Cái khó vẫn bủa vây

Việc chờ đợi các nghị định, thông tư hướng dẫn sau khi luật chính thức có hiệu lực đang tạo thêm khó khăn cho DN trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Việc chờ đợi các nghị định, thông tư hướng dẫn sau khi luật chính thức có hiệu lực đang tạo thêm khó khăn cho DN trong bối cảnh sản xuất kinh doanh chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.

Tưởng nhanh hóa chậm

Theo rất nhiều đánh giá, luật mới sẽ giúp “cởi trói” cho DN nhờ những điểm mới nổi bật như nội dung giấy chứng nhận đăng ký DN, con dấu của DN, điều kiện tiến hành họp đại hội cổ đông của công ty… Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trần Quốc Mạnh, Tổng giám đốc Sadaco, những điểm lợi thế này hiện vẫn còn là lý thuyết, thực tế DN chưa được hướng dẫn cụ thể. Ông Mạnh cũng cho rằng số lượng ngành bị hạn chế kinh doanh (kinh doanh có điều kiện) lên tới 272 ngành là quá nhiều, điều này có thể sẽ làm khó thêm cho DN.

Trong bối cảnh sức cạnh tranh của DN đang rất yếu, nếu luật không đi vào cuộc sống DN còn khó nữa. Chính vì thế cần triển khai nhanh đến tận các DN vì nếu không nhanh chưa chắc DN được cởi trói mà có khi còn ngược lại.

Ông Trần Quốc Mạnh,
Tổng giám đốc Sadaco

Lâu nay khi có luật vẫn phải chờ nghị định, khi có nghị định phải chờ thông tư hướng dẫn. Tại buổi hội nghị triển khai những điểm mới trong Luật DN và Luật Đầu tư do Trung tâm Xúc tiến thương mại TPHCM (ITPC) tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch-Đầu tư), cho biết trong Luật Đầu tư (sửa đổi), các nội dung của luật quy định khá chi tiết và cụ thể.

Do đó, hầu như chỉ cần có biểu mẫu là DN có thể thực hiện được ngay mà không cần thêm các hướng dẫn. Sẽ có các hướng dẫn nhưng cũng chỉ mang tính chất làm rõ hơn một số ít nội dung của luật. Cũng nói về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết về cơ bản hệ thống đăng ký kinh doanh theo Luật DN (sửa đổi) đã sẵn sàng để triển khai. Tuy nhiên, nghị định có thể sẽ chậm một vài ngày sau khi Luật DN (sửa đổi) có hiệu lực. Nhưng so với thực tiễn ở Việt Nam, ông Hiếu cho rằng một nghị định ban hành chậm vài ngày đã là thành công.

Ông Hiếu cho biết, Luật DN (sửa đổi) sẽ không có thông tư hướng dẫn, mà chỉ có nghị định. Thông tư chỉ ban hành những biểu mẫu cần thiết chứ không có thêm quy định, có thể gọi là thông tư không có chữ. Nói là chậm vài ngày nhưng đến nay DN vẫn chưa thấy có thông tin nào cụ thể. Một lo lắng nữa của DN là khi chưa có các nghị định, thông tư hướng dẫn, các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan ở địa phương nơi tiếp xúc trực tiếp với DN, chưa nắm rõ được điều gì. Nên nhiều cái tưởng nhanh lại hóa chậm, tưởng đơn giản lại có thể thành ra phức tạp. 

“Nợ” hướng dẫn đến khi nào?

Câu chuyện chờ nghị định, thông tư hướng dẫn sau khi luật chính thức có hiệu lực không chỉ là chuyện riêng của Luật DN, Luật Đầu tư mới, mà còn với khá nhiều luật khác liên quan đến nhiều ngành sản xuất kinh doanh. Như từ ngày 15-6-2015, các DN ngành thép, giấy sẽ phải ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu với mức cao nhất lên đến 20% trên giá trị lô hàng (quy định tại Nghị định 38/2015/CP-NĐ). Song điều đáng quan tâm là đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn nhưng DN vẫn phải ký quỹ. Và nhiều DN vẫn đang đặt ra câu hỏi khi nào mới có thông tư hướng dẫn?

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, cho rằng 20% giá trị lô hàng là một số tiền quá lớn. Ông Thái cho biết thêm, từ quý I năm nay, giá thép phế liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, cộng thêm việc ký quỹ 20% sẽ làm cho giá thành sản phẩm tăng cao, giảm năng lực cạnh tranh của DN ngay trên chính thị trường nội địa chứ đừng nói tới xuất khẩu. “Nếu cứ tình hình này tôi có thể chắc chắn rằng DN sẽ nhập phôi chứ không luyện phôi nữa. Nhà nước phải tìm cách để quản lý chứ không thể bắt DN chịu như vậy. Đó thực sự quá vô lý” - ông Thái bức xúc.

Cái khó vẫn bủa vây nhiều DN dù luật mới đã có hiệu lực. Ảnh: LONG THANH

Cái khó vẫn bủa vây nhiều DN dù luật mới đã có hiệu lực. Ảnh: LONG THANH

Nói về Luật DN và Luật Đầu tư mới, ông Thái cho rằng chúng ta cứ đi giảm thủ tục này kia nhưng lại đưa ra những điều luật vô lý thì cũng sẽ chẳng đi tới đâu. Ngay trong số báo ra ngày 2-7 vừa qua, ĐTTC có bài “Nhiều đạo luật lỗi hẹn 1-7” cũng phân tích về vấn đề này. Bài viết đã chỉ ra trên thực tế, “căn bệnh” nợ văn bản hướng dẫn thi hành luật không phải đến bây giờ mới có, mà vốn đã được nhắc tới rất nhiều nhưng tình hình vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Đó là chưa kể tới việc nhiều văn bản dưới luật lại có dấu hiệu trái luật.

Có thể thấy trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng mở cửa, thị trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Với “sức khỏe” còn yếu như hiện nay của các DN, việc “cởi trói” bớt cho DN khỏi các thủ tục phức tạp là hết sức cần thiết. Nhưng chính những hạn chế trong việc DN phải chờ đợi các nghị định, thông tư hướng dẫn đôi khi lại làm mất đi cơ hội kinh doanh của DN. Và để tránh cảnh “vào rừng mơ bắt con tưởng bở” như ví von của một vị luật sư, gần như các DN đều rất thận trọng, không quá vui mừng. 

Các tin khác