CPH DNNN và thoái vốn: Vẫn chậm chạp, ì ạch

Chỉ còn 6 tháng nữa, kế hoạch cổ phần hóa (CPH) DNNN giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch thoái vốn sẽ kết thúc. Thế nhưng, vẫn còn tới 228 DNNN cần phải CPH từ nay đến hết năm, số vốn cần thoái khoảng 19.000 tỷ đồng. Số lượng, giá trị còn lại lớn nhưng những vướng mắc trong quá trình triển khai xuất hiện nhiều điểm đáng lo ngại.

Chỉ còn 6 tháng nữa, kế hoạch cổ phần hóa (CPH) DNNN giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch thoái vốn sẽ kết thúc. Thế nhưng, vẫn còn tới 228 DNNN cần phải CPH từ nay đến hết năm, số vốn cần thoái khoảng 19.000 tỷ đồng. Số lượng, giá trị còn lại lớn nhưng những vướng mắc trong quá trình triển khai xuất hiện nhiều điểm đáng lo ngại.

Nhiều trở ngại, vướng mắc

Tại buổi họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN mới đây, những khó khăn vướng mắc cụ thể tiếp tục được nhiều đại diện các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đưa ra. Đại diện Tập đoàn Hóa chất cho biết đang gặp khó khăn trong quá trình CPH Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Nguyên nhân do nhiều năm nay công ty này lỗ lớn (1.000 tỷ đồng), vốn nhà nước bị âm nhiều.

Do vậy, để có thể CPH được, tập đoàn kiến nghị được giảm vốn nhà nước tại DN này. Về thoái vốn, việc thoái tại 3 công ty liên doanh điểm vướng nhất là đất đai. Trước đây, do không có tiền nên tập đoàn chỉ có thể góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Hiện nay, muốn thoái được phần vốn phải làm rõ trách nhiệm tài chính của phần đất sau khi thoái xong và liệu bên liên doanh có phải nộp thuế đất nữa hay không.

Còn theo đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su, trong danh sách CPH của tập đoàn có một số đơn vị đầu tư ra nước ngoài nhưng hiện chưa có hướng dẫn xác định giá trị tài sản đầu tư ra nước ngoài. Với các dự án tại nước ngoài, muốn IPO phải làm được thủ tục pháp lý và phải làm nhanh.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, hiện nay bộ đang tích cực triển khai thoái vốn, nhưng có nhiều danh mục thoái vốn không thành công. Chẳng hạn, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam có 13 danh mục đã thoái vốn đến lần 2 vẫn không được.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, cho biết có những DN nếu không thoái nhanh còn lỗ thêm, nên chắc chắn sẽ phải thoái và cần thiết phải xin cơ chế phù hợp hơn. Những DN lỗ thoái vốn sẽ khó, có thể sẽ lỗ và điều này liên quan đến cơ chế trách nhiệm, do đó cần có xem xét hướng dẫn về vấn đề này. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, việc bán cổ phần dưới mệnh giá cũng có nhiều vấn đề. Có những điểm đúng với thực tế, nhưng có những đơn vị cố tình thoái dưới mệnh giá.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết một trong những điểm vướng mắc khác của CPH là phương pháp định giá khoản đầu tư tài chính tại các DN chưa niêm yết theo phương pháp vốn chủ sở hữu. Cách này chưa phản ánh được tính thị trường của các khoản đầu tư, dẫn tới trường hợp giá trị khoản đầu tư thực tế đã bị giảm do DN thua lỗ nhưng vẫn phải tính theo giá trị sổ sách, trong khi DN đã trích dự phòng lại không được sử dụng để bù đắp mà phải hoàn nhập vào vốn nhà nước.

Điều đó dẫn đến DN sau CPH phải gánh chịu khoản vốn nhà nước ảo. Cũng theo bộ này, cơ chế chính sách hiện vẫn còn thiếu. Cụ thể, trong CPH, thoái vốn hiện vẫn còn thiếu quy định về trình tự, thủ tục bán cho cổ đông chiến lược như tiếp nhận hồ sơ, đăng ký, giới hạn thời gian tìm kiếm cổ đông chiến lược hay quy trình bán trước hoặc sau IPO ra sao; thủ tục đấu giá giữa các cổ đông chiến lược; Bộ Kế hoạch - Đầu tư chưa có văn bản hướng dẫn thoái vốn bằng thương hiệu theo nhiệm vụ Chính phủ giao.

Quyết liệt xử lý trách nhiệm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, qua theo dõi, các DN trong lĩnh vực cảng biển, công nghiệp, nông lâm trường trước khi thực hiện CPH được giao quyền sử dụng đất có giá trị thương mại rất cao. Đồng thời theo phương án sử dụng đất sau CPH đã cho thấy một số cơ sở đã thay đổi mục đích sử dụng đất so với trước khi CPH như chuyển trụ sở làm việc, kho chứa hàng sang khu phức hợp văn phòng, thương mại nhà ở, trung tâm thương mại... với giá trị khác hẳn.

Do đó, cần làm rõ điều này khi cổ phần hóa ở những tập đoàn, tổng công ty có liên quan tới đất đai. Ngoài ra, có điểm đáng lưu ý khác là nhiều DN xây dựng tiêu chí, đề xuất lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa phù hợp, không đáp ứng được tiêu chí nhà đầu tư chiến lược là chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Nhiều nhà đầu tư chiến lược không liên quan tới lĩnh vực DN. Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng đây là xu thế cần quan tâm.

Cần xem xét lại các nhà đầu tư chiến lược này bởi họ sẽ thành chủ, chi phối DN, trong khi mức giá mua là giá IPO nên giá thường sẽ rất thấp. Đây là kẽ hở rất lớn. Dù đẩy mạnh CPH DNNN nhưng nhà đầu tư bên ngoài biết rất ít. "Phải chăng thông tin CPH nằm ở trong một giới rất hẹp? Nên có đề án tuyên truyền CPH, công khai các kế hoạch CPH ở truyền thông, chứng khoán..." - ông Đông nói.

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam có 13 danh mục đã thoái vốn đến lần 2 vẫn không được.

Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam có 13 danh mục đã thoái vốn đến lần 2
vẫn không được.

Về 228 DNNN cần phải CPH trong năm nay, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu 44 DN đã có quyết định công bố giá trị DN trong quý III phải hoàn thành phê duyệt kế hoạch CPH; 127 DN đang tiến hành xác định giá trị phải cố gắng trong tháng 9 công bố và và quý IV hoàn thành phê duyệt phương án CPH.

Còn 57 DN chưa triển khai, vướng mắc nằm ở đâu phải báo cáo cụ thể, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan, nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc này. Định kỳ hàng tháng các bộ, ngành liên quan phải báo cáo tiến độ thực hiện, trong đó đề cập cụ thể tình hình và nguyên nhân của việc tại sao làm tốt, tại sao làm chưa tốt, trách nhiệm thuộc về ai.

Về thoái vốn, theo Phó Thủ tướng, những đơn vị bị lỗ, trong các quyết định đã đề cập, nếu khoản đầu tư tốt và xu hướng phát triển được thì thoái, còn nếu càng để càng lỗ buộc phải bán. Còn trách nhiệm nguyên nhân ở đâu sẽ xử lý đến đó.

Các tin khác