Phí sử dụng mặt biển: Phải hợp lý, tầm nhìn dài hạn

Những quy định về thu phí sử dụng mặt biển đang được các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp (DN). Không ít DN tỏ ra băn khoăn về cách tính phí sử dụng mặt biển liệu có trùng lắp với phí tài nguyên môi trường hiện nay.

Những quy định về thu phí sử dụng mặt biển đang được các bộ, ngành liên quan lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp (DN). Không ít DN tỏ ra băn khoăn về cách tính phí sử dụng mặt biển liệu có trùng lắp với phí tài nguyên môi trường hiện nay.

Băn khoăn cách thu phí

Theo dự thảo thông tư về thu phí mặt biển được liên bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) và Tài chính gửi lấy ý kiến cộng đồng DN, sẽ có 5 nhóm hoạt động sử dụng biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải nộp tiền sử dụng khu vực biển. Đó là sử dụng khu vực biển để khai thác năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng hải lưu để xây dựng hệ thống ống dẫn ngầm, lắp đặt cáp viễn thông, cáp điện.

Sử dụng khu vực biển để xây dựng các công trình nổi, ngầm, đảo nhân tạo, công trình xây dựng dân dụng trên biển, các hoạt động lấn biển. Bên cạnh đó, một loạt hoạt động sử dụng mặt biển để xây dựng vùng nước cảng biển, cảng nổi, cảng dầu khí, luồng dẫn vào vùng nước cảng, vùng nước phục vụ hoạt động của cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển, xây dựng cảng cá, bến cá, vùng nước phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí, khu neo đậu tàu thuyền du lịch, đón trả khách tham quan của tàu du lịch… sẽ được tính phí theo năm.

Các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, khai thác nước biển làm mát cho các nhà máy, trục vớt hiện vật, khảo cổ và các hoạt động sử dụng khu vực biển khác cũng sẽ phải đóng phí sử dụng mặt biển. Tương ứng với 5 nhóm chịu phí sử dụng mặt biển nêu trên là 5 mức thu phí, mức thu dao động 3-7,5 triệu đồng/ha/năm.

Không phải khi chúng ta cung cấp bất cứ một dịch vụ nào cũng tính đến phí và lệ phí. Tôi nghĩ rằng điều này phản cảm và không có lợi cho sự phát triển của đất nước. Nếu chúng ta quan tâm đến mối quan hệ này với một chính sách phí và lệ phí hợp lý, sẽ khắc phục được xu hướng lạm thu, tận thu, phí chồng phí.

Nguyễn Thị Quyết Tâm,
Chủ tịch HĐND TPHCM

Đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng cần làm rõ các trường hợp sử dụng khu vực biển cho cả 2 mục đích quốc phòng và kinh tế. Viettel là DN khai thác một phần tuyến cáp viễn thông trên biển đồng thời cho 2 mục đích này sẽ được áp dụng mức tính phí thế nào? Bởi các tuyến cáp quang biển Viettel tham gia khai thác chỉ xác định các thông số kỹ thuật căn cứ theo độ dài của tuyến cáp, khó xác định được diện tích sử dụng khu vực biển, do đó khó áp dụng công thức tính phí sử dụng mặt biển theo diện tích sử dụng.

Các dự án cáp quang biển Viettel tham gia góp vốn đầu tư, tại thời điểm ký thỏa thuận với các bên tham gia dự án chưa có quy định về thu tiền sử dụng khu vực biển, do đó khi tính toán các chi phí đầu tư các bên phải góp vốn không tính đến khoản chi phí này. Việc yêu cầu thêm khoản đóng góp từ phía các đối tác tham gia góp vốn khó thực hiện do phải phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa các bên, vì một số nước có khu vực biển tuyến cáp đi qua không có quy định về thu phí sử dụng khu vực biển.

Đồng tình với các quy định thu phí sử dụng mặt biển cho mục đích kinh tế, nhưng đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản đề nghị không thu tiền khi sử dụng khu vực biển với mục đích xuất, nhập khẩu tài nguyên than nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, mặt khác các loại thuế phí tính trên than hiện nay rất cao.

Tạm thời chưa thu tiền sử dụng đối với cảng biển của các đơn vị hoạt động trong ngành cơ khí, đóng tàu do sự suy thoái của ngành cơ khí đang hết sức khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Một số DN cũng băn khoăn về việc thu phí sử dụng trong các lĩnh vực, dự án sản xuất năng lượng gió, sóng, thủy triều trên mặt biển sẽ đi ngược chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ.

Cần được xem xét thấu đáo

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, việc ban hành quy định thu phí sử dụng mặt biển nằm trong nỗ lực nhằm cân đối lại nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) đang bị thâm hụt mạnh trong thời gian vừa qua.

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính đã đặt mục tiêu tăng thu nội địa để cân đối nguồn thu. Hiện nay bội chi ngân sách rất cao, hoạt động chi thường xuyên đang tăng cao, lên tới 72%, chi cho hoạt động trả nợ nước ngoài chiếm 31,2% tổng thu NSNN, như vậy chi NSNN đang vượt thu. Mặt khác, về nguyên tắc việc sử dụng tài nguyên cần được thu phí và việc thu phí sử dụng mặt biển nằm trong nguyên tắc đó.

