Căng thẳng kỳ thi 2 trong 1

Đến hẹn lại lên, những ngày đầu tháng 7, trên khắp các nẻo đường TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành lại tất bật, rộn ràng kèm theo chút hồi hộp, căng thẳng của mùa tuyển sinh. Đặc biệt năm nay là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đầu tiên sát nhập 2 kỳ thi tú tài và đại học vào làm 1.

Đến hẹn lại lên, những ngày đầu tháng 7, trên khắp các nẻo đường TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành lại tất bật, rộn ràng kèm theo chút hồi hộp, căng thẳng của mùa tuyển sinh. Đặc biệt năm nay là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đầu tiên sát nhập 2 kỳ thi tú tài và đại học vào làm 1.

Nôn nao trước giờ thi

Kỳ thi năm nay diễn ra trong 4 ngày, từ 1 đến 4-7. Ngày thi đầu tiên bắt đầu với môn Toán. Mới 7 giờ sáng, trước các cổng trường THPT trên địa bàn TPHCM đã chật cứng người bởi ai cũng có tâm trạng hồi hộp, nôn nao. Nhiều phụ huynh đưa con đi sớm để có thời gian nghỉ ngơi, dặn dò, trấn an tinh thần cho con. Thậm chí nhiều em ở xa như Đồng Nai, huyện Hóc Môn, Củ Chi... vì sợ tắc đường nên đi từ lúc trời chưa sáng, tới địa điểm thi sớm hơn 2 giờ đồng hồ.

Nhiều em vẫn đang tranh thủ cầm ổ bánh mì, hộp sữa ăn sáng lấy sức vào phòng thi. Thấy cảnh con gắng nuốt cho xong thức ăn khô khốc, một chị phụ huynh nghẹn ngào: “Hơn 1 tuần nay thấy cháu lo lắng, thức đêm học bài, ngủ không đủ giấc, giờ lại ăn uống không đầy đủ nên thấy thương quá. Mong kỳ thi qua nhanh để cháu có thời gian nghỉ ngơi”.

Ghé qua Trường THPT Trương Công Định, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh, không khí hồi hộp tràn ngập. Căng thẳng và lo lắng, nhiều em cố gắng tranh thủ xem lại bài vở trước những phút cuối vào phòng thi. Đến gần em Nguyễn Hữu Phong, Trường THPT Nguyễn Trãi, Biên Hòa, Đồng Nai, cho biết xem lại cũng không bổ sung thêm được kiến thức gì, nhưng vẫn giở ra xem cho yên tâm, tự tin hơn. Đó cũng tâm lý chung, bởi trước giây phút quan trọng quyết định kết quả 12 năm đèn sách, các em mong muốn kiếm một điểm tựa để an tâm vào phòng thi.

Đúng 8 giờ sáng, cổng trường đóng lại ngăn cách các em với những hồi hộp, nôn nao, lo lắng của phụ huynh ngóng đợi bên ngoài. 2 bên cổng trường, cha mẹ, anh chị thí sinh người đứng người ngồi, đi tới đi lui đếm từng phút đợi kết thúc buổi thi ra thăm hỏi. Nhiều người mệt mỏi, tranh thủ thời gian dựa gốc cây, nằm trên xe máy chợp mắt một lúc. Khi hỏi về thông tin quyết định thay đổi cơ chế tuyển sinh năm nay, hầu hết mọi người ở đây đều lắc đầu.

Cô Trần Thị Tơ, ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đưa con trai lên dự thi lo lắng cho biết: “Mình quanh năm cặm cụi làm rẫy nên ít khi đọc báo hay tìm hiểu thông tin nên không nắm được quy định mới như thế nào. Chỉ biết con có nguyện vọng thi vào Đại học Sư phạm Kỹ thuật nên sắp xếp thời gian chở con đi thi để động viên, an ủi”.

Tương tự, chú Trương Thanh Bình, phường 3, quận Tân Phú, cũng băn khoăn không biết điều kiện xét tốt nghiệp được tính như thế nào và xét vào đại học ra sao. Nhiều người được hỏi về quy chế tuyển sinh mới của Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết chưa thấy sự phổ cập rộng rãi, do vậy phụ huynh không nắm cụ thể hết những thay đổi này.

Ngồi đợi con tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, chị Nguyễn Thị Khanh cho biết, năm nay môn ngoại ngữ đã trở thành môn thi bắt buộc trong 3 môn tiêu chuẩn xét tuyển, điều này sẽ bất lợi cho các thí sinh học kém môn ngoại ngữ và các thí sinh muốn dự thi khối A, B những năm trước không cần phải thi môn này.

Đặc biệt, những quyết định thay đổi quy chế Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra quá gấp rút, chỉ 9 tháng từ khi ra quyết định đến khi bắt đầu kỳ thi, chắc chắn nhiều em sẽ không đủ thời gian để ôn thi, trang bị đủ kiến thức cho mình. Ngược lại với chị Khanh, chị Trương Minh Huyền lại cho rằng việc áp dụng quy chế mới như vậy sẽ giảm áp lực trong việc học cho thí sinh. Những năm trước thí sinh phải thi 2 đợt thi tốt nghiệp và thi đại học, nay chỉ cần tập trung cho 1 kỳ thi.

