Thực hiện NQ19: Chưa nỗ lực từ bộ, địa phương

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 19/2014 và 3 tháng triển khai Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều lĩnh vực đã được cải thiện, đặc biệt là thuế, hải quan. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã chỉ ra không ít mặt hạn chế, tồn tại cản trở tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh.

Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 19/2014 và 3 tháng triển khai Nghị quyết 19/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều lĩnh vực đã được cải thiện, đặc biệt là thuế, hải quan. Tuy nhiên, báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) đã chỉ ra không ít mặt hạn chế, tồn tại cản trở tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh.

Áp dụng cả quy định đã... hết hiệu lực

Nghị quyết 19 yêu cầu rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 187/2013/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài) đối với hàng hóa thuộc danh mục quản lý chuyên ngành. Việc này được coi là nhiệm vụ trọng tâm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thông quan hàng hóa qua biên giới.

Nghị định 187 yêu cầu 12 bộ, ngành liên quan ban hành danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, sau hơn 18 tháng, chỉ có các bộ, ngành như công thương, nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải, văn hóa - thể thao và du lịch, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành danh mục, và số lượng danh mục mặt hàng ban hành chỉ đạt 35/107 (chiếm 32,7%).

Cần tập trung chỉ đạo để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Đầu tiên phải rà soát, loại bỏ quy định không phù hợp, đưa ngay công nghệ thông tin vào quản lý, đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành, nhất là người đứng đầu, có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Trong hoạt động điều hành vấn đề gì còn hạn chế yếu kém cần tập trung làm rõ, không nói chung chung, phải khắc phục cho được.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Theo quy định, danh mục hàng phải quy định rõ tên hàng, mã số HS, cách thức quản lý mới đủ căn cứ để làm thủ tục thông quan. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có Thông tư 18/2014/TT-NHNN của NHNN quy định đủ các nội dung theo yêu cầu. Các văn bản khác hoặc thiếu mã HS, hoặc thiếu chế độ quản lý. Vì vậy cơ quan hải quan vẫn phải áp dụng Nghị định 12/2006/NĐ-CP (đã hết hiệu lực từ 20-2-2014) trong khi chờ các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn theo Nghị định 187. Rõ ràng, sự chậm chễ nói trên đã và đang gây nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan hải quan.

Một thí dụ khác là về vấn đề khai hải quan. Một trong những vướng mắc lớn về thủ tục thông quan hàng hóa hiện nay là vấn đề khai hải quan và giấy nộp tiền đối với những lô hàng có nhiều mặt hàng. Theo chương trình VNACCS/VCIS (hệ thống thông quan tự động và công tác quản lý rủi ro và giám sát nghiệp vụ) của hải quan, những lô hàng này phải khai thành nhiều tờ khai (đối với nhiều doanh nghiệp, mỗi lô hàng có thể lên tới hàng trăm tờ khai).

Trong khi đó, NH vẫn chưa thực hiện giấy nộp tiền nộp cho nhiều tờ khai hải quan. Mỗi tờ khai có 1 giấy nộp tiền nên 1 lô hàng có tới hàng trăm giấy nộp tiền và doanh nghiệp hiện vẫn phải đến NH nhận các giấy nộp tiền để nộp cơ quan hải quan. Vướng mắc này làm tăng thời gian và chi phí của doanh nghiệp khi thực hiện thông quan hàng hóa.

Về vấn đề kiểm dịch hàng xuất khẩu, việc cơ quan quản lý chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn áp dụng cứng nhắc Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT (về danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật) đã gây khó khăn, tốn kém chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường không yêu cầu phải kiểm dịch.

Thí dụ, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ sang các thị trường không yêu cầu phải kiểm dịch (như Nhật Bản), nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn yêu cầu phải thực hiện kiểm dịch thực vật tại Việt Nam. Ngoài ra, cách tính phí kiểm dịch không thống nhất giữa các cơ quan và việc áp dụng tính phí theo trọng lượng thay vì theo lô hàng xuất khẩu, đã làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp khi thông quan hàng hóa.

Một vướng mắc khác cũng đang hành doanh nghiệp là quy định kiểm định hàng nhập khẩu. Điển hình như trường hợp một doanh nghiệp lớn nhập khẩu mặt hàng thép từ các nhà sản xuất uy tín (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu...) và đã từng được cơ quan kiểm định chất lượng xác nhận đủ tiêu chuẩn tiêu thụ tại thị trường Việt Nam và được phép thông quan.

Tuy nhiên, mỗi lần nhập khẩu tiếp theo với mặt hàng tương tự và của cùng một nhà sản xuất, doanh nghiệp vẫn phải làm thủ tục kiểm định. Khi lấy mẫu để kiểm định, cơ quan kiểm định cắt một phần của sản phẩm (như thép tấm, thép hình...) và sản phẩm khi đã bị cắt trở thành phế phẩm và không còn giá trị sử dụng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp bởi chi phí của một tấm thép khá lớn. Cụ thể, 1 tấm thép carbon bị cắt, doanh nghiệp mất khoảng 5.000-10.000USD. Hơn nữa, thời gian chờ đợi kiểm định hơn 2 tuần, làm chậm trễ thông quan và phát sinh chi phí lưu bãi, lưu kho...

