Du lịch ĐBSCL: Tiềm năng lớn, thách thức nhiều

Năm 2014, ĐBSCL đón khoảng 22,5 triệu lượt khách, tăng 8,29% so với năm 2013. Trong đó, khách quốc tế trên 1,8 triệu lượt, tăng 10,21%, doanh thu trên 6.360 tỷ đồng, tăng 23,7%. Du lịch ĐBSCL đã có bước tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và đang từng bước hướng đến một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.

Năm 2014, ĐBSCL đón khoảng 22,5 triệu lượt khách, tăng 8,29% so với năm 2013. Trong đó, khách quốc tế trên 1,8 triệu lượt, tăng 10,21%, doanh thu trên 6.360 tỷ đồng, tăng 23,7%. Du lịch ĐBSCL đã có bước tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và đang từng bước hướng đến một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của vùng.

Hạ tầng thấp, sản phẩm du lịch trùng lắp

 

ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch khi có cảnh quan thiên nhiên phong phú, nhiều nét văn hóa đặc sắc, người dân hiền hòa, mến khách đã hình thành nét đặc thù riêng cho ngành du lịch như: du lịch sông nước, miệt vườn, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và biển đảo. Đó là sinh cảnh đất ngập nước nội địa vùng trũng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp - Long An); sinh cảnh đầm nước nội địa trên than bùn U Minh (Kiên Giang - Cà Mau), sinh cảnh đất ngập nước ven biển (Cà Mau - Bạc Liêu) đã tạo nên sinh thái đặc thù của châu thổ. Các sinh cảnh trên gắn liền với các vườn quốc gia Tràm Chim, U Minh Thượng, U Minh Hạ, Đất Mũi, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen… là những hấp lực của du lịch cuối dòng Mê Công.

 Cùng với tiềm năng du lịch sinh thái, các di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Đờn ca tài tử”, văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu; các sản phẩm văn hóa tâm linh gắn với các lễ hội Vía Bà Chúa Xứ tại An Giang, núi Sam… cũng là tác nhân góp phần vào tăng trưởng của ngành du lịch ĐBSCL những năm qua. Đặc biệt, các yêu cầu về liên kết đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù ĐBSCL đang trở nên cấp bách.

Thực tế, từ năm 2009 Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã cùng Sở VH-TT-DL 4 địa phương An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ thành lập Cụm liên kết phát triển du lịch các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL (năm 2012 thêm tỉnh Bạc Liêu tham gia). Với sự kết nối 20 điểm đến du lịch tại 5 địa phương đã hình thành tour du lịch sinh thái xanh, mang đặc trưng từng địa phương, như Cần Thơ - du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn; An Giang - du lịch tâm linh; Kiên Giang - du lịch sinh thái biển đảo; Cà Mau - du lịch sinh thái rừng ngập nước; Bạc Liêu - du lịch văn hóa… Các liên kết này tạo được điểm nhấn đặc thù - du lịch có bản sắc và độc đáo hơn.

Song du lịch ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế như cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch còn thấp, sản phẩm du lịch còn trùng lắp, chất lượng dịch vụ và sức cạnh tranh chưa cao, xúc tiến quảng bá chưa tạo hấp dẫn, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.

Mỗi người dân đều là hướng dẫn viên

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ), đã dùng hình ảnh khá ấn tượng “Thế giới nước Mê Công” để thể hiện giá trị cốt lõi của du lịch ĐBSCL. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Hiệp: “Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực và cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch để phát triển bền vững là những thách thức ĐBSCL phải vượt qua”.

Thực tế nhiều năm qua vẫn chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng và mô hình chỉ đạo điều phối liên kết vùng ĐBSCL phát triển du lịch thật sự hiệu quả. Một chương trình liên kết vùng nhằm phát triển du lịch dựa trên nền tảng lợi thế dùng chung và tạo ra sản phẩm du lịch xanh đặc thù của vùng không chỉ là mục tiêu của một đề án, mà còn là mong ước lớn của các địa phương và người dân đồng bằng. Liên kết vùng là tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy liên kết các chuỗi giá trị ngành du lịch bền vững. Nhiều ý kiến đang chờ đợi việc hình thành Ban điều phối phát triển du lịch trong vùng. Đề án này được Tổng cục Du lịch soạn thảo trình Bộ VH-TT-DL.

Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đều có lợi thế to lớn về du lịch. Câu hỏi đặt ra: tại sao có lợi thế như thế, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy hài lòng về sự phát triển của du lịch? Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh đã đặt câu hỏi. Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, những biện pháp để thúc đẩy du lịch ĐBSCL là cần tập trung quy hoạch địa điểm, sản phẩm lợi thế trong vùng có cái riêng và cái chung. Lập kế hoạch đầu tư hạ tầng gắn với du lịch. Huy động nguồn lực từ Nhà nước, xã hội, dân cư đầu tư hạ tầng đồng bộ và hiện đại; đào tạo phát triển nguồn lực một cách chuyên nghiệp, hiện đại. Trong đó cần tuyên truyền để người dân trong vùng hiểu về vai trò của du lịch mang lại lợi ích chính đáng. Mỗi người dân thực thụ là một hướng dẫn viên du lịch.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, ĐBSCL hiện có 13 dự án đầu tư vào du lịch với tổng mức vốn 147 triệu USD. Một số dự án đầu tư nước ngoài vào du lịch lớn như Trường Đào tạo nghiệp vụ du lịch và khu nghỉ dưỡng Thiên đường Phú Quốc 44,7 triệu USD. Hiện nay chưa có dự án ODA nào được dành cho phát triển tổng thể du lịch vùng ĐBSCL. Chỉ có vài tỉnh trong vùng được thụ hưởng trong khuôn khổ dự án dành cho các tỉnh nằm trong hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mê Công.

Trước thực trạng này, tại hội nghị “Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh vùng ĐBSCL năm 2015”, tổ chức tại Cần Thơ ngày 30-6,  Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đã nhấn mạnh: “Đầu tư cho du lịch không chạy theo lợi ích trước mắt, mà phải nghĩ đến sự phát triển bền vững. Đó là những điểm then chốt để có nhiều dự án đầu tư vào du lịch, đưa ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững ở ĐBSCL. Theo đó, cần phát động toàn dân nhận thức, tự giác xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, hiếu khách”.

Các tin khác