ODA-Chọn mặt nhận vàng (K1): Câu chuyện Campuchia

Các khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn ngân sách quan trọng giúp các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Nguồn vốn này thường là một khoản vay lãi suất rẻ, nhưng đi kèm với lãi suất rẻ là nhiều điều khoản và điều này tùy thuộc vào nước cho vay.

Các khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn ngân sách quan trọng giúp các nước đang phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Nguồn vốn này thường là một khoản vay lãi suất rẻ, nhưng đi kèm với lãi suất rẻ là nhiều điều khoản và điều này tùy thuộc vào nước cho vay.

ODA ở Campuchia chủ yếu dưới 2 hình thức: viện trợ và khoản vay. Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 3 nhà cung cấp ODA hàng đầu. Những nước này cung cấp cả những khoản cho vay và viện trợ dựa trên mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Campuchia. Lượng giải ngân vốn ODA ở Campuchia tăng bình quân 3,5%/năm và đạt 1,07 tỷ USD vào năm 2011, đóng góp khoảng 9,5% GDP.

Nhật Bản-Hàn Quốc

Nhật Bản là nguồn ODA lớn nhất chảy vào Campuchia dưới dạng viện trợ, đạt hơn 146 triệu USD năm 2010. Trong đó, tới 89,45% ở dưới dạng viện trợ không hoàn lại. Mục đích chính của các viện trợ là để thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) của Campuchia. Dù các chính sách liên quan đến ODA của Nhật Bản đã thay đổi mạnh mẽ kể từ năm 2003, nhưng mục tiêu của ODA Nhật Bản vẫn dựa trên những lợi ích của các nước nhận theo quan điểm của cộng đồng quốc tế hơn là lợi ích kinh tế của nước tài trợ.

ODA Nhật Bản được phân bổ cho tất cả các ngành liên quan đến MDG, nhưng lớn nhất là ngành giao thông vận tải. Nhìn chung, các chính sách ODA được Nhật Bản thiết lập để cung cấp các viện trợ một cách hiệu quả cho các nước đang phát triển như Campuchia. Tokyo công khai thừa nhận các chính sách ODA được quốc tế công nhận, như các chuẩn mực của DAC (Ủy ban ODA của OECD) đặt ra tại Hội nghị Tokyo về chiến lược mới của DAC năm 1998 và Hội nghị Tokyo thứ hai về phát triển châu Phi vào tháng 10-1998.

Ngoài ra, trong “chính sách trung hạn về ODA” năm 1999, chính phủ Nhật Bản cam kết “quản lý ODA một cách phù hợp với Điều lệ ODA và các mục tiêu của phát triển chiến lược của đối tác”. Về phân bổ vốn, 30% vốn ODA từ Nhật Bản chảy vào Campuchia qua các dự án giao thông vận tải, trong đó phần lớn là các dự án ở nông thôn. 70% còn lại chảy vào nhiều lĩnh vực khác, như phát triển nông thôn, quy hoạch đô thị, nông nghiệp, giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường và cải thiện bộ máy hành chính, quản lý…

ODA từ Hàn Quốc chỉ chiếm khoảng 3,6% lượng ODA chảy vào Campuchia (số liệu năm 2011). Tuy nhiên, các dự án ODA do Hàn Quốc tài trợ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện các MDG của Campuchia, vì nó thường nhắm vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, giao thông, nước-vệ sinh, và năng lượng. Trong đó, nông nghiệp và giao thông vận tải là 2 lĩnh vực được Hàn Quốc tài trợ ODA nhiều nhất, chiếm lần lượt 37% và 57% tổng vốn ODA của nước này đổ vào Campuchia năm 2011. Hàn Quốc cũng là nước tuân thủ các tiêu chuẩn tài trợ ODA của DAC như Nhật Bản.

Trung Quốc

Trong những năm gần đây, Trung Quốc nổi lên như một nhà viện trợ ODA mới cho các nước đang phát triển khác. Điều đáng lưu ý, Trung Quốc không theo các chuẩn mực của DAC như Nhật Bản hay Hàn Quốc, mà có một quy chuẩn riêng. ODA của Trung Quốc gồm 3 loại: viện trợ, vay không lãi suất và vay thương mại. Tại Campuchia, đa số ODA của Trung Quốc ở dưới hình thức cho vay thương mại.

