Chàng trai bại liệt mê tranh ghép gỗ

Nguyễn Văn Út, chàng trai khuyết tật được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ, không chỉ vì tinh thần vượt qua số phận mà còn bởi sự khéo léo và óc sáng tạo biến những mảnh gỗ vô tri thành những bức tranh ghép tinh xảo.

Nguyễn Văn Út, chàng trai khuyết tật được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ, không chỉ vì tinh thần vượt qua số phận mà còn bởi sự khéo léo và óc sáng tạo biến những mảnh gỗ vô tri thành những bức tranh ghép tinh xảo.

Vượt lên số phận

Vượt qua đoạn đường hơn 40km, tôi tìm đến Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật và trẻ mồ côi ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn gặp anh Nguyễn Văn Út lúc anh đang chăm chú hướng dẫn cho học viên. Nguyễn Văn Út sinh năm 1983 trong một gia đình nghèo khó, có 11 người con ở huyện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Một sự cố vô tình năm 3 tuổi anh bị sốt, do điều kiện gia đình nghèo khó không đủ chi phí thuốc men nên bị biến chứng khiến cơ thể anh ngày một tiều tụy, đôi chân teo tóp, lưng biến dạng. Vì vậy việc đi lại của anh rất khó khăn, ở nhà di chuyển bằng cách bò, lúc ở trung tâm anh đi bằng xe lăn. Anh Út kể lại, gia đình đông con, ba lại đau ốm triền miên, do vậy mọi tiền bạc, ruộng vườn đều được gia đình đem bán để tập trung chữa bệnh cho ba.

Ngày ba mất cũng là ngày gia đình Út lâm vào túng quẫn, nợ nần. Gia tài lớn nhất còn lại là căn nhà nhỏ trống trước trống sau nằm sâu trong đồng hiu quạnh. Đến tuổi đi học, nhìn bạn bè cùng trang lứa vui vẻ đến lớp, Út thèm lắm, nước mắt cứ thế chảy ra không ngăn lại được. Nhà nghèo, lại tàn tật, không có điều kiện đến trường như các bạn, nhưng Út vẫn khát khao được học, nên ở nhà tự mày mò học chữ.

Thế nhưng, khi biết đọc, biết viết cũng là lúc mẹ ngày càng già yếu, không còn đủ khả năng kiếm tiền. Từ đó, Út bắt đầu lăn vào công cuộc mưu sinh từ nhặt ve chai, bán vé số, phụ lau dọn quán ăn. Rong ruổi trên chiếc xe lăn từ tỉnh này qua tỉnh khác, huyện này qua huyện khác, nếm trải đủ vị cay đắng và rồi, anh lên TPHCM. Đến năm 2006, may mắn đã mỉm cười với Út khi được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang giới thiệu đến học nghề ở trung tâm.

Ban đầu anh được nhận vào học lớp điện tử nhưng cảm thấy không hợp nên xin chuyển sang lớp tranh ghép gỗ. Từ đây, tài nghệ và đôi tay khéo léo như tìm được cái duyên khiến anh say mê công việc và kết duyên với trung tâm. Là học viên cần cù, chăm chỉ, sáng dạ nên chỉ sau gần 1 năm theo học, Út đã có thể hoàn thành các bức tranh gỗ do giáo viên yêu cầu. Mặt khác các mẫu tranh do Út sự sáng tác khá độc đáo, mới lạ, bắt mắt khiến thầy cô rất hài lòng. Hoàn thành khóa học 4 năm với 2 năm nâng cao, Út đã tạo dựng được một công việc ổn định, hàng tháng dành dụm được khoản tiền nhỏ gửi về đỡ đần mẹ già.

Chắp cánh ước mơ người đồng cảnh

 Không chỉ được học nghề và có một công việc ổn định theo nguyện vọng, bởi tính tình thật thà, hiền lành, anh Út được thầy cô tin tưởng giao công việc dạy nghề cho các học viên mới. Càng vui sướng hơn khi nhận được sự động viên, khích lệ của thầy cô, bạn bè, anh Út đã mạnh dạn tìm đến tình yêu của mình cùng một học viên đồng cảnh tại Trung tâm.

Vượt qua sự ngăn trở của gia đình bạn gái bằng tình yêu chân thành, sự đồng cảm giữa 2 số phận thiệt thòi, tình yêu của Út và chị Thủy đã được chấp thuận và nhận được những lời chúc phúc của 2 gia đình, bè bạn, thầy cô. Đến giờ khi nhắc lại anh vẫn không giấu được hạnh phúc bởi đó là điều trước đây anh không hề dám nghĩ tới. Xây dựng được mái ấm hạnh phúc, vợ chồng anh đã quyết định ở lại lập nghiệp tại TPHCM. Căn nhà nhỏ ở huyện Hóc Môn của vợ chồng người thợ khuyết tật tài hoa không chỉ là nơi sinh hoạt, mà còn là cửa hàng tranh ghép gỗ.

Hàng trăm tác phẩm được treo trên tường, bày trên kệ với chủ đề phong phú như quê hương, con đò, bến nước, gia đình, trẻ thơ... đều do chính đôi tay của anh Út tạo nên. Những bức tranh ghép gỗ tinh xảo của anh có nhiều mức giá khác nhau, bức to có giá dao động 1-2 triệu đồng. Ngoài ra, còn có một số sản phẩm đơn giản như các con vật trang trí, móc treo chìa khóa có giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Để làm ra được một sản phẩm ưng ý và đẹp mắt với một người bình thường đã khó, đương nhiên với một người khuyết tật như anh Út lại càng chật vật gấp nhiều khi phải trải qua nhiều công đoạn như cưa gỗ, tạo hình trên mặt gỗ, mài dũa, đánh bóng, phối màu…

“Ngoài công đoạn chế tác gỗ, người làm tranh phải biết ghép và phối tạo màu sắc sao cho sinh động, có hồn” - anh Út cho biết. Song nghị lực phi thường cũng như đôi bàn tay tài hoa bẩm sinh của anh đã chiến thắng hoàn cảnh khắc nghiệt, rất nhiều bức tranh được khách hàng thích thú, đặt mua với giá cao.

Anh Nguyễn Văn Út cùng các học viên khuyết tật lớp học tranh ghép gỗ. Ảnh: LA THẢO

Anh Nguyễn Văn Út cùng các học viên khuyết tật lớp học tranh ghép gỗ. Ảnh: LA THẢO

Đặc biệt, một số những tiệm tranh trong TP đã đặt hàng anh thường xuyên để bán cho khách du lịch tham quan. Mong muốn lớn nhất của anh Út hiện nay là được truyền đạt kiến thức làm tranh gỗ cho những người tàn tật khác để họ có thể tự mưu sinh. Cũng vì vậy, mặc dù cuộc sống khá bấp bênh với số tiền hỗ trợ ít ỏi của Trung tâm, nơi xem là ngồi nhà thứ 2, nhưng anh vẫn quyết tâm ở lại, bám trụ với lớp dạy tranh ghép gỗ. Cứ thế 5 năm trôi qua, anh Út đã tận tình truyền đạt kinh nghiệm của mình cho biết bao học viên.

“Với tôi, dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong công việc nhưng tôi tin với lòng yêu nghề và sự ủng hộ nhiệt thành của gia đình, bạn bè, tôi sẽ cố gắng vượt qua để không chỉ trở thành một người thợ giỏi mà còn là một người anh tốt với các bạn đồng cảnh, luôn sát cánh để các bạn vượt qua số phận” - anh Út chia sẻ.

Các tin khác