Khơi thông vốn dự án điện

Nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án điện trong 5 năm tới lên tới hàng chục tỷ USD. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài được xem là kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án điện. Tuy nhiên việc huy động vốn đầu tư cho các dự án điện đang gặp khó vì Việt Nam chưa hình thành một thị trường điện cạnh tranh.

Nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án điện trong 5 năm tới lên tới hàng chục tỷ USD. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài được xem là kênh huy động vốn hiệu quả cho các dự án điện. Tuy nhiên việc huy động vốn đầu tư cho các dự án điện đang gặp khó vì Việt Nam chưa hình thành một thị trường điện cạnh tranh.

Rào cản thị trường

 

Một lộ trình cải cách thị trường điện lực tại Việt Nam đã được lên kế hoạch với 3 cấp độ. Cấp độ 1 thị trường phát điện cạnh tranh (2005-2013), cấp độ 2 thị trường bán buôn diện cạnh tranh (2016-2021), cấp độ 3 xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong giai đoạn (2022-2024).

Báo cáo "Điều tiết thị trường ngành điện" do chuyên gia người Australia, ông Julian Scarff trình bày trong hội thảo gần đây tại Hà Nội, cho thấy cải cách thị trường điện sẽ làm cho giá điện bán buôn trung bình giảm xuống nhưng không nhất thiết làm cho giá bán lẻ giảm. Tư nhân hóa có thể làm tăng giá bán điện, cho phép chính phủ và các đơn vị sản xuất điện được lợi từ việc tăng giá nhưng không ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Việc điều chỉnh giá điện phải được thực hiện trước khi tư nhân hóa để giảm thiểu sức ép giữa hiệu quả kinh tế và sự công bằng khi tư nhân hóa ngành điện… Bên cạnh đó, cần có một cơ quan quản lý điện năng độc lập trước khi tư nhân hóa.

Về bản chất Việt Nam chưa có thị trường cạnh tranh trong mua bán điện. EVN vừa là nhà buôn bán điện, vừa là nhà vận hành hệ thống sản xuất, phân phối điện. Vì vậy, tập đoàn này không có áp lực cải cách. Nếu tách được chức năng buôn bán điện và chức năng truyền tải phân phối điện mới có được thị trường mua bán điện cạnh tranh.

Ông Ngô Doãn Vịnh,
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH-ĐT)

Bàn về việc xây dựng một thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam, ông Peter Maxfield, nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng hiện đang có sự khác biệt giữa các dự án điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư và các dự án BOT trong ngành điện. Các dự án BOT điện công suất lớn đều phải bán điện thông qua EVN.

Một số nhà đầu tư muốn tăng công suất phát điện theo Quy hoạch điện VII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030) nhưng gặp khó khăn trong đàm phán giá bán điện cho EVN. Vì vậy cần xây dựng một thị trường bán buôn điện cạnh tranh để tạo ra giá bán điện sát với giá thành.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết EVN giữ thế độc quyền trong mua và bán lại điện cho người tiêu dùng. Bộ Công Thương là bộ chủ quản EVN, đồng thời là chủ sở hữu EVN, không có sự tách biệt giữa bộ chủ quản và chủ sở hữu EVN.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng Việt Nam, có 2 lý do đang cản trở việc hình thành thị trường mua bán điện cạnh tranh tại Việt Nam. Thứ nhất, chỉ các nhà máy điện sản xuất nhỏ tham gia vào hệ thống điện cạnh tranh hàng năm do Bộ Công Thương công bố, các nhà máy điện lớn được đầu tư theo BOT thường không tham gia vào thị trường điện cạnh tranh. Để xây dựng, vận hành chạy thử thương mại 1 nhà máy điện BOT mất khoảng 10 năm nên để đảm bảo hiệu quả đầu tư, các nhà đầu tư BOT điện thường ký hợp đồng mua bán điện cho EVN trong 20-30 năm theo vòng đời dự án.

Thứ hai, chức năng quản lý vận hành thị trường điện hiện vẫn thuộc EVN, công ty mua bán điện thuộc EVN, công ty truyền tải điện cũng thuộc EVN. Và chỉ khi tách được các chức năng này khỏi EVN mới có thể hình thành được thị trường điện cạnh tranh. Với cơ chế như hiện nay, các nhà đầu tư BOT bắt buộc phải bán điện cho EVN vì không còn hệ thống truyền tải, phân phối điện nào khác.

Bất cập hiện nay là các nhà sản xuất điện lớn không thể bán điện trực tiếp đến người mua, các nhà máy điện nhỏ khi tham gia thị trường mua bán điện cạnh tranh hàng năm dù bán điện ngắn hạn hay dài hạn cho EVN vẫn phải đấu nối lên lưới điện, vẫn phải thỏa thuận EVN tại địa phương.

Nhiều dự án BOT không thu xếp được vốn

Theo Quy hoạch điện VII dự báo, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện đến năm 2020 khoảng 48,8 tỷ USD, trung bình mỗi năm cần khoảng 4,88 tỷ USD đầu tư xây dựng các nhà máy điện và mạng lưới truyền tải điện. Trong giai đoạn 2021-2030 nhu cầu đầu tư cho ngành điện khoảng 75 tỷ USD. Để huy động đủ nguồn vốn trên, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp để huy động vốn cho các dự án điện.

Trong đó, cho phép các tập đoàn, tổng công ty trong ngành điện liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện các dự án điện. Đồng thời, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển điện năng, các dự án điện cũng được ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, kém ưu đãi và vay thương mại từ nước ngoài.

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, đến nay cả nước có khoảng 21 dự án BOT đầu tư vào ngành điện, trong đó 5 dự án đã được cấp phép đầu tư thực hiện và đưa vào vận hành như: Nhiệt điện Phú Mỹ II, Nhiệt điện Phú Mỹ III đã đi vào vận hành, Nhiệt điện Mông Dương 2 mới đi vào vận hành, 2 dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang trong giai đoạn thu xếp vốn.

15 dự án BOT điện còn lại đang trong giai đoạn thương thảo, ký kết hợp đồng. Trong một cuộc họp mới đây về tiến độ các dự án BOT ngành điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định quá trình đàm phán các dự án BOT ngành điện đang rất chậm, nhiều dự án được giao thực hiện sau nhiều năm không thu xếp được vốn. Trong 10 năm qua, ngoài dự án nhiệt điện BOT Mông Dương 2 được khởi công xây dựng chưa có thêm dự án BOT nào trong ngành điện được triển khai.

Thực tế trên cho thấy, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện đang gặp quá nhiều khó khăn. Dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề xuất đầu tư hàng chục dự án nhưng dường như rào cản thị trường điện phi cạnh tranh, thiếu minh bạch đang gây khó cho hàng chục dự án trong khâu thu xếp tài chính.

Các tin khác