Cho đến nay, vẫn không có con số chính thức về ODA của Trung Quốc tại Campuchia. Theo Yim Sovann, phát ngôn viên của một đảng đối lập, ngay cả thành viên quốc hội cũng không thể tiếp cận con số nợ của Campuchia với Trung Quốc. Theo báo Phnom Penh Post năm 2012, Campuchia đang nợ Trung Quốc khoảng từ 2-6 tỷ USD. Theo một báo cáo chung của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc là nước cho vay song phương lớn nhất của Campuchia, chiếm tới 66% tổng nợ của Campuchia tính đến cuối năm 2010.

Nếu so với các nhà cung cấp ODA khác, ODA của Trung Quốc đắt đỏ hơn. Theo Viện Nghiên cứu GIGA (Đức), hầu hết các khoản cho vay ODA của Trung Quốc có lãi suất cao hơn, trong khi kỳ hạn trả lãi và trả nợ đều ngắn hơn. Một đặc điểm gây tranh cãi khác của ODA Trung Quốc là chính sách “không có điều kiện đi kèm”.

Không giống các nhà cung cấp ODA khác, thường đi kèm với những đòi hỏi cải tổ nghiêm ngặt, ODA Trung Quốc chẳng có điều kiện gì do đó rất được chính phủ Campuchia hoan nghênh. Trong khi cả chính phủ Trung Quốc và Campuchia đều ca ngợi các khoản ODA của Trung Quốc, rằng đó là những sự hỗ trợ rộng rãi, vô điều kiện, tôn trọng nước nhận tài trợ…

Tuy nhiên, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc có mục đích ngầm. Theo họ, ODA Trung Quốc không phải vô điều kiện, mà nó có những điều kiện theo cách khác. Đối với các nước khác, những điều kiện nhận tài trợ thường là cải thiện quản lý nhà nước, dân chủ, nhân quyền… Nhưng Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến các vấn đề này. Thay vào đó, đòi hỏi của Trung Quốc là sự ủng hộ về chính trị và đầu tư.

Một đập thủy điện ở Campuchia xây bằng vốn ODA Trung Quốc.

Một đập thủy điện ở Campuchia xây bằng vốn ODA Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia Changwon (Hàn Quốc) và Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Campuchia, một trong những mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng mối quan hệ kinh tế với các nước giàu tài nguyên. Vì vậy, Trung Quốc thường tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên thiên nhiên, hoặc hỗ trợ thực hiện các dự án như vậy và hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc ở các nước đang phát triển.

Hầu hết ODA của Trung Quốc sang Campuchia đã được sử dụng để thiết lập cơ sở hạ tầng, chủ yếu là các công trình xây dựng đường giao thông và hệ thống thủy lợi trong các khu vực có nguồn tài nguyên mỏ. Rõ ràng Trung Quốc tích cực trong việc cung cấp viện trợ cho các dự án khai thác nguồn tài nguyên và sản xuất hơn là các lĩnh vực khác. Các khoản viện trợ ODA của Trung Quốc cũng nhắm đến mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước này ở Campuchia, tạo cơ hội việc làm cho người lao động Trung Quốc và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường Campuchia của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Việc khám phá và khai thác các mỏ tài nguyên cũng do các công ty Trung Quốc thực hiện. Viện trợ của Trung Quốc cũng nổi tiếng về tính không minh bạch. Người ta không biết được tiền dùng để làm gì, thông tin về các dự án ODA cũng bị bưng bít, thậm chí đối với cả các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc.

Ngoài ra, các nhà phân tích của Đại học Changwon cho rằng dòng chảy vốn từ Trung Quốc vào Campuchia vừa nhằm mục đích kinh tế vừa có liên quan đến các mục tiêu ngoại giao chiến lược dài hạn. Cùng với việc gia tăng hỗ trợ tài chính, Bắc Kinh có thể gây ảnh hưởng lớn hơn đến các quốc gia đang phát triển, thúc đẩy hơn nữa các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc.

(Còn tiếp)

Các tin khác