TĂNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH DOANH NGHIỆP

Phải cải thiện năng suất lao động

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới khi gia nhập nhiều tổ chức trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi các DN không ngừng tăng năng lực cạnh tranh. Và để làm được điều này, DN cần tăng cường năng suất lao động thông qua cạnh tranh nhân lực, trong đó vai trò quan trọng của bộ phận nhân sự trong chiến lược cải tiến DN.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới khi gia nhập nhiều tổ chức trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi các DN không ngừng tăng năng lực cạnh tranh. Và để làm được điều này, DN cần tăng cường năng suất lao động thông qua cạnh tranh nhân lực, trong đó vai trò quan trọng của bộ phận nhân sự trong chiến lược cải tiến DN.

Năng lực quản trị nhân sự yếu

Ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty Le & Associates (L&A) - một công ty hàng đầu về giải pháp nhân lực toàn diện, cho rằng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay bằng 1/2 của cộng đồng ASEAN, bằng 1/5 của Thái Lan. Dưới góc độ thị trường, theo ông Đức các DN Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo đó, ngân sách dành cho nhân sự để tạo ra 1 đồng doanh thu ra sao là việc các DN cần tính tới. Đồng thời, dưới góc độ cạnh tranh của ngành, lĩnh vực khác nhau, DN cũng phải cạnh tranh về năng lực quản trị, khả năng tạo ra doanh thu của một nhân viên bán hàng cũng như đảm nhận được bao nhiêu khách hàng đối với một nhân viên… Với những bối cảnh mới này, các DN phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư về chuyên môn cho các nhân viên.

Quản trị nhân sự là những người rất quan trọng. Bởi họ chính là những người chuyển tải thông tin và triển khai về các kế hoạch của DN để tạo ra năng suất. Khi người quản lý DN không thể giải quyết hết những tồn tại và khó khăn trong đơn vị, vai trò của người lãnh đạo nhân sự càng trở nên quan trọng và hiệu quả trong việc chuyển tải thông tin, thông điệp cho nhân viên.

Ông Vittorio,
Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, Tập đoàn Palladium

Theo khảo sát trên 300 DN của L&A về những yếu tố tác động đến DN, năng lực (năng lực kinh doanh, xây dựng hệ thống nhân sự; các chương trình phát triển tài năng cho DN…) là những yếu tố tác động đến năng suất lao động. Từ những yếu tố này, L&A phát hiện thêm một số rào cản làm cho năng lực sản xuất của DN kém hiệu quả.

Đó là năng lực quản lý, khả năng xây dựng năng lực lõi trong DN để tạo ra sự khác biệt với các DN khác trong ngành; khả năng xây dựng các bộ đào tạo cho từng nhóm để phát triển đào tạo trong tổ chức; thay đổi sự quản trị để phù hợp với xu hướng bối cảnh thị trường; các hoạt động nội bộ để tạo sự gắn bó của nhân viên trong công ty. Đây là các rào cản về quản lý nhân sự làm giảm năng lực, năng suất DN Việt Nam đang gặp phải.

Vai trò của người quản lý nhân sự trong một công ty hiện nay là rất quan trọng, nhưng thực tế cho thấy năng lực quản trị nhân sự tại các DN Việt Nam hiện nay vẫn còn yếu.

Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến năng suất giảm, vai trò của người quản lý nhân sự chưa chú trọng đối với một DN. Theo đánh giá của Tổng giám đốc L&A, vai trò của người quản lý nhân sự của các DN Việt Nam còn hạn chế nhất định, trong khi xu hướng phát triển của thị trường và nền kinh tế vai trò người quản lý nhân sự vô cùng quan trọng.

Nâng cao năng lực quản lý

Có thể thấy, vai trò của giám đốc nhân lực trong việc xây dựng hệ thống quản lý thực hiện công việc phù hợp với chiến lược tổ chức trở nên bức thiết. Tuy nhiên, có một khoảng cách lớn giữa ý chí (80% muốn) và thực thi (38% hài lòng) về việc nâng vai trò chiến lược của giám đốc nguồn nhân lực trong DN. Nghĩa là, giám đốc nhân lực cần phải chủ động hơn và tăng thêm hàm lượng hoạch định chiến lược trong công việc của mình.