Việc bắt buộc thi ngoại ngữ là điều nên làm bởi ngoại ngữ giờ đây trở nên phổ biến và thông dụng. Trong tình hình kinh tế hội nhập như hiện nay, việc học ngoại ngữ là điều nên quy định bắt buộc. Đương nhiên khi thi rút gọn thí sinh sẽ bị áp lực, vì điểm thi giờ đây mang tính quyết định không chỉ đến kết quả tốt nghiệp mà còn cả đến việc chọn nghề, chọn trường đại học, cao đẳng trong thời gian tới.

Mơ hồ quy định mới

Khi tiếng trống báo hiệu hết thời gian làm bài môn thi đầu tiên vang lên cũng là lúc không khí căng thẳng đẩy lên thêm một bậc. Nhìn cảnh bố mẹ, anh chị cứ đưa mắt chăm chú dõi vào trong trường để tìm kiếm con em khiến ai đi qua cũng đồng cảm. Nhiều em có vẻ phấn khởi và vui mừng khi bước ra khỏi phòng thi.

Em Trần Quang Hiếu, học sinh Trường THPT Quang Diệu, quận Tân Phú, hồ hởi: “Đề thi Toán năm nay có 10 câu, dài hơn năm ngoái nhưng mức độ thì dễ hơn, em nắm chắc trong tay hơn 70%”. Chàng học sinh trường Đại học Kinh tế TPHCM trong tương lai, chuyên ngành Quản trị kinh doanh Nhà hàng, khách sạn, cho biết việc tổ chức kỳ thi quốc gia chung như năm nay sẽ xóa bỏ khối thi truyền thống như trước.

Đặc biệt, thí sinh sẽ không phải đăng ký tuyển sinh vào các ngành đào tạo, các trường trước khi diễn ra kỳ thi. Sau khi có kết quả thi, thí sinh sẽ căn cứ vào yêu cầu của các trường, các ngành đào tạo và điểm thi của mình để đăng ký dự tuyển vào trường đại học, cao đẳng phù hợp. Thay đổi này tránh cho thí sinh phải chịu rủi ro, không bỏ sót những đối tượng có kết quả tốt nhưng vẫn trượt bởi đăng ký vào ngành quá sức mình.

Căng thẳng kỳ thi 2 trong 1 ảnh 1

 Niềm vui và nỗi buồn của các sĩ tử sau khi thi. Ảnh: L.THẢO

Niềm vui và nỗi buồn của các sĩ tử sau khi thi. Ảnh: L.THẢO 

Em Nguyễn Ngọc Thảo Uyên, trường THPT Nguyễn Chí Thanh, cho biết đến giờ vẫn chưa hiểu rõ về cơ chế xét tuyển tốt nghiệp. Do vậy em vẫn chưa biết cách tính điểm xét tốt nghiệp của mình như thế nào. Một số thí sinh cũng cho rằng mặc dù làm bài môn đầu tiên khá ổn, nhưng vẫn còn nhiều thử thách với các môn còn lại.

Ngoài ra, các em cũng chưa nắm vững được cách tính điểm trung bình trong năm học lớp 12 như thế nào và kết hợp với điểm thi lần này ra sao để ra điểm thi tốt nghiệp. Như vậy, không chỉ các bậc phụ huynh mà ngay cả thí sinh cũng chưa nắm vững quyết định mới của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Nhiều trường cũng tổ chức các buổi phổ biến quy chế xét tuyển và tham dự kỳ thi THPT quốc gia, nhưng các em cho biết phần lớn do các trường đại học, cao đẳng về phối hợp tổ chức. Và nội dung phổ biến chỉ nói đến cách thức xét tuyển đại học và các ngành nghề, chỉ tiêu, đầu ra.

Như vậy cần đặt câu hỏi về hiệu quả của công tác triển khai quyết định mới và hướng dẫn, tư vấn cho các học sinh của ban giám hiệu, phòng đào tạo các trường đại học, cao đẳng, và các trường THPT. Bởi, các trường THPT chính là nơi đào tạo trực tiếp các em và có trách nhiệm chính trong việc đảm bảo kiến thức cơ bản nhất về tuyển sinh cho các em để từ đó các em mới có nền tảng trong những bước đi sắp tới.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần tìm hiểu và cập nhật thông tin về quy chế tuyển sinh để kịp thời tư vấn, hỗ trợ cho con em khi cần giúp đỡ. Điều này rất quan trọng, mang tính quyết định trong việc lựa chọn hướng đi đúng đắn cho các em, những thế hệ non trẻ, nguồn nhân lực và là chủ nhân tương lai của đất nước.

Các tin khác