Tuy nhiên cần thảo luận kỹ vấn đề này, xem xét cẩn trọng ý kiến từ phía cộng đồng DN. Việc thu phí sử dụng mặt biển sẽ tác động đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội vì vậy rất cần ý kiến phản biện độc lập từ các chuyên gia, tổ chức xã hội nghề nghiệp và hiệp hội DN.

Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260km, diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán khoảng 1 triệu km2. Việc thu phí sử dụng với các hoạt động khai thác mặt biển hoàn toàn đúng với chủ trương thu phí khai thác tài nguyên, nhưng thu vào thời điểm nào, thu bao nhiêu cần cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế biển.

TS. Lưu Bích Hồ,
nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần tổ chức hội thảo chuyên đề bàn về thu phí sử dụng mặt biển, thảo luận kỹ mức thu phí là bao nhiêu, cần đưa ra mức thu phù hợp, DN chịu đựng được, nếu không chủ trương thu phí này sẽ phản tác dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu NSNN. Hơn nữa, thu phí sử dụng mặt biển là một chủ trương lớn, tác động trực tiếp đến cộng đồng DN và người dân  khai thác mặt biển, vì vậy cơ quan soạn thảo cần xin ý kiến Quốc hội về chủ trương này.

Ủng hộ quan điểm thu phí tài nguyên mặt nước biển, nhưng một số lãnh đạo DN cho rằng việc thu phí sử dụng mặt biển hết sức phức tạp, không dễ thực hiện. Đơn cử việc thu phí sử dụng đường bộ với xe gắn máy, dù đã được đưa ra từ lâu nhưng đến nay vẫn không thể thu.

Tình trạng hiện nay là các cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật chỉ ngồi bàn giấy, tham khảo kinh nghiệm của các nước rồi ban hành văn bản. Còn việc đã có luận cứ khoa học chưa rất đáng e ngại. Nhiều ý kiến lưu ý, phí sử dụng mặt biển thực chất là một loại thuế tài nguyên, từ trước tới giờ chúng ta quản lý lỏng lẻo, nhất là với tài nguyên khoáng sản. Nếu chúng ta tiến hành thu phí sử dụng mặt biển ngay thời điểm này cần xem xét kỹ vì DN còn nhiều khó khăn.

Trong văn bản góp ý về việc thu phí sử dụng mặt biển, Phòng Thương mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu quan điểm, nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng, các tín hiệu tăng trưởng vẫn rất yếu ớt và bấp bênh, nên chính sách tăng tiền sử dụng đất lên gấp nhiều lần trong năm 2014 đã gây rất nhiều khó khăn cho DN sử dụng đất có mặt nước ven biển.

Nhiều DN phản ánh tiền thuê đất ven biển để sản xuất kinh doanh đã tăng 3-10 lần so với trước đây, vì thế việc đưa ra chính sách thu tiền sử dụng khu vực biển chưa thực sự hợp lý. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo tạm thời chưa thực hiện chính sách thu tiền sử dụng khu vực biển.

Tránh phí chồng phí

Chính sách tài chính đối với các chủ thể sử dụng khu vực biển trong giai đoạn hiện nay nên tập trung vào phí bảo vệ môi trường đối với một số hoạt động có nguy cơ ô nhiễm cao như cảng biển, cảng cá, bến cá, cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển, nhận chìm, đổ thải. Thực tế việc có tiến hành thu thuế, phí, hay tiền khai thác, sử dụng loại tài nguyên nào đó phụ thuộc vào mức độ khan hiếm của loại tài nguyên đó và chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.

Tại Việt Nam, tài nguyên khu vực biển, mặt biển rất dồi dào, gấp nhiều lần so với nhu cầu của xã hội và cũng chưa phát sinh các xung đột lợi ích xuất phát từ việc khai thác, sử dụng một khu vực biển nhất định.

Việc thu phí sử dụng, khai thác mặt biển cần cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế biển.

Việc thu phí sử dụng, khai thác mặt biển cần cân nhắc kỹ lưỡng để
không ảnh hưởng đến chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế biển.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, thảo luận về dự án Luật Phí, lệ phí, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng cho DN, góp phần nâng cao mức sống cho người dân. Hiện đang tồn tại nhiều loại phí rất bất hợp lý và không cần thiết, gây khó khăn cho người dân, gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội. Ban soạn thảo dự án Luật Phí, lệ phí đã rà soát, loại bỏ, bổ sung, phân nhóm các loại phí lệ phí, thuộc các dịch vụ công từ 73 loại phí, 42 loại lệ phí trong quá trình thực hiện pháp lệnh năm 2001.

Nhiều khoản phí và lệ phí đã được quy định ở nhiều luật, nhiều nghị định thông tư và thẩm quyền quản lý sử dụng còn nhiều bất cập, dễ bị lợi dụng, gây khó khăn trong việc thực hiện thu, nộp, đóng góp và quản lý của người dân từ chính quyền các cấp đến các hoạt động liên quan đến các dịch vụ công và dịch vụ hành chính ở cơ sở.

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đã khẳng định đến năm 2020 nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn.

Chiến lược kinh tế biển cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP và 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của Nhân dân vùng biển và ven biển. Vì vậy cần cơ chế khuyến khích đầu tư hơn là việc áp phí.

Các tin khác