Một thách thức cụ thể tại thị trường Việt Nam là rất khó để tìm được những ứng viên tốt cho vị trí đối tác nhân sự, vì trào lưu này còn mới. Nhiều quản trị viên trong lĩnh vực nhân sự cũng còn e dè khi phải tự xông pha ra phía trước gây ảnh hưởng lên lãnh đạo các chức năng khác, do quan điểm cũ nhân sự phải ngồi ở hàng sau nên năng suất lao động tạo ra kém.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng để tăng năng suất lao động trước hết cần phải tuyển và đào tạo được người quản lý nhân sự giỏi. Bởi lẽ chính người quản lý nhân sự mới là nhân tố ảnh hưởng quan trọng đến các nhân viên bên dưới.

Còn lãnh đạo cấp cao của DN khó có thể tường tận đến từng lao động để có thể chuyển tải thông tin một cách cụ thể, mà tất cả sẽ qua người quản lý nhân sự. Thực tế hiện nay các DN Việt Nam còn khoảng cách rất lớn giữa người lãnh đạo cấp cao với các vị trí lãnh đạo nhân sự trong công ty.

Chính điều này sẽ khiến người lãnh đạo bên trên không truyền tải được thông tin một cách cụ thể, rõ ràng xuống các nhân viên, khiến hiệu quả công việc trong sản xuất, kinh doanh kém phần hiệu quả. Vì thế, ít nhất trong 1 tuần bà Dung dành ra 1 tiếng để gặp gỡ lãnh đạo quản lý nhân sự cấp cao, qua đó trao đổi thông tin và nắm được tình hình cụ thể nhân sự.

Vai trò bộ phận nhân sự rất quan trọng để tăng năng suất lao động. Ảnh: LONG THANH

Vai trò bộ phận nhân sự rất quan trọng để tăng năng suất lao động. Ảnh: LONG THANH

Phó tổng giám đốc phụ trách nguồn nhân lực Tập đoàn ICP, ông Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, cũng đưa ra quan điểm bộ phận quản lý nhân sự phải là người giữ vai trò quan trọng nhất trong DN. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, những người giữ vị trí quan trọng này phải chứng tỏ được mình đang làm ra kết quả và được công nhận.

Đồng thời, người giữ vị trí quan trọng đó phải tạo được mối quan hệ từ các lãnh đạo cấp trên và nhân viên cấp dưới mới kỳ vọng hiệu suất công việc của người lao động trong công ty cao. Hay nói cách khác, muốn nâng cao năng suất lao động để nâng sức cạnh tranh cho DN phải cạnh tranh về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, những người quản lý nguồn nhân lực trong DN phải thực sự là những người quan trọng trong công ty.

 Ông Diệp Thành Kiệt, Tổng giám đốc ngành túi xách của Tập đoàn Đầu tư Thái Bình (TBS Group), cho rằng bên cạnh việc làm thế nào tăng năng suất lao động để tăng năng lực cạnh tranh, việc chú trọng đầu tư chất lượng sản phẩm là vấn đề quyết định thành công của DN và không quá khó để dành được thị phần.

Từ thực tế trên, cho thấy giải pháp nâng cao năng lực quản lý và lãnh đạo cho đội ngũ quản lý mang lại hiệu quả cao nhất trong tất cả các giải pháp. Việc đo lường, phân tích và đưa ra giải pháp cải thiện năng lực lãnh đạo của đội ngũ quản lý DN nhằm thực thi tốt hơn chiến lược cạnh tranh và phát triển DN cũng được nhiều DN quan tâm.

Như vậy, với Hiệp ước Thị trường lao động tự do ASEAN có hiệu lực từ tháng 12-2015, việc so sánh với thế giới và khu vực về năng lực lãnh đạo của đội ngũ quản lý DN trở nên quan trọng hơn rất nhiều nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Bởi lẽ lúc này người lao động có nhiều cơ hội và đất dụng võ hơn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước ASEAN. Và trong bối cảnh này, đương nhiên cũng có nhiều nhân tài trong những lĩnh vực được mở cửa để DN tại Việt Nam thu hút họ gia nhập lực lượng lao động của mình.

Các tin khác