 170 cầu đưa vào khai thác, còn 16 cầu sẽ hoàn thành trước 30/7 tới. 

Giai đoạn 2 của Đề án sẽ xây dựng 3.959 cầu (3.664 cầu cứng và 295 cầu treo) sử dụng vốn xã hội hoá 381,6 tỷ đồng; hoàn thành 70 cầu treo trước tháng 3/2016. Số cầu còn lại Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới thực hiện.

Khó mấy cũng làm

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, có được những thành quả trên là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các tỉnh đều có các nghị quyết, chương trình riêng để phát triển GTNT, nhiều tỉnh còn hoàn thành trước thời hạn. 

Tại Tuyên Quang, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với cơ chế tỉnh hỗ trợ tiền mua xi măng, ống cống đến thôn bản, nhân dân hiến đất, đóng góp vật liệu và tự tổ chức thực hiện, sau 4 năm, tỉnh đã bê tông hoá đạt 2.367 km, vượt chỉ tiêu đề ra. Tương tự, tỉnh Phú Yên trong thời gian ngắn từ tháng 6/2013-12/2014 đã bê tông hoá 901 km đường và 2.675 m cầu, đến hết năm 2015 tỉnh sẽ hoàn thành trên 1.400 km đường bê tông vượt mục tiêu đề án.

Ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, tỉnh đã hỗ trợ xi măng làm đường GTNT cho các xã với định mức 200 tấn xi măng/km cho đường cấp A và 150 tấn xi măng/km cho đường cấp B (chiếm khoảng 28-30% tổng mức đầu tư xây dựng một tuyến đường). Kết quả, từ tháng 8/2012 đến tháng 6/2014, tỉnh đã làm được 1.589 km đường (tương đương 308.568 tấn xi măng).

“Người dân rất ủng hộ chủ trương làm đường giao thông bằng cách đóng góp kinh phí, ngày công lao động, vật liệu sẵn có, hiến đất làm đường. Nhiều hộ gia đình đã lùi hàng rào, chặt cây, hiến hàng trăm mét đất làm đường mà không đòi hỏi bất kỳ chế độ bồi thường nào”, ông Đinh Viết Hồng cho hay.

Nói về mô hình phát triển GTNT tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể biểu dương: “Đây là mô hình tốt về GTNT vì xã Báo Đáp là xã thuộc địa bàn miền núi, kinh tế còn khó khăn nhưng chính quyền và nhân dân xã đã có quyết tâm rất cao, nhờ vậy kết quả 100% đường xã, đường liên thôn được cứng hoá; 70% đường nội thôn xóm được cứng hoá, phần còn lại không bị lầy lội vào mùa mưa”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhận định, bên cạnh những thành công đã đạt được thì còn những hạn chế. Cụ thể, bộ máy tổ chức và nhân lực thực hiện ở cấp huyện, cấp xã còn chưa chuyên nghiệp, trang thiết bị còn thiếu; quy hoạch phát triển GTNT còn hạn chế, chưa kết nối liên hoàn các loại hình vận tải với quy hoạch thoát nước; một số nơi còn chậm xây dựng và phê duyệt quy hoạch GTNT.

“Vốn dành cho GTNT còn thiếu nhiều trong khi đó tại nhiều địa phương chưa có biện pháp thu hút các nguồn lực đầu tư, kể cả theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và các hình thức khác. Bên cạnh đó, chất lượng thi công các tuyến đường chưa cao… Những mặt hạn chế này cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới để GTNT phục vụ tốt hơn cho đời sống người dân”, Thứ trưởng nói.

Các tin khác