Nhiều bộ, ngành, địa phương trì trệ

Đánh giá về những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Nghị quyết 19/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng việc rút ngắn thời gian nộp thuế, thủ tục hải quan đã được xã hội công nhận. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận trước mắt còn nhiều việc phải làm.

Dù việc giảm thời gian trong lĩnh vực thuế, hải quan theo Nghị quyết 19/2015 đạt được nhiều mặt nhưng đó là chỉ trên giấy tờ, lý thuyết. Còn để đảm bảo đi vào thực chất phải giải quyết nhiều, buộc phải cải tổ mạnh hơn nữa. Trong những nhiệm vụ khó khăn trước mắt, theo ông Dũng cần cải thiện những lĩnh vực NH Thế giới đánh giá còn yếu kém như nộp thuế điện tử, giải quyết khiếu nại, thanh kiểm tra.

Nhiều bộ, cơ quan chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và dự kiến kết quả đạt được có thể do chưa nắm rõ phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết. Do đó việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động chưa bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo yêu cầu của nghị quyết.

Ông Bùi Quang Vinh,
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT

Để cải thiện môi trường kinh doanh đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt. Thế nhưng những đơn vị đang làm khá tích cực như Bộ Tài chính lại không nhiều. Vì thế, trong báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện 2 Nghị quyết 19, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương chưa xây dựng và ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19; đồng thời, yêu cầu phải bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 19 để cụ thể hóa vào chương trình hành động của ngành, địa phương.

Cùng với đó là kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành việc soạn thảo và ban hành các thông tư thuộc thẩm quyền theo yêu cầu của Nghị quyết 19 ngay trong quý III-2015; và hoàn thành soạn thảo các nghị định thuộc thẩm quyền đã được giao chậm nhất trong quý IV-2015; các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải nghiên cứu, tìm hiểu rõ những đổi mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, chấm dứt ngay việc soạn thảo và ban hành trái thẩm quyền các quy định về điều kiện kinh doanh; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ KH-ĐT tập hợp, phân loại tất cả các điều kiện kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền và nghiêm túc bãi bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn hợp pháp; yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình hành động; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả.

Cần nhiều nỗ lực hơn

Đánh giá về Nghị quyết 19/2014, theo Bộ KH-ĐT, việc thực hiện đã đạt những kết quả tích cực như: thời gian đăng ký kinh doanh còn 3 ngày, vượt chỉ tiêu so với yêu cầu (nghị quyết đặt chỉ tiêu 6 ngày). Theo đó, thời gian khởi sự kinh doanh còn 17 ngày và xếp hạng sẽ cải thiện từ vị trí 109 lên vị trí 37 (tăng 72 bậc), cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước ASEAN 6 (vị trí 99).

Về chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư, chỉ số này đã tăng từ 3,33 điểm lên 6,2 điểm nhờ đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2014 và xếp hạng chỉ số này sẽ tăng 105 bậc (từ vị trí 157 lên vị trí 52), đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 như yêu cầu của nghị quyết. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu dù đã được rút ngắn nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra và cần tiếp tục phải cải thiện như: trong năm 2014 và đầu năm 2015, số giờ nộp thuế dự kiến giảm được 380 giờ (từ 537 giờ/năm xuống còn 157 giờ/năm).

Thời gian nộp thuế vẫn chưa đạt yêu cầu của nghị quyết và cần tiếp tục giảm thêm 35,5 giờ nữa; thời gian nộp bảo hiểm xã hội cần tiếp tục giảm thêm 185,5 giờ; thời gian tiếp cận điện năng chưa đạt yêu cầu của nghị quyết và cần giảm thêm 15 ngày; chỉ tiêu giao dịch thương mại qua biên giới chưa có sự cải thiện rõ rệt.

Hướng dẫn cho doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Ảnh: CAO THĂNG

Hướng dẫn cho doanh nghiệp làm thủ tục hải quan. Ảnh: CAO THĂNG

Về triển khai Nghị quyết 19/2015, theo Bộ KH-ĐT, để phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 6 vào năm 2015 và ASEAN 4 vào năm 2016, 13 nhiệm vụ, giải pháp tổng thể và 80 giải pháp cụ thể đã được đề ra.

Theo yêu cầu của nghị quyết, trước ngày 30-4-2015, các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch hành động. Thế nhưng, cho đến ngày 19-6-2015, mới có 12 bộ, ngành và và 12 địa phương có kế hoạch hành động. Như vậy, vẫn còn 13 bộ, ngành và 51 tỉnh chưa có.

Sau 3 tháng rà soát các điều kiện kinh doanh, cho thấy tương ứng 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là 6.475 điều kiện kinh doanh thuộc các cấp độ khác nhau, trong đó 3.299 điều kiện hiện đang quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ. Theo quy định của Luật Đầu tư 2014, 3.299 điều kiện này sẽ bị bãi bỏ và hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7.

Các